Khi chơi The Witcher 3, bạn có thể bắt gặp một câu chuyện mới ở bất kỳ đâu. Trong The Witcher 3, rất nhiều lúc bạn sẽ không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Lấy ví dụ phế tích ở Est Taylar: bạn có thể đến đây nhằm nâng cấp một món trang bị của mình, bởi ẩn đâu đó trong phế tích này là một số bản vẽ vũ khí, nhưng đây cũng là nơi được đánh dấu bằng một dấu “?” báo hiệu rằng đây là một địa điểm cần được khám phá. Khi đến nơi, bạn lại nhận ra rằng mình đang nằm trong một nhiệm vụ cốt truyện khai thác các mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia trong game, và thậm chí còn có thể hé lộ cho bạn biết về số phận của một vài nhân vật quan trọng trong các phiên bản trước.
Và đây chính là điều làm The Witcher 3 nổi bật giữa nhiều tựa game thế giới mở không kém phần hấp dẫn khác: một thế giới rộng lớn, chặt chẽ và đầy những bất ngờ. Nó làm hàng triệu game thủ vẫn muốn trở lại với game nhiều năm sau đó mặc dù đã hoàn tất trò chơi từ lâu.
Mọt cố gắng thực hiện bài viết này ít spoil nhất có thể, bởi có lẽ vẫn còn không ít game thủ chưa khám phá hết nội dung game.
Sự bất ngờ
Nếu phải so sánh hệ thống nhiệm vụ cốt truyện của The Witcher 3 với những tựa game khác, có lẽ chỉ Fallout 3 mới có thể sánh bằng. Cả hai trò chơi đều có những “point of interest” (tạm bợ gọi là “địa điểm thú vị”) thuộc nhiều tầm vóc khác nhau. Trong Fallout 3, đó có thể chỉ là những ngôi nhà nhỏ hẹp mà bạn hoàn thành sau khi đập vài ba con quái, nhưng cũng có thể là phế tích còn lại sau một cuộc thử nghiệm đáng sợ của Vault-Tec. Trong The Witcher 3, những dấu chấm hỏi trên bản đồ có thể dẫn bạn tìm thấy một con thú trong hang, nhưng cũng có thể là một con ác thú khổng lồ hơn bạn chục cấp, hoặc một phần của chuỗi nhiệm vụ hoành tráng đủ sức kéo chệch bạn khỏi cuộc hành trình tìm kiếm Ciri suốt nhiều giờ liền.
Với The Witcher 3 (và Fallout 3), game thủ rất khó đoán trước được điều gì đang chờ đón mình ở điểm đến. Đây là một điều làm tăng cường cảm giác nhập vai hết sức thú vị, bởi chúng ta luôn phải chuẩn bị cho cuộc hành trình sắp tới một cách thận trọng và tỉ mỉ, đem lại cho bạn cảm giác như một witcher thực thụ đang sẵn sàng bước vào cuộc săn. Trong khi đó, những The Elder Scrolls V: Skyrim hay Dragon Age: Inquisition dù có cốt truyện hoành tráng và thế giới rộng lớn, chúng lại không có đủ sự bất ngờ nhằm giữ game thủ luôn hào hứng khi khám phá những địa điểm mới trong game.
Sự chặt chẽ trong nội dung
Một tựa game thế giới mở thường có hàng chục nhiệm vụ chính, hàng trăm nhiệm vụ phụ và hàng ngàn vật phẩm để bạn nhặt nhạnh, sưu tập dọc đường, đặc biệt là các tựa game kiểu Ubisoft. Nếu được làm một cách vừa phải, những nhiệm vụ phụ và vật phẩm sưu tầm sẽ bổ sung vào trải nghiệm của game thủ, giúp họ hiểu thêm về thế giới trong game, nhưng đại đa số game ngày nay không đi theo hướng này. Thay vào đó, nhiều nhà phát triển dùng chúng như một biện pháp kéo dài thời lượng game, để họ có thể tự hào công bố “game chúng tôi làm ra có thời lượng hàng trăm giờ.” Nhưng với những tựa game đi theo phương hướng này, “khám phá thế giới” và “hoàn thành nhiệm vụ” đã trở thành hai điều tách biệt nhau: bạn đi đến một địa điểm nào đó là để lấy những phần thưởng mà nó đem lại, chứ không phải để biết điều gì đã, đang và sẽ xảy ra tại đó trước khi bạn đến, khi bạn đang ở đó và sau khi bạn đã rời đi.
Khi chơi những tựa game như thế này (chẳng hạn series Borderlands), Mọt tui thường nhận tất cả mọi nhiệm vụ có thể cùng một lúc, tìm xem khu vực nào có nhiều nhiệm vụ nhất rồi chạy thẳng đến đó, làm mọi thứ cùng lúc trước khi trở về nhận loạt nhiệm vụ tiếp theo. Phương thức này có lợi thế là tiết kiệm thời gian, nhưng nó khiến game thủ khó mà “cảm” được toàn bộ nội dung của các nhiệm vụ (dù nhiều nhiệm vụ cũng chỉ là đến gặp A, nhặt B, mang về điểm C…). Cách chơi này biến thế giới của game thành một bảng danh sách dài chán ngán, và rất ít khi Mọt hoàn tất hết nhiệm vụ phụ trong một tựa game thế giới mở ngày nay.
CD Projekt Red không làm thế trong The Witcher 3. Bằng cách hạn chế cho game thủ chỉ có thể xem một nhiệm vụ vào một thời điểm, đồng thời làm cho nội dung của nhiệm vụ đầy những manh mối ẩn, các tình tiết đáng chú ý hoặc nút thắt bất ngờ, đội ngũ làm game buộc người chơi luôn phải chú ý đến nội dung của nhiệm vụ, từ đó giúp họ hiểu rõ những gì đang xảy ra, mình cần làm gì và hậu quả / tác dụng của những hành động đó ra sao. Điều này khiến game thủ hướng tầm mắt của mình vào nội dung của từng nhiệm vụ trong game, chứ không phải chỉ chăm chăm vào phần thưởng mà chúng đem lại.
Sự liên kết giữa các nhiệm vụ
Bất kỳ ai từng cày cuốc qua The Witcher 3 hẳn sẽ đồng ý rằng rất khó nói mình đã nhìn thấy tất cả những gì game có được. Mỗi nhiệm vụ trong game đem lại cho game thủ hàng loạt lựa chọn khác nhau và thay đổi kết quả của nhiệm vụ. Những kết quả đó lại dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong thế giới của trò chơi, ảnh hưởng lẫn nhau và thay đổi cả nội dung cốt truyện, tạo ra một mạng lưới rối rắm nhưng đầy khiêu khích khiến game thủ không ngừng tìm thấy những bất ngờ mới mỗi lần trở lại với game.
Để minh họa cho điều này, hãy để Mọt lấy lại ví dụ về khu vực Est Taylar: bạn có thể đến đó từ rất sớm để khám phá mọi thứ, xóa bỏ dấu “?” khỏi bản đồ của mình, và mở khóa nhiệm vụ tìm kiếm các bản vẽ nâng cấp trang bị khi trực tiếp nhặt được các bản vẽ đó. Nhưng vào lúc này, có thể bạn chưa biết được rằng đây sẽ là nơi bạn cần trở lại để thực hiện một nhiệm vụ nằm trong một chuỗi nhiệm vụ khác. Việc hoàn thành chuỗi nhiệm vụ này là một trong hai điều kiện để mở khóa một nhiệm vụ phụ mới về sau. Chưa hết đâu, nhiệm vụ “phụ” mới này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến một số tình tiết rất quan trọng trong game, bao gồm số phận của Ciri – cô bé mà Geralt xem như con mình – trong kết thúc của trò chơi!
Vén màn bí mật
Như Mọt đã nhắc đến bên trên, hệ thống nhiệm vụ mà CD Projekt Red đã tạo ra cho The Witcher 3 là cực kỳ đa dạng. Game thủ thậm chí còn có thể hoàn thành chúng dù vô tình hay cố ý hoặc phớt lờ chúng hoàn toàn nếu không có hứng thú tham gia. Điều này khiến The Witcher 3 thực sự có hàng trăm giờ chơi đầy hứng khởi, khiến việc khám phá thế giới của nó luôn đem lại cho bạn cảm giác mới mẻ như những phút đầu tiên. Đây là bí quyết làm The Witcher 3 khác với đại đa số những tựa game thế giới mở khác: thế giới xung quanh bạn là một phần của câu chuyện về Geralt và những cuộc phiêu lưu của anh chàng, chứ không chỉ là cái nền để nhà phát triển “rắc” đủ thứ biểu tượng ? ! * và những hoạt động vô thưởng vô phạt nhằm kéo dài thời lượng của trò chơi.