Hầu hết các tựa game hiện nay dù là game cày cuốc có cốt truyện hay game đơn thuần mang ý nghĩa giải trí đều được các nhà phát hành lựa chọn có một cái kết mãn nhãn. Đơn giản vì game vốn dĩ tạo ra với mục đích cho con người giải trí nên cảm giác thỏa mãn khi nhân vật chính đạt được thành tựu sẽ làm người chơi thích thú hơn là các kết thúc buồn.
Tuy vậy, một số game lại lựa chọn cách đi ngược dòng, kết thúc bằng các câu chuyện buồn, thậm chí cho nhân vật chính chết tức tưởi. Điều này cũng tương tự như việc bạn xem một bộ phim, phim có kết thúc vui vẻ thì rất nhiều và cảm giác vui vẻ nó mang lại cho bạn chỉ tồn tại được một thời gian ngắn nhưng phim có kết buồn lại dễ làm con người ta day dứt và nhớ đến nó nhiều hơn. Thử tưởng tượng, con game mà bạn cày cuốc suốt bao lâu nay, vượt qua bao nhiêu khó khăn, chém biết bao nhiêu quái vật, vậy mà đến phân cảnh cuối cùng lại chết một cách lãng xẹt thì phải cay cú đến nhường nào. Hãy cùng Mọt điểm qua một vài tựa game có kết cục buồn, như một cú vả vào mặt người chơi nhưng lại khiến chúng ta suy nghĩ mãi về nó nhé.
Lưu ý có spoil nặng.
The Walking Dead
Không bàn cãi nhiều về các vấn đề khác vì series game The Walking Dead đã quá nổi, và có quá nhiều bài viết phân tích về tựa game này. Một điểm khiến Mọt tui băn khoăn và thấy khó chịu nhất là cái kết đau thương mà sau khi chơi xong tui phải buồn mất mấy ngày.
Trò chơi diễn ra trong một thế giới hư cấu với việc ngày tận thế zombie ở Georgia bắt đầu. Trong game, bạn sẽ được tìm hiểu câu chuyện thông qua nhân vật Lee, một tù nhân trốn thoát khi đang trên đường bị áp giải tới nhà tù với cáo buộc là một kẻ sát nhân. Giữa lúc cả thế giới đang chìm trong nạn zombie thì Lee đã gặp một cô gái với cái tên Clementine. Khốn cảnh đã đẩy hai con người ấy lại với nhau và cốt truyện của The Walking Dead đã khai thác rất sâu vào tình cảm của Lee và Clementine.
Tuy nhiên Mọt đã trao niềm tin cho Telltale Games rồi nhận trái đắng khi nhà sản xuất liên tục xát muối vào trái tim yếu đuối này. Walking Dead cho phép người chơi lựa chọn và đưa ra các quyết định cho những tình huống nhưng đừng tưởng bạn sẽ được tham gia vào kết cục của câu chuyện. Dù cho quyết định có ra sao thì bad ending vẫn sẽ tát tới tấp vào mặt chúng ta mà thôi. Những phân cảnh ức chế nhất là lúc người chơi phải quyết định những lựa chọn tàn khốc khi Lee phải tự cắt bỏ cánh tay để tránh bị biến thành zombie, Clementine phải chọn có bắn Lee để anh ấy không bị biến thành zombie hay không,…Và cái kết đau thương là thứ gây ức chế hơn cả khi trong chương cuối, Lee biết rằng anh không thể tự cứu lấy bản thân và phải cố gắng cứu mạng Clementine. Nếu đang tìm một series game để khóc thì chào mừng bạn nhảy hố, hãy ủng hộ The Walking Dead và nhớ mua sẵn khăn giấy.
L.A. Noire
Nếu bạn nghĩ, công lý luôn giành chiến thắng và cái ác sẽ luôn bị khuất phúc thì chào mừng bạn đến với L.A Noire để nhận vài cú vả cho tỉnh ra. Mọt tui đã rất háo hức khi tải và trải nghiệm game, cả quá trình chơi ôm mộng trở thành một cảnh sát tài ba nhất Los Angeles sau đó thì chỉ muốn đập máy khi chơi đến chương cuối.
Vào vai một cảnh sát LAPD mẫu mực với cái tên Cole Phelps, bạn sẽ được trải nghiệm chuỗi nhiệm vụ phá án với những vụ án nan giải. Một cảnh sát yêu công lý, phá được rất nhiều vụ án từ cướp xe, ăn trộm, buôn ma túy cho tới giết người và lên chức vù vù thì bỗng nhiên bị nhà sản xuất ném gạch vào mặt. Bằng cách thần kì nào đó mà cho đến tận giờ Mọt tui vẫn chưa hiểu thì nhân vật chính Cole Phelps đột nhiên dính vào scandal bê bối tình dục với vũ nữ Elsa Lichtmann. Sau đó bị giáng chức liên tục và bị chính những người đồng đội cũ từng thần tượng mình sỉ vả.
Đến những chương cuối, sau khi đã xâu chuỗi các vụ án lớn nhỏ thì Cole Phelps phát hiện ra một tổ chức bí mật đang ngầm thao túng chính quyền và nhân vật chính quyết định tìm những bằng chứng để buộc tội chúng. Thế nhưng đời không như mơ, vị thanh tra cảnh sát bị đì đến mức nghỉ việc vì đối phương có quyền lực quá lớn. Và ở chương cuối cùng, vì chuộc lại những lỗi lầm mình đã từng gây ra cho Hogeboom – một người đồng đội cũ khi còn đi lính, Cole Phelps đã hy sinh cả tính mạng của mình và chết đuối trong đường ống cống ngập nước. Cái chết của Cole Phelps khiến cho những vụ việc xấu xa của tổ chức bí ẩn cũng sẽ chìm theo, và lũ tham quan ô lại vẫn sống phè phỡn trong xa hoa, sung sướng.
Chơi xong con game này thì Mọt mất cả tuần trời để ngừng cay cú, vì bản thân đã thích làm anh hùng, thích cảm giác được lôi cổ những tên tội phạm ra ánh sáng, cuối cùng lại ngậm ngùi nhìn nhân vật chính mà mình chơi bấy lâu ngỏm củ tỏi.
Final Fantasy X
Sẽ rất thiếu sót nếu không liệt kê con game kinh điển FFX vào trong danh sách này, vì nó là một trong những game Mọt tui chơi từ thời đầu sa chân vào con đường điện tử nhưng cái kết vẫn làm tui hậm hực đến tận bây giờ.
Final Fantasy X diễn ra trong thế giới tưởng tượng Spira, câu chuyện của trò chơi tập trung vào một nhóm người thích phiêu lưu mạo hiểm và nhiệm vụ của họ là đánh bại một con quái vật điên cuồng có tên là “Sin”. Người chơi được trực tiếp điều khiển một nhân vật có tên là Tidus, một cầu thủ blitzball mạnh mẽ và đầy sự lạc quan. Trên con đường khám phá thế giới của mình, Tidus đã kết bạn với triệu hồi sư Yuna. Hai người cùng những người bạn khác quyết tâm tiêu diệt Sin để Tidus có thể quay trở về nhà. Nhưng sau khi chơi chán chê rồi, đột nhiên nhà sản xuất hiện lên và nói: “Chúc mừng bạn, Tidus mà bạn chơi lâu nay thực ra chỉ là một linh hồn”. Bởi khi Sin phá hủy Zanarkand thì mọi cư dân ở đây đều ngỏm củ tỏi, kể cả Tidus.
Mọt tui là ai và đây là đâu?? Bục mặt ra chơi để hạ gục con boss nhưng nhà sản xuất lại cho một cú plot twist hết sức hài hước rằng là nếu bạn giết boss thì nhân vật chính của bạn cũng sẽ lên bàn thờ ngắm gà khỏa thân. Cảm giác thành tựu, vui vẻ khi giết được trùm cuối sẽ không hề xuất hiện mà chỉ có nỗi uất ức và những giọt nước mắt khi nhìn thấy Tidus tuyệt vọng, cố gắng bám lấy Yuna nhưng rồi chợt tan biến vào hư không.
Red Dead Redemption
Thích tình tiết buồn tự ngược bản thân thì không thể thiếu series Red Dead Redemption được. Rockstar Games rất giỏi trong việc xây dựng nên các câu chuyện về sự thoái hóa đạo đức, hay sự hoàn lương của những con người từng sống ngoài vòng pháp luật.
Trò chơi bắt đầu vào năm 1911 ở miền Viễn Tây nước Mỹ về nhân vật John Marston một cựu tội phạm bị chính quyền bắt rời xa gia đình. Tình cảm gia đình của John Marston bị hai quan chức chính phủ là Ross và Fordham lợi dụng nhằm uy hiếp John phải quay lại phản bội và tiêu diệt tổ chức cũ của mình. Tính mạng của bà vợ Abigail, và con trai là Jack bị đe dọa, thế nên Marston buộc phải tự tay hạ gục những đồng đội cũ để được ân xá, quay về với gia đình.
Vì bảo vệ vợ con, John Marston phải tự tay nổ súng, truy lùng những người đồng đội cũ nhưng Ross và Fordham vẫn bội ước và quyết định trừ khử anh ta. Để cứu sống vợ con, John Marston cuối cùng bị bắn chết. Cái chết của John khiến lòng hận thù của con trai Jack luôn nung nấu, cuối cùng Jack đã tìm giết Ross và bắn nát sọ của hắn để trả thù cho cha mình. Điều đáng buồn là John Marston quyết định hy sinh để tránh cho con trai đi vào vết xe đổ của mình nhưng trái với mong đợi của anh, Jack lại một lần nữa bước theo con đường sai trái của ông già. Cứ như thế nhà sản xuất đã thành công lấy đi những giọt nước mắt xót thương cho định mệnh nghiệt ngã của những kiếp người.
Heavy Rain
Một tựa game đã lâu đời nhưng đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tấm trí của Mọt, đến mức khi làm bài viết này, tựa game này xuất hiện ngay trong đầu. Không chỉ có kết buồn mà game còn mang lại cảm giác day dứt như chính bản thân là một nhân vật trong câu chuyện mà nhà sản xuất vẽ nên. Heavy Rain có nhiều cách kết khác nhau, tất nhiên là có cái kết khá có hậu, nhưng phần còn lại đa số đều có người phải chết, thậm chí còn phải chết trong đau đớn khiến người chơi ám ảnh.
Trong game bạn sẽ được trải nghiệm vào vai của bốn nhân vật để có thể hiểu được cốt truyện theo nhiều khía cạnh. Ethan Mars một kiến trúc sư tài ba đi tìm kiếm con trai mình bị bắt cóc bởi tên sát nhân hàng loạt Origami Killer. Norman Jayden là một nhân viên FBI được cử đến để điều tra về nạn nhân mới nhất của Origami Killer. Madison Paige, một nhà báo lang thang khắp nơi, quyết định giúp đỡ Ethan Mars tìm con trai của mình. Và cuối cùng là thám tử tư Scott Shelby, chuyên điều tra về gia đình các nạn nhân của Origami Killer.
Xuyên qua bức màn bí ẩn, người chơi sẽ nhận ra Scott Shelby chính là Origami Killer, và việc mà hắn điều tra chỉ nhằm mục đích xóa dấu vết tội ác của mình. Người chơi có thể tránh được kết thúc buồn bằng cách đưa ra bằng chứng buộc tội và bắt giữ Scott. Nếu thất bại, Ethan sẽ bị vu oan là Origami Killer làm con tốt thí cho Scott. Tất nhiên là kết thúc game thì Ethan sẽ chết trong tù và những nhân vật khác cũng sẽ phải chết theo những cách khác nhau. Còn Scott thì tiếp tục trên con đường gây tội ác của mình
Lời kết
Đa số các game đều được phát triển theo hướng có hậu để thỏa mãn tình cảm của người chơi, nhưng những game có kết thúc buồn thường đọng lại trong tâm trí chúng ta lâu hơn, Thậm chí có người còn chơi lại nhiều lần để nghiền ngẫm về kết cục bi thảm của nhân vật. Một điểm nữa mà Mọt tui phát hiện ra là hễ game nào có kết buồn thì rất có thể anh em sẽ có cơ hội được trải nghiệm thêm phần 2, phần 3,.. Nguyên nhân là kết thúc buồn thì gây ức chế cho người chơi, và nhà sản xuất sẽ phải ra thêm phần sau có hậu hoặc nối tiếp phần đầu nếu không muốn bị ăn gạch từ game thủ. Ngoài những tựa game mà Mọt được tiếp xúc trên thì không biết là anh em thấy ức chế với cái kết của game nào nhất, hãy cùng chia sẻ để mọi người ức chế cùng nhé :D!!!