Minecraft Dungeons tỏ ra là một tựa game đầy tiềm năng, dù nó khác hẳn với hai phiên bản Minecraft gốc lẫn Minecraft Earth vừa được mở cửa beta. Đây là một game action RPG chặt chém kiểu Diablo, nhưng với đồ họa tươi sáng và vui nhộn. Khi nhìn thấy những gì mà Minecraft đem lại cho game thủ, Mọt không thể không so sánh nó với Wolcen: Lord of Mayhem, một tựa ARPG khác cũng vừa ra mắt gần đây và những tựa game khác tương tự.
Nhân vật
Cũng như Wolcen, Minecraft Dungeons không hề có cái gọi là hệ thống lớp nhân vật. Việc tạo nhân vật đơn giản chỉ là cho game thủ cơ hội quyết định ngoại hình cho anh chàng / cô nàng vuông vắn của mình trước khi nhảy vào thế giới của game. Nhưng Minecraft Dungeons thậm chí còn đi xa hơn Wolcen hay bất kỳ một tựa ARPG nào khác ở chỗ nhân vật trong game… hoàn toàn không có bất kỳ một kỹ năng nào, mà giao phó mọi thứ cho các trang bị mà nhân vật sử dụng. Điều này có thể là một bước tiến, mà cũng có thể là một bước lùi của trò chơi tùy thuộc vào cách mà Mojang hiện thực hóa nó ra sao.
Cụ thể, thứ quyết định sức mạnh và chiêu thức mà nhân vật của Minecraft Dungeons có thể sử dụng là các cổ vật được trang bị trên người, các loại vũ khí giáp trụ họ đang mặc và các enchant (tạm gọi là phép thuật cường hóa) nằm trên chúng. Nhân vật trong game có thể sử dụng tất cả mọi loại trang bị mà không có bất kỳ một hạn chế nào – nếu bạn nhìn thấy một thứ gì đó rơi ra từ xác quái, thùng đồ hay cửa hàng, bạn có thể mặc được nó.
Với thiết kế này, hệ thống trang bị là thứ quyết định thành bại của Minecraft Dungeons. Khi game có càng nhiều món trang bị thú vị, các Artifact mạnh mẽ hoặc hiệu ứng hữu ích, game thủ sẽ có thể tạo ra càng nhiều cách “lên đồ” khác nhau cho nhân vật và tận hưởng sức mạnh của mình khi thấy lũ quái vỡ nát và văng tung tóe theo từng nhát búa, từng mũi tên. Hiện tại game thủ đã khám phá ra một số cách build bá đạo và điều đặc biệt là Mojang nói họ không có dự định nerf các build này – nguyên văn lời của giám đốc sản xuất David Nisshagen là “có thể hơi mất cân bằng nhưng chúng tôi không quan tâm vì chúng vui.”
Mọt muốn dành một điểm cộng cho Mojang khi đọc được thông tin này, bởi một trong những điều mà game thủ ghét nhất khi chơi một game PvE là cách build nhân vật của mình bị nerf nhân danh “cân bằng game.” Đây là điều Wolcen đã làm: do thiếu khâu thử nghiệm và cân bằng không hợp lý, chỉ một vài kỹ năng của game đủ mạnh để tiêu diệt lũ quái trong các phụ bản cấp cao nhất của game. Điều này khiến game chỉ có từ ba đến bốn cách build nhân vật là phù hợp, nhưng thay vì buff các kỹ năng yếu kém để khuyến khích game thủ khám phá cách chơi mới, Wolcen lại nerf các kỹ năng mạnh để ép game thủ phải chuyển sang dùng kỹ năng yếu hơn. Sau một vài bản patch, Wolcen đã tương đối ổn định nhưng đã có rất nhiều game thủ bỏ đi vì không thích hướng tiếp cận này.
Quái vật
Các loại quái vật trong Minecraft Dungeons đều là các kẻ địch quen thuộc như zombie, xương, nhện, creeper, pillager… và chúng cũng hoạt động theo cùng phương thức như Minecraft, nên game thủ sẽ không cần phải mất thời gian đoán xem chúng có thể làm gì và sẽ làm gì. Tính năng chiến đấu của Minecraft Dungeons cũng rất đơn giản: chuột trái tấn công, chuột phải bắn cung, các phím số dành cho Artifact (tương đương với kỹ năng), E để hồi máu… Gameplay của Minecraft Dungeons có tốc độ nhanh và đem lại cho game thủ những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh “sướng mắt, đã tai” nhưng vẫn thân thiện với mọi lứa tuổi. Ở đây, một lần nữa Mọt lại muốn so sánh Minecraft Dungeons với Wolcen, khi cả hai có cùng tính năng bình máu vô tận kiểu “nồi cơm Thạch Sanh” và chỉ bị hạn chế bởi thời gian hồi phục của chúng.
Nếu có điểm nào Minecraft Dungeons khác xa so với phiên bản sandbox, đó là khả năng phá hủy môi trường đã biến mất. Trong quá trình chơi game, game thủ sẽ tìm được những khối thuốc nổ TNT có thể được ném về phía kẻ địch và chúng sẽ nổ tung, tiêu diệt tất cả quái vật xung quanh. Thế nhưng bạn sẽ nhận ra là các vụ nổ này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến môi trường! Đây thực sự là một điều gây hụt hẫng cho các fan cuồng của Minecraft bởi việc phá hủy mọi thứ bằng thuốc nổ (rất, rất nhiều thuốc nổ) là một trong những niềm vui lớn của game.
Một điều rất thú vị trong Minecraft Dungeons là các món đồ có ếm phép cường hóa (enchant) không chỉ dành riêng cho bạn, bởi ngay cả lũ quái cũng có thể dùng các enchant này. Có lẽ tính năng này được lấy cảm hứng từ lũ xương hay zombie trong Minecraft khi chúng có thể nhặt các món đồ bạn rơi ra khi chết rồi trang bị các món đó để tấn công bạn.
Trang bị
Như Mọt đã nhắc đến ở đầu bài, trang bị là thứ quyết định sức mạnh của nhân vật trong Minecraft Dungeons. Trong mỗi màn chơi, game thủ sẽ được giao một loạt nhiệm vụ còn bản đồ được tạo ra một cách ngẫu nhiên, ẩn chứa nhiều ngóc ngách bí mật chứa các rương kho báu. Khi tiêu diệt quái vật trong màn, mở rương hay hoàn thành nhiệm vụ, game thủ sẽ có cơ hội nhận được các món trang bị mới để sử dụng.
Phương thức phân phối trang bị khi chơi multiplayer tương tự chế độ “cooperative” của Borderlands 3: khi một con quái rớt đồ, nó sẽ rớt đủ cho tất cả mọi người trong party và mỗi người chỉ thấy món của mình, nên bạn không cần phải đọ tốc độ click chuột với bạn bè để giành trang bị. Điều này không áp dụng với các vật phẩm trong môi trường như TNT, thức ăn, tên, vật phẩm nhiệm vụ…
Linh tinh
Theo thông tin từ Mojang, Minecraft Dungeons sẽ được phát hành vào ngày 26/5 tới với hai phiên bản là bình thường (chỉ bao gồm game) và Hero (game + 2 DLC) cho PC, PS4, Switch và Xbox One. Trò chơi cũng xuất hiện trên Xbox Game Pass ngay trong ngày nên game thủ sẽ có nhiều phương thức để chơi Minecraft. Hơi tiếc là game sẽ không hỗ trợ crossplay ngay vào thời điểm ra mắt nên game thủ các hệ máy sẽ chưa thể chơi cùng nhau, nhưng Mojang đã xác nhận họ sẽ phát triển tính năng này sau đó. Khả năng sáng tạo của game thủ cũng là một tính năng được hứa hẹn sẽ xuất hiện sau ngày game chính thức phát hành.
Hiện tại Minecraft Dungeons đang nằm trong giai đoạn beta, và những game thủ nào đã đăng ký tài khoản Minecraft.net đều có cơ hội được chọn. Nếu nằm trong số may mắn, bạn sẽ nhìn thấy một thư mời từ Mojang trong tài khoản email của mình.