Ngay từ khi phát hành, DLC (Downloadable Content hay gói nội dung bổ sung) đã là một vấn đề gây tranh cãi. Nhiều game thủ cho rằng đây là một phương thức hút máu từ hãng game, khiến cho họ bị lười đi và phát hành ra những trò chơi chưa hoàn chỉnh. Điều này cũng tương đối dễ hiểu khi người chơi đã phải bỏ ra tận 60 USD cho một trò chơi mà lại không nhận được một sản phẩm có nội dung hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng DLC mang lại rất nhiều mặt tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển của thị trường trò chơi điện tử.
Kéo dài tuổi thọ cho game
Bạn có thể thấy ở thời điểm hiện tại, nhiều thương hiệu game đã chuyển mình từ tuyến tính sang thế giới mở. Mục đích của việc này nhằm tăng thời lượng, tăng tuổi thọ của một trò chơi lên. Nếu như lúc trước, một trò chơi chỉ cần khoảng 8 tới 10 tiếng, hoặc có thể lên tới 15 tiếng là hoàn thành thì giờ đây, người chơi có thể sẽ phải mất tới cả trăm tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, ngay cả một trò chơi có thời lượng khổng lồ, chỉ sau một thời gian nó có thể vẫn sẽ bị lụi tàn trước sự ra mắt của các trò chơi mới. Và đây là lúc DLC phát huy tác dụng. Ngay cả khi game thủ chưa khám phá hết mọi thứ trong phần game gốc thì việc tung ra các bản mở rộng cũng giúp tên tuổi của một trò chơi được hâm nóng trở lại. Đôi khi, một số trò chơi khi phát hành bị chê trách rất nhiều về nội dung, nhưng các bản DLC lớn lại nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng.
Mở rộng thế giới và cốt truyện
Không phải hãng phát triển nào cũng thực hiện toàn bộ ý tưởng của mình thành duy nhất một tựa game. Điều này xảy ra do những hạn chế như số vốn đầu tư, hạn chế về công nghệ đồ họa hay cả hạn chế trong việc biến ý tưởng thành hiện thực. Việc tung ra các bản DLC mở rộng cho phép các hãng được tiếp tục làm việc với các dự án game đó. Nhờ vào doanh thu của bản game gốc mà họ có thể thực hiện tiếp các ý tưởng còn đang dang dở của mình, rồi sau đó đưa chúng vào các phần mở rộng.
DLC là một cách hay để người dùng có thể hiểu thêm về thế giới game mình đang khám phá, hay một số nhân vật thú vị trong cốt truyện cũng xứng đáng có được một câu chuyện riêng trong phần mở rộng. Ví dụ như The Last of Us: Left Behind cho người chơi hiểu thêm câu chuyện của Ellie trước khi gặp Joel.
Việc chia các ý tưởng ra thành những bản mở rộng nhỏ là hợp lý, bởi nếu nhà phát triển dồn toàn bộ vào một trò chơi có thể sẽ biến thành một con dao 2 lưỡi. Điều này làm cho tổng thể trò chơi bị loãng, khiến game thủ không biết phải tập trung vào điều gì khi trải nghiệm. Đó còn chưa kể không phải ai cũng có thể nghĩ ra toàn bộ ý tưởng cho một dự án mà theo thời gian nghiên cứu tâm lý thị trường, họ mới có những quyết định nên phát triển tiếp câu chuyện của nhân vật nào.
Tăng giá trị của trò chơi
Bạn đọc có thể hiểu từ “giá trị” ở đây theo 2 nghĩa: doanh thu tổng thể của hãng game và những gì đọng lại trong tâm trí người chơi. DLC chắc chắn là một phương thức kinh doanh mà không một hãng game nào muốn từ bỏ. Từ một nhân vật thú vị được yêu thích trong phần game gốc, các hãng hoàn toàn có thể biến nó thành một mồi câu doanh thu bằng các bản mở rộng. Rõ ràng khi quá yêu thích một nhân vật nào đó, tâm lý người chơi sẽ luôn muốn hiểu rõ ngọn ngành những gì đã xảy ra cho nhân vật. Đây là điều mà phần game gốc chưa thể làm được do hạn chế về thời lượng.
Và việc xây dựng tốt câu chuyện của các nhân vật phụ trong các bản DLC sẽ khiến người hâm mộ nhớ lâu hơn thương hiệu game đó. Còn đối với các trò chơi trực tuyến, bản mở rộng sẽ tạo ra sự đa dạng hay có các phần thưởng hay các item mới giúp game thủ không bao giờ cảm thấy nhàm chán.
Duy trì server
Trên thị trường game, có nhiều trò chơi trực tuyến thu lợi nhuận bằng cách bán các gói nội dung tải xuống thay vì áp dụng phí đăng ký đối với người chơi. Các bản DLC, gói nội dung mở rộng chính là cách để họ làm mới nội dung game cũng như thu lại lợi nhuận. Điều quan trọng là các hãng sẽ dành ra một phần không nhỏ từ doanh thu của các DLC để duy trì máy chủ.
Hãy nghĩ tới trường hợp các bản DLC biến mất trên thị trường, lúc này các hãng game buộc phải nghĩ ra hàng loạt cách để thu về lợi nhuận. Nếu không có DLC, tôi tin rằng hàng loạt game trực tuyến sẽ chết ngay khi mới ra mắt. Nếu phải lựa chọn bỏ tiền cho một gói nội dung mở rộng chất lượng hoặc bỏ tiền ra cho những thứ xàm xí mà nhà phát hành nghĩ ra, tôi nghĩ tất cả game thủ đều biết lựa chọn nào xứng đáng hơn rồi. Vậy nên DLC chết sẽ khiến nhiều trò chơi chết theo.
Thử nghiệm các ý tưởng mới
Ý tưởng không phải thứ mà chúng ta chỉ cần ngồi im là sẽ ra được và hoàn thành được. Các nhà phát triển game đã phải làm vô số công đoạn thử nghiệm, làm rồi lại bỏ đi hàng loạt các ý tưởng trước khi ra được sản phẩm cuối cùng. Theo ý kiến cá nhân tôi, các gói nội dung mở rộng là một cách hợp lý để nhà làm game thử nghiệm những ý tưởng, những cơ chế mới, rồi sau đó họ thăm dò ý kiến của cộng đồng trước khi phát triển nó sang một dự án game lớn hơn.
Có thể trong mỗi bản DLC độc lập, hãng phát triển sẽ thay đổi một vài cơ chế hay thậm chí là thay đổi từ một game tuyến tính thành một game thế giới mở. Và những ý kiến đánh giá của người chơi từ các bản mở rộng đó sẽ giúp nhà làm game định hướng được các sản phẩm tiếp theo của mình để bắt kịp được xu thế chung của thị trường game.
Tạm kết
Mặc dù đôi lúc tôi khá bực mình vì mình đã phải bỏ tiền ra mua những bản độc lập có chất lượng kém, nhưng không phải vì thế mà tôi ghét DLC. Cá nhân tôi luôn nhìn vào mặt tích cực mà DLC mang lại. Nó giúp hãng game có thêm được nguồn thu để duy trì hay phát triển các dự án hấp dẫn tiếp theo. DLC đem lại cho người chơi một luồng gió mới mẻ từ những trò chơi mà game thủ đã chơi đi chơi lại không biết bao nhiêu lần. Nếu thiếu DLC, các hãng sẽ phải tìm ra nhiều các khác để có được nguồn thu và tôi tin rằng không nhiều game thủ sẽ thích các cách đó đâu.