Có thể coi Flash chính là một hướng đi quan trọng, giúp các nhà làm game độc lập biết mình phải làm gì để phát triển. Nó có ảnh hưởng sâu rộng tới cách mà chúng ta làm game và chơi game hiện nay. Tuy nhiên thật đáng buồn thay khi iPhone xuất hiện, nó đã báo hiệu ngày chết cho Flash đang tới rất gần. Cuối cùng, Flash cũng phải lui vào hậu trường, nhường lại sân chơi cho các công cụ khác được tối ưu hơn hẳn.
Thời điểm bùng nổ
Vào giữa những năm 2000, các trò chơi Flash bước vào giai đoạn bùng nổ. Việc Flash dễ sử dụng đã thu hút các game thủ muốn tập tành làm game nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Chính vì Flash dễ sử dụng nên người dùng có thể tạo ra rất nhiều nguyên mẫu dự án game với tốc độ chóng mặt. Ví dụ như Meat Boy nguyên mẫu được phát triển chỉ trong 3 tuần, sự thành công của Meat Boy trên Flash đã tạo nên người thừa kế Super Meat Boy sau này. Với Flash, người dùng có thể ngay lập tức tạo ra một thứ gì đó thú vị và dễ tiếp cận, sau đó upload lên và hàng trăm người có thể trải nghiệm nó.
Đối với các game thủ trực tuyến, các trò chơi Flash đem lại những lợi ích rất khó tin. Tất nhiên để đánh đổi lấy sự đơn giản, nhanh chóng, các game Flash chơi luôn trên trình duyệt web sẽ có nền đồ họa tương đối kỳ quặc, thiếu độ trung thực so với các trò chơi có ngân sách và thời gian phát triển lâu dài. Lúc này, một bộ phận game thủ “thượng đẳng” đã đứng lên chế giễu các trò chơi Flash. Suy cho cùng thì những lời châm biếm đó chẳng phải vấn đề quá lớn, game Flash là miễn phí, nhẹ nhàng, không cần thời gian download và cài đặt quá lâu. Người dùng cũng không cần lo lắng về cấu hình phần cứng của PC để chơi game giải trí.
Mặc dù hầu hết các trò chơi Flash đều miễn phí cho người dùng, nhưng sự bùng nổ quá mạnh mẽ của nó đã khiến các nhà đầu tư không thể không bỏ qua được. Vào năm 2005 và năm 2006, các website game Flash phổ biến khác như Kongregate, Armor Games đã tham gia cùng Newgrounds để bắt đầu những chương trình tài trợ cho các nhà phát triển. Mục đích của họ là muốn độc quyền nội dung, từ đó kiếm ra lợi nhuận.
Cách kiếm tiền lúc này có thể là các trang web sẽ chèn thêm quảng cáo trước hoặc trong khi người dùng đang chơi game. Một số công ty thì thu thập nhiều game Flash nhất có thể, cho vào một đĩa rồi sau đó phát hành chúng tại các cửa hàng bán lẻ. Trên thực tế, để game Flash kiếm ra tiền thì không có quá nhiều cách. Việc chèn quảng cáo vẫn được ưa chuộng nhất và giữ cho tới về sau, chỉ cách thức chèn quảng cáo là sẽ có thay đổi đôi chút.
Tuy nhiên tới khoảng cuối thập kỷ, cơn sốt về Flash đã bắt đầu hạ nhiệt, các khoản tài trợ đầu tư cũng dần cạn kiệt. Thị trường của Flash game giảm dần theo thời gian bởi sự trỗi dậy nhanh chóng của thị trường game mobile. Có vẻ như các nhà phát triển độc lập đã tìm thấy một miền đất hứa mới cho đam mê làm game của mình.
Sự trỗi dậy của game indie và thị trường game mobile
Vào tháng 1 năm 2007, Steve Jobs lên sân khấu và giới thiệu tới toàn thế giới chiếc iPhone thế hệ đầu tiên. Thiết bị kỳ diệu này đã thay đổi cả thế giới từ mạng xã hội, chơi game trên thiết bị di động và một loạt các công việc hàng ngày của con người. Nó đã đưa internet vào túi của mọi người, đưa cho người dùng một loạt các tính năng mang tính cách mạng. Tuy nhiên, điều duy nhất mà chiếc iPhone này bỏ qua, lại chính là Flash.
Apple đã bỏ qua Flash cho iPhone bởi bản chất độc quyền, sự ảnh hưởng tiêu cực tới tuổi thọ pin và tính bảo mật kém. Có thể coi việc iPhone ra mắt chính là chiếc đinh đầu tiên đóng vào quan tài của Flash vậy. Apple đã mở đầu xu thế và trong những năm sau đó, các công ty khác đều lần lượt theo bước của “nhà Táo”. Ngày nay, hầu hết các trình duyệt web đều không còn hỗ trợ Flash. Adobe thậm chí đã tuyên bố kế hoạch cho Flash “nghỉ hưu” vào năm 2020 này.
Nhưng khi nhìn lại những tác động của Flash đối với thị trường trò chơi điện tử, đặc biệt là game indie, không một ai có thể phủ nhận nó. Khi các trò chơi Flash đang đạt được những thành công đỉnh cao, các trò chơi indie còn chưa tìm được tiếng nói trên thị trường game. Flash có thể được coi là hướng đi mà các nhà làm game indie ngày nay đã học tập theo. Việc phát triển dự án nguyên mẫu nhanh chóng, sự sáng tạo không bị giới hạn và phân phối trực tiếp cho người dùng,… chẳng phải đó là hướng đi mà game indie đã học hỏi từ Flash hay sao. Flash cũng đã mở đường cho một loạt những nhà làm game nghiệp dư tham gia vào các giai đoạn phát triển ngành công nghiệp trò chơi, tạo tiền đề cho các nhà phát triển độc lập bùng nổ trên thị trường sau này.
Ảnh hưởng của Flash tới bối cảnh trò chơi hiện đại khá khó để định lượng được. Trên thực tế, những nhà phát triển game Flash đã sáng tạo ra thể loại phòng thủ tháp hay còn gọi là game thủ thành. Thậm chí cả Angry Birds cũng được lấy cảm hứng từ một trò chơi Flash có tên Crush the Castle hay Kingdom Rush cũng vốn là một Flash game trước khi phát triển thành một series hoành tráng đa nền tảng.
Ngay cả khi Flash bị ngừng hỗ trợ hoàn toàn, chương trình vẫn là một công cụ quan trọng cho các nhà phát triển game độc lập. Một số nhà làm game vẫn đang sử dụng Flash để tạo ra một khuôn mẫu cho các trò chơi mới. Mặc dù hiện tại có nhiều công cụ phát triển và tiện lợi hơn như Unreal Engine, Unity hay GameMaker Studio, một số nhà phát triển vẫn ưa chuộng Flash bởi tính dễ sử dụng.
Ngày nay, việc tạo ra một trò chơi dễ dàng hơn bao giờ hết. Flash chính là một trong những công cụ đầu tiên mở cửa thị trường và cho phép game thủ có thể thực hiện mơ ước và thỏa sức làm việc với sự sáng tạo của mình. Nói không ngoa khi Flash chính là nền tảng vững chắc cho bối cảnh trò chơi độc lập hiện nay.
Nhưng có một điều bạn nên biết. Flash có thể bị khai tử nhưng những tính năng ưu việt và tinh thần của Flash vẫn được kế tục bởi HTML5 hiện nay. Mặc dù đã qua thời vàng son nhưng bạn vẫn sẽ bắt gặp những trang cho chơi game mini trực tiếp trên web với bố trí quen thuộc của ngày xưa nhưng lại chất đầy game HTML5, có thể kể ra như: Newgrounds, Y8, Crazygames… Nếu bạn nhớ cái thời dạo trang chọn game rồi chơi ngay lập tức thì bạn vẫn có thể trải nghiệm lại cảm giác đó, chỉ có điều nó không còn là Flash nữa mà là những ứng dụng hậu bối như WebGL, HTML5…
- Flash đã thay đổi ngành công nghiệp video game như thế nào? – P.1
- Flash đã thay đổi ngành công nghiệp video game như thế nào? – Phần cuối