Là một thể loại mới “thoát xác” từ game mô phỏng (simulation), các game Physics hay còn gọi là game mô phỏng vật lý đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là khi công nghệ VR ra đời. Bạn có thể nghĩ những game thuộc dạng này sẽ hướng tới việc cho người chơi trải nghiệm cảm giác chân thực nhất, với những pha hành động góc nhìn cận cảnh nhất, nhưng mà thay vào đó thì nó chỉ đem lại cảm giác ức chế vãi cả nồi ra còn hơn cả bị hành hạ trong Dark Souls.
Cũng khó để nói game Physics bắt đầu thực sự ra đời vào khi nào, nhưng một trong những tựa game nổi tiếng nhất có lẽ là QWOP – cái flash game bựa điều khiển vận động viên chạy điền kinh, meme nổi tiếng nhất cách đây hơn 10 năm. Nếu bạn còn nhớ cái tựa game khốn nạn này bắt buộc chúng ta mô phỏng chuyển động vật lý của anh chàng vận động viên điền kinh, nhưng hầu hết là chẳng ai có thể bước quá chục bước, khi mà cơ chế quái thai của nó đánh đổ mọi định luật vật lý.
Đã có hàng chục triệu lượt người chơi tìm cách thử thách với QWOP, tất nhiên hầu hết đều thất bại. Mặc dù còn sơ sài nhưng thực ra cơ chế của QWOP đã có từ rất lâu về trước, nó được gọi là Ragdoll physics, với việc đặt trọng tâm nhân vật là một hình khối với các cụm xương nối với nhau thông qua các khớp ở tứ chi. Ragdoll physics đặc biệt hiệu quả trong việc mô phỏng chuyển động khi chết của nhân vật, bằng việc cơ thể đó sẽ bị quăng quật, rơi ngã và ném tung lên trời.
Bạn có thể thấy ứng dụng của Ragdoll physics trong rất nhiều các game hiện đại, điển hình nhất là seri Hitman, bằng việc tái tạo lại từng khớp xương độc lập, nó tạo ra nhiều kiểu chết rất kì quái trong game. Hitman cũng là một game Physics dạng “bựa nhân” rõ rệt, khi có tới hàng chục kiểu chết của nhân vật theo nhiều cách vô cùng hài hước, đó chính là nhờ Ragdoll physics.
Ứng dụng của các game Physics là vô cùng nhiều, nhưng trong phạm trù bài viết tôi không muốn nói tới điều đó mà hãy bàn về mức độ ức chế khi chơi thể loại này. Bạn biết đấy đặc trưng của dòng này là tìm cách mô phỏng làm sao cho thực tế nhất có thể, nhưng chắc chắn là cái gì quá đáng quá cũng không tốt chút nào. Thí dụ như QWOP chẳng hạn, bạn điều chỉnh từng cái bước chân của nhân vật rồi bắt đầu chạy, nghe thì có vẻ đơn giản đấy nhưng tại sao hầu hết người chơi chẳng ai làm được.
Đây được gọi là hiệu ứng “ảo giác bản năng” – tức là những thứ gì chúng ta làm một cách hoàn toàn tự động, sẽ không thể tái tạo lại cho đúng khi thực hiện nó một cách thủ công. Các hành động như nháy mắt, hít thở, bước đi hay nhai nuốt là thứ bạn làm một cách vô thức, nói đơn giản như mỗi người có một thói quen đặt chân khác nhau, nhưng giờ có ai đó nói khi bước đi bạn phải luôn đặt chân trái hoặc phải đầu tiên, thì bảo đảm kiểu gì cũng sẽ bị khựng lại để nghĩ.
Game vật lý cũng vậy, nó mô phỏng một cách thủ công từng hành động của con người, nhưng khốn nỗi ai mà nhớ được bình thường mình “thở” thế nào. Lấy ví dụ như cái game Physics bựa Manual Samuel chẳng hạn, nơi mà bạn phải điều khiển nhân vật làm mọi thứ từ đi bộ, nháy mắt cho tới cả hít thở… chúng ta sẽ có cảm giác làm sao mà bình thường bản thân có thể làm đa tác vụ như vậy được, khi mà chỉ riêng việc nhấn hít vào xong thở ra đã là cả vấn đề rồi.
Rất nhiều game Physics lấy góc nhìn thứ nhất và nó đặc biệt cực kỳ quái dị, thường là sẽ bắt bạn mô phỏng hành động cầm nắm hoặc tương tác cùng đồ vật. Nó chính xác 100%, nghĩa là bạn di chuyển con trỏ chuột ra sao thì bàn tay trong game cũng hoạt động y hệt. Từ đây các vấn đề bắt đầu xảy ra, vì là game không giống như đời thực, chúng ta cần phải làm nhiều động tác nối tiếp nhau để kết hợp thành một chuỗi hoàn chỉnh.
Tựa game sắp ra mắt Table Manners là điển hình của sự khó chịu, nó mô phỏng một cuộc hẹn hò ảo, nơi người chơi lịch sự phục vụ cho bạn gái của họ trên bàn ăn. Mọi thứ sẽ rất tuyệt vời, cho đến khi bạn nhận ra chỉ riêng việc rót rượu thôi đã muốn nổ não, đầu tiên là cầm chai lên, rồi di nó tới chỗ cần rót, nhấn trỏ chuột phải để chọn góc trong khi vẫn đè chuột trái để cầm chắc chai rượu… bạn sẽ thấy muốn phát điên cả lên, vì khi chọn được vị trí đẹp thì lại quen tay thả chuột phải ra và chai rượu rơi xuống đất.
Game Physics không chơi thì thôi, chứ đã chơi là cực kỳ ức chế và khó chịu, như đã nói ở trên bạn sẽ dần phát điên khi không hiểu tại sao những thứ quá bình thường hàng ngày, nhưng vào game lại khó như vậy. Kỹ năng, kiên nhẫn hoặc bất kì thứ gì đều là vô nghĩa vì chúng vốn không được thiết kế để phục vụ người chơi mà đơn giản là gây cười mà thôi.
Chính vì lý do này mà tại sao các game Physics thường luôn là kiểu game bựa, như Surgeon Simulator chẳng hạn, chúng ta giả lập việc làm bác sĩ phẫu thuật và cũng với hành động cầm nắm thông thường, người chơi sẽ rất nhanh tử hình luôn bệnh nhân của mình khi lôi cả tim anh ta ra ngoài. Khi chơi những game dạng này việc chửi thề và đập phá máy là thường xuyên xảy ra, khi mà bạn thao tác bằng chuột trên một loạt hành động bản năng, thứ mà bản thân vốn bình thường còn chả nhớ chúng được thực hiện ra sao (tôi đố ông nào tự ý thức được mình có đang tự động thở hay nháy mắt hay không đấy).
Và không như mấy game Souls-like khác khi bạn biết mình sai cái gì để sửa, game Physics hoàn toàn theo kiểu bản năng với rất dễ làm chúng ta phát điên, vì thế cho nên nếu một ngày đẹp trời nào đó bạn nổi hứng muốn khổ dâm, thì mấy cái tựa game này là sự lựa chọn rất tuyệt đấy.