Remake và remaster đều là những thuật ngữ chỉ các phiên bản hiện đại hóa của những tựa game kinh điển đã quá cũ. Tuy nhiên bản thân khái niệm của remake và remaster lại rất khác nhau, chỉ rõ ra cách mà người ta làm lại tựa game đó. Sau đây, mời các bạn cùng mình tìm hiểu sự khác biệt trong khái niệm của game remake và game remaster nhé.
Remaster tức là nâng cấp đồ họa game cũ
Thuật ngữ "remaster" được sử dụng trên mọi sản phẩm giải trí đa phương tiện, từ âm nhạc đến phim ảnh. Remaster chỉ việc nâng cao chất lượng của sản phẩm gốc chứ không chỉnh sửa kết cấu hay thêm bớt gì cả.
Trong ngành công nghiệp game thì khái niệm remaster này cũng được dùng với nghĩa tương tự, thường là để chỉ mấy tựa game được chỉnh sửa để trở nên nét hơn, đẹp hơn, model nhân vật "mịn" hơn, tăng độ phân giải các kiểu. Nghe thì đơn giản là vậy nhưng chất lượng của các bản game remaster cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào mức độ đầu tư của nhà làm game lên bản game đó để cải thiện nó so với game gốc.
PlayStation 4 và Xbox One là 2 hệ máy console có rất nhiều tựa game HD Remaster trong suốt vòng đời của chúng, chủ yếu là những tựa game thuộc hệ máy cũ được làm lại để tương thích với phần cứng mới. Ngoài việc đổi tên game và đẩy độ phân giải lên HD thì có rất ít thứ có thể giúp bạn phân biệt chúng với phần game gốc. Kiểu remaster này cũng có thể làm được thông qua khả năng tương thích ngược (game cũ và máy mới tự tương thích với nhau và tự tăng độ phân giải) chứ không nhất thiết là phải làm lại game mới được.
Thế giới game không chỉ có kiểu remaster này. Một trong các bản game remaster đáng được noi gương là Final Fantasy XII: The Zodiac Age. Bản game này đã bổ sung nhiều tính năng mới, nâng cấp các kết cấu trong game và làm lại cả nhạc nền, đồng thời tối ưu hóa phần cứng luôn. Tuy nhiên kiểu remaster này thì ít thấy hơn, nó cũng đòi hỏi nhà làm game bỏ ra nhiều công sức.
Remake tức là dựa trên những giá trị cốt lõi của game cũ để làm game mới
Từ remake tức là làm game mới dựa trên game cũ, có 2 kiểu chính sau đây
Dùng khung sườn cũ nhưng xây dựng lại bằng công nghệ hiện đại
Nhiều tựa game remake chỉ lấy một số cơ chế và ý tưởng từ tựa game gốc mà thôi, phần còn lại sẽ được xây dựng bằng những công nghệ hiện đại. Chúng sẽ có cơ chế điều khiển ngon lành hơn và thường sẽ có nội dung mới. Kết quả là người chơi sẽ có những trải nghiệm quen thuộc như khi chơi tựa game cũ, nhưng nó sẽ xịn sò hơn rất nhiều.
Những ví dụ điển hình cho kiểu remake này là Spyro, Crash Bandicoot, MediEvil và Shadow of the Colossus. Chúng có nét tương đồng kỳ lạ với phiên bản gốc nhưng không hoàn toàn giống nhau. Bản remake Zelda: Wind Waker của hệ máy Wii U có phong cách nghệ thuật khác đi một chút và có thêm tính năng đi thuyền nhanh hơn để di chuyển giữa các vùng biển. Gần đây hơn chúng ta có thể kể đến Demon’s Souls Remake, bản làm lại của Demon’s Souls – tựa game tiền thân của series Dark Souls.
Cùng một ý tưởng nhưng cách thực hiện khác nhau
Nhiều tựa game remake hiện nay không chỉ là một phiên bản tốt hơn của bản game gốc mà nó là game mới hoàn toàn luôn, ngay cả khi chúng sử dụng cùng một cốt truyện, bối cảnh, âm nhạc, phong cách nghệ thuật hoặc ý tưởng chơi của game.
Final Fantasy VII Remake chắc chắn là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất để làm đại diện cho kiểu remaster này. Nó loại bỏ lối đánh theo lượt của phần game gốc để thay bằng những cơ chế của dòng game Final Fantasy hiện đại. Aerith vẫn đáng yêu như thế, Tifa vẫn quyến rũ như thế, Cloud vẫn mặc cái váy màu tím nhưng Final Fantasy VII Remake vẫn là một tựa game mới.
Bản remake xịn sò của Resident Evil 2 hồi năm 2019 cũng thế. Nó được làm ra để có thể gợi nhớ bản gốc hồi năm 1998 nhiều nhất có thể nhưng về bản chất thì nó vẫn là game khác. Thay vì dùng góc camera cố định như game cũ thì Resident Evil 2 là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ 3 hiện đại hơn nhiều. Cách làm game này vừa có thể tạo ra cảm giác hoài niệm cho những ai đã từng chơi qua tựa game gốc nhưng vẫn tạo ra được tựa game đỉnh nhất có thể cho game thủ hiện nay. Thế nên cũng không lạ gì khi Resident Evil 3 cũng được remake theo cách tương tự.
Tạm kết
Tóm lại thì remaster có nghĩa là nâng cấp đồ họa game cũ, còn remake là dựa trên game cũ để làm game mới. Nghe thì có vẻ khác nhau rất rõ ràng đấy, tuy nhiên cũng có những lúc mà ranh giới giữa remake và remaster trở nên mờ nhạt đi và cho dù có gọi thế nào đi nữa thì nó cũng không hoàn toàn chính xác. Và những lúc như thế thì có lẽ chúng ta nên điều chỉnh khái niệm remake và remaster trong từ điển của mình.
Trên đây là bài viết về sự khác biệt trong khái niệm game remake và remaster, mong rằng đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn luôn vui vẻ khi chiến game nhé.
Nguồn TechRadar biên dịch GVN360