Đó là cái thời có thể gọi là “low-tech”, khi mà điện thoại di động là một thứ đầy xa xỉ, thường chỉ được các bậc phụ huynh sử dụng, và chúng cũng đúng nghĩa là những “cục gạch” khi chỉ có các chức năng cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin. Vậy thì thay cho những chiếc smartphone hiện đại như ngày nay thì các cô bé cậu bé 8x-9x ngày đó sử dụng gì để thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình? Điện tử 4 nút
Cái tên nói lên tất cả. Huyền thoại của những huyền thoại. Những khi nói tới thời ấu thơ thì điện tử 4 nút luôn được nhắc tới đầu tiên như là công cụ giải trí số một ngày đó của các cô cậu nhóc tinh nghịch. Cho dù có nhiều dòng máy khác nhau như Family Computer, Sega, Super Nintendo Emulators,… thì tất cả đều được gọi chung là “điện tử băng” hay “điện tử 4 nút”
Dàn máy này đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam với những Contra, Super Mario, Super Tank, Bắn Vịt (Duck Hunt), Ăn Chuối (Adventure Island),... Chắc nhiều người vẫn chưa quên dòng cheat huyền thoại “lên lên xuống xuống trái phải trái phải A B” để kiếm được 30 mạng Contra hay những lần mà cắm băng không lên, chỉ cần rút ra… thổi thổi vài phát rồi cắm vào lại chơi được như thường. Đó là những nét rất riêng và đặc biệt của Điện tử 4 nút, mang đậm dấu ấn tuổi thơ mà không một dòng máy nào khác có được. PlayStation
Ngày đó không hẳn nhà nào cũng có Điện tử 4 nút, và không phải bố mẹ nào cũng cho con cái ngồi nhà chơi điện tử tự do, có những ông bố bà mẹ khó tính cất giấu hộp Điện tử 4 nút đi và chỉ tới khi nghỉ hè mới thi thoảng lôi ra cho con cái họ chơi khoảng 1-2 tiếng. Và những lúc bí bách không được ngồi nhà chơi game như vậy, các cậu nhóc lại hò hét kéo nhau ra ngoài hàng PlayStation với vỏn vẹn vài nghìn đồng xin xỏ được ở trong túi.
Những game phổ biến nhất ngoài hàng hồi đó là Rambo lùn (Metal Slug), Cảnh sát đặc nhiệm (Captain Commando), Cảnh sát hoàng gia, Tekken hay Đua xe thú,… Một số game hardcore hơn như Dino Crisis hay Resident Evil thường hay chơi bởi các ông anh lớn tuổi hơn. Tôi vẫn nhớ có lần ra quán PS1 và đòi chơi mấy trò đó nhưng ông chủ quán không cho chơi vì chê tôi… chưa đủ tuổi. Brick Game
Nhỏ gọn, tiện lợi và bình dân, hệ máy điện tử cầm tay Brick Game ngày đó cũng na ná như smartphone bây giờ. Dù chỉ chơi được vài trò với hình ảnh đơn giản là những khối vuông như xếp hình, bắn tăng, đua xe,… nhưng cũng khiến cho trẻ em mê mệt. Tất nhiên vì tính chất đơn giản của nó nên thường người chơi chỉ sử dụng một thời gian ngắn, chơi hết pin khoảng 1-2 lần rồi sẽ bị xếp xó vào ngăn bàn. Tamagotchi
Nếu có thứ khiến cho cả các em nhỏ lẫn các bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ ngày đó thì chỉ có thể là Gà Ảo – Tamagotchi. Với kích thước và hình hài giống như một quả trứng, Tamagotchi là trò chơi nuôi thú ảo với nhiều chủng loại vật nuôi phong phú cùng các chức năng như cho ăn, ngủ, tắm rửa hay thể dục thể thao. Trẻ em ngày đó gần như lúc nào cũng kè kè chiếc Tamagotchi theo người, chăm bẵm từng chút một cho con thú cưng của mình. Đã có ai từng khiến bố mẹ tỉnh dậy lúc nửa đêm vì “gà” kêu bíp bíp đòi măm, hay tỉnh dậy buổi sáng và thấy hụt hẫng khi thấy “gà” đã ngỏm củ tỏi từ lúc nào vì tối hôm trước trót quên không cho ăn? Đó chỉ có thể là Tamagotchi
Có thể nói rằng cho dù công nghệ giải trí ngày nay có hiện đại và phát triển như thế nào, thì những sản phẩm kể trên vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng các 8x-9x đời đầu, vì nó mang tới ký ức của một tuổi thơ không thể nào quên.