Tình trạng đầu cơ xuất hiện khi PS5 và Xbox Series X ra mắt vào tháng 11 năm 2020 đã gây ra sự khan hiếm hàng hoá cho những chiếc máy này. Mặc dù vậy cả Microsoft, Sony và Nintendo đều vẫn có doanh thu bán hàng cực kỳ cao cho những chiếc máy chơi game mới nhất của họ. Trong vòng hơn một năm qua, hơn 17 triệu máy chơi game PS5 đã được bán ra, vượt qua con số doanh thu mà Nintendo Wii U đã tích lũy được trong suốt 5 năm tồn tại của nó.
Sự khan hiếm máy chơi game dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022, và theo đánh giá của các phương tiện truyền thông xã hội thì nhiều người đã bỏ cuộc trong việc cố gắng mua được những hệ thống gaming console mới. Một số game thủ thích nâng cấp thiết bị thường xuyên, trong khi những người khác vẫn hài lòng với những chiếc máy chơi game cũ như PS4 và Xbox One. Những tưởng rằng điều đó có nghĩa là máy chơi game sẽ sụt giảm doanh thu còn các trò chơi thì sẽ tăng mạnh số lượng bán ra, nhưng một báo cáo mới nhất lại cho biết điều ngược lại.
NPD Group, một công ty phân tích xu hướng tiêu dùng trong nhiều ngành, gần đây đã công bố một số dữ liệu về chi tiêu của người tiêu dùng trong lĩnh vực trò chơi điện tử từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022. Bất chấp sự thiếu hụt của các mẫu máy chơi game thế hệ mới như Xbox Series X hay PS5, doanh thu bán máy chơi game vẫn tăng mạnh 22% trong năm qua. Trong cùng khoảng thời gian đó, doanh thu bán phụ kiện trò chơi điện tử đã giảm 15% và doanh số bán phần mềm giảm đi 4%. Doanh thu phần mền này bao gồm các trò chơi vật lý lẫn kỹ thuật số, cũng như DLC và các dịch vụ đăng ký trên tất cả các nền tảng như console, đám mây, mobile, PC và VR.
Thoạt nhìn, nhiều người có thể cho rằng những con số sụt giảm đó là do số lượng người chơi đăng ký các dịch vụ gaming miễn phí như Xbox Game Pass, PlayStation Plus hoặc Nintendo Switch Online ngày càng nhiều. Tuy nhiên dữ liệu do NPD Group cung cấp đã bao gồm cả số lượng đăng ký các dịch vụ đó và con số này rõ ràng cũng đã giảm trong năm qua. Điều này trái ngược với những con số trước đó, đặc biệt là trong thời kỳ cao điểm của đại dịch coronavirus, khi số tiền bỏ ra để chi tiêu cho trò chơi điện tử của người tiêu dùng tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục doanh thu bán hàng của nhiều công ty trò chơi. Gần đây nhất kể từ quý 3 năm 2021 (tháng 7 – tháng 9), doanh số bán trò chơi, máy chơi game và phụ kiện đã tăng 7% so với cùng thời điểm vào năm 2020.
Mặc dù dữ liệu cho thấy rõ rằng các game thủ đã ít chi tiền vào các trò chơi hơn trong năm vừa qua, nhưng thị trường luôn biến động liên tục do nhiều yếu tố. Ví dụ như về tổng thể thì số tiền chi tiêu cho PC gaming và các phụ kiện của nó đã tăng 25% so với năm 2020, nhưng NPD Group dự kiến sẽ giảm 4% vào năm 2022 chủ yếu do ảnh hưởng bởi đại dịch.