Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game - PC/Console

Cách làm bánh mì thanh long của ông chủ ABC Bakery không chỉ làm bất ngờ những người thích bánh mì mà còn cả với những game thủ từng chơi game nông trại.

Những ngày qua, bánh mì thanh long đã trở thành đề tài sôi động khi ông Kao Siêu Lực, chủ tịch ABC Bakery đồng thời được dân gian tặng cho danh hiệu “vua bánh mì” của Việt Nam đã nghĩ ra một cách giải cứu thanh long chỉ có thể thấy trong các bộ truyện về vua đầu bếp. Đó là tinh chế thanh long thành một phần trong chuỗi nguyên liệu làm thành sản phẩm mới. Nói cách khác là tinh chế từ thanh long thô thành một sản phẩm có tính phức tạp cao hơn và mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game

Với việc sáng tạo ra món mới, thanh long có thêm một đầu ra mới bên cạnh bán trái tươi

Đây là vấn đề không mới và việc ông Lực nhìn ra cách xử lý cũng không quá lạ với một doanh nhân vốn có hiểu biết cao về mối quan hệ giữa nguyên liệu, sản xuất và giá trị gia tăng. Cái ảo diệu chính là ông ấy đã dùng chính khả năng làm bánh mì thiên phú của mình để tạo ra một loại bánh mì mới, một món ăn mới phục vụ lợi ích cho chiến dịch giải cứu nông sản thanh long của nước nhà.

Việc nông sản cứ phải giải cứu mãi từ lâu cũng được các chuyên gia chỉ ra là do chúng ta quá tập trung vào xuất thô thay vì tinh chế thêm sản phẩm để bán như những sản phẩm có tính phức tạo cao hơn. Đối với game thủ, việc tinh chế thêm các khâu cho ra một sản phẩm cấp cao hơn như bánh mì thanh long là một việc gần như là kiến thức căn bản. Đối với các game dạng nông trại phức hợp hay mô phỏng quản lý có dính dáng đến công nghệ và sản xuất điều này gần như là bắt buộc.

Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game

Farm Frenzy là loạt game chuyên “làm khó” người chơi với những kiểu chế biến nguyên liệu phức tạp

Đơn cử đầu tiên là một game nông trại cực kỳ phổ biến: Farm Frenzy. Đây là một game mô phỏng nông trại và sản xuất mà hầu như ai ở lứa tuổi 9x đều biết qua. Bắt đầu từ việc chăn nuôi nông sản rồi xuất thô như trứng gà, sữa bò, lông cừu, càng lên cao, người chơi càng phải xây dựng những dây chuyền sản xuất sản phẩm đầu ra cao cấp để tăng giá bán sản phẩm của mình. Nếu 1 thùng sữa bò tươi bán có 5$ thì bỏ nó vào dây chuyền làm phô mai có thể bán được 20$ và cao hơn nữa có thể dùng nó cùng các nguyên liệu khác làm… pizza bán đến hơn 200$ mỗi cái. Nếu lông cừu bán có 10$ một bao, bạn có thể cho nó vào dây chuyền se thành sợi sau đó lại bỏ vào nhà máy đan len để làm ra quá, mũ len lông cừu và bán đến hàng trăm $ mỗi cái.

Bạn cũng có thể bắt gặp điều tương tự trong các game quản lý thành phố, lấy ví dụ như Banished. Nếu bạn đào mỏ lấy quặng sắt rồi bán cho thương nhân, giá trị rất thấp. Nhưng nếu bạn xây nhà thợ rèn để tách quặng thô thành sắt nguyên chất rồi dùng nó rèn thành công cụ dụng cụ bằng sắt và sau đó bằng thép nếu có thêm than làm phụ liệu, giá trị bán cho thương nhân rất cao.

Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game

Tinh chế sắt thô thành công cụ làm việc trong Banished

Việc này cũng giống như dùng quả thanh long thô, nghiền ra rồi cho vào cùng với bột và men rồi nướng thành một cái bánh mì thanh long. ABC Bakery bán một ổ 6.000đ, trong khi thanh long giải cứu bán ở các siêu thị bán 9.900đ/kg. Tất nhiên một ký thanh long sẽ làm ra được rất nhiều ổ bánh mì, ngay cả khi cộng các chi phí nguyên liệu khác để cho ra ổ bánh mì thì giá trị của trái thanh long cũng tăng đáng kể mở ra một thị trường tiêu thụ mới tồn tại song hành bên cạnh thanh long tươi mà không hề cạnh tranh dẫm lên nhau.

Tất nhiên, bài học của bánh mì thanh long không dừng lại ở đây nếu nhìn từ góc nhìn của game về chế biến nông sản. Bởi vì chế biến thức ăn không chỉ để tăng giá trị khi bán mà còn có một khía cạnh khác: bảo quản thực phẩm. Trong một số game quản lý nông trại nổi tiếng nhất thời kỳ Facebook game là Farmville cũng có gợi ý rất rõ điều này.

Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game

Farmville 2 có nhiều cách để chế biến nông sản thô thành các thực phẩm dễ bảo quản như mứt, rượu

Với Farmville 2, các loại trái cây có thể nghiền thành mứt vừa tăng giá trị sử dụng vừa có thể bảo quản được lâu hơn tránh hư thối so với trái tươi. Các loại khác như nho có thể ủ rượu để sản xuất vang, champaigne và các loại thực phẩm lên men khác vừa có thể trữ lâu hơn trái tươi vừa tăng giá trị bán cho chúng.

Một game khác là Harvest Moon cũng dạy bài học tương tự khi trái dưa leo thu hoạch xong chỉ cần thêm một chút muối là có thể thành món dưa muối bảo quản lâu hơn và cách làm cực kỳ đơn giản.

Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game

Harvest Moon cũng là game cho ta những bài học về chế biến nông sản

Từ những bài học đơn giản lại mang tính giải trí nhẹ nhàng đó từ thế giới game. Chúng ta rõ ràng có thể thấy bánh mì thanh long chỉ là bước đầu, nếu mạnh dạn đầu tư các phương thức chế biến và áp dụng tốt ngành học công nghệ thực phẩm kết hợp cùng một chút sáng tạo, tất cả các loại nông sản đều có thể cứu được. Thậm chí còn có thể tăng đầu ra nhờ đa dạng sản phẩm, thay vì chỉ bán 1 loại hàng là trái cây thô nay có thể bán song song trái cây thô với một tá biến tấu chế biến khác của nó từ bánh mì tới mứt rồi bánh ngọt thậm chí là chế phẩm lên men như sữa chua hay rượu.

Bánh mì thanh long và bài học tinh chế nguyên liệu từ game

Chỉ với 1 nguyên liệu là sữa, Hay Day có nhiều cách chế biến thành phẩm khác nhau

Thế mới thấy, thế giới game vốn chưa từng tách rời khỏi đời sống thực tế. Nó phản ánh đời sống thực tế rất sát sao và mang nhiều bài học bổ ích có thể áp dụng trở lại đời sống của chúng ta. Nói không ngoa rằng cái gì có ngoài đời thì thế nào cũng sẽ có một vài game phản ánh về nó, quan trọng là chúng ta có chú ý và khai thác được những gì mà game phản ánh lại hay không mà thôi.

Và các bạn biết Mọt đang nghĩ gì không? Bánh mì thanh long sẽ tiến hóa tiếp như thế nào, ví dụ như kẹp thêm một món ăn kèm nào đó (có vị thiên về ngọt vì bánh mì thanh long đặc trưng vị ngọt) như kiểu bánh mì kẹp kem hay bánh mì thịt truyền thống của Việt Nam?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e