Một đoàn tàu chẳng đến đâu
Trong khi Myst làm mưa làm gió trên thị trường, ông Jordan Mechner – người khai sinh ra những tựa game kinh điển của thập niên 80 như Karateka và Prince of Persia – cũng thử bước vào mảng graphic adventure. Sản phẩm của ông là The Last Express, một tựa game mang tính cách mạng với nội dung hoàn toàn diễn ra trên đoàn tàu Tốc Hành Phương Đông (Orient Express). Bạn là một người đang phải trốn chạy bằng nhân diện của bạn mình sau khi phát hiện anh ta đã chết. Trò chơi có cốt truyện phân nhánh theo hành động của game thủ, cơ chế đảo ngược thời gian sáng tạo, phong cách hình ảnh độc đáo và animation được làm dựa trên kỹ thuật rotorscope rất mới mẻ vào thời điểm đó.
Chưa hết, các nhân vật trong The Last Express còn hoạt động theo khung giờ riêng của mình, chứ không phải chỉ là những cỗ máy biết nói đứng chờ game thủ đến gặp mặt và tương tác. Vì vậy, các sự kiện trong game không ngừng diễn ra dù bạn có ở đó để chứng kiến hay không. Khi kết hợp cùng tính năng đảo ngược thời gian, nó khiến game thủ chìm đắm vào các sự kiện trong game, thôi thúc họ tìm hiểu tất cả những gì đã và đang xảy ra trên đoàn tàu. Cách mà các hành khách trên đoàn tàu đối xử với bạn cũng sẽ thay đổi tùy vào hành vi của bạn trước đó.
Với những sáng tạo mang tính cách mạng và nội dung xuất sắc, The Last Express lại… thất bại thảm hại vì những lý do chẳng liên quan gì đến chất lượng của game. Nó được phát hành bởi hãng Broderbund, nhưng chỉ một thời gian ngắn trước khi game lên kệ, toàn bộ đội ngũ marketing của Broderbund nghỉ việc. Kết quả là một dự án ngốn 5 triệu USD như The Last Express lại chẳng hề được quảng bá, và vì thế không nhận được sự chú ý của game thủ. Sau khoảng một năm, game không còn được bán bởi đã… hết đĩa, còn Broderbund tiếp tục chìm trong nhiều vấn đề mới. May mắn là nếu bạn muốn chơi tựa game này, nó đang được bán trên Steam với một cái giá rất mềm.
Bên kia con dốc
Sau sự thành công của ba phiên bản Police Quest đầu tiên, Sierra quyết định đổi mới trong phiên bẳn thứ 4 khi thay thế người thiết kế game. Jim Walls, nhà thiết kế cũ vốn là một cựu cảnh sát tuần tra của California và anh bị thay thế bằng ông Daryl Gates, cựu sếp cảnh sát Los Angeles. Quyết định này của Sierra gặp nhiều ý kiến trái chiều từ phía các fan, nhưng tựa game Police Quest có tên Open Season vẫn ra đời. Nó có nội dung đen tối hơn hẳn và thay thế nhân vật chính Sonny Bonds quen thuộc bằng John Carrey, với bối cảnh đặt tại Los Angeles, khai thác những chủ đề trầm trọng như phân biệt chủng tộc, sự tha hóa của cảnh sát, tội phạm có tổ chức, thuốc phiện…
Game play của Open Season không còn tập trung vào việc cho game thủ trải nghiệm công việc của một nhân viên cảnh sát, mà được thiết kế nhằm mục đích kể một câu chuyện hoàn chỉnh. Nỗ lực này được đánh giá rất cao bởi báo chí, nhưng nó cũng có khá nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật chẳng hạn không tương thích với Windows 95 và các bản mới hơn, thường xuyên bị crash và phải chờ đến bản CD mới được khắc phục.
Tuy nhiên những thử nghiệm này không thực sự thành công, khiến Sierra phải chuyển hướng dòng game của mình thêm một lần nữa với phiên bản Police Quest: SWAT ra mắt vào năm 1995. Nội dung của SWAT tập trung vào việc huấn luyện hàng ngày của một chiến sĩ SWAT, thỉnh thoảng được “điểm xuyết” bằng một vài nhiệm vụ thực chiến. Sự thay đổi mới lạ này biến SWAT thành một thành công về mặt thương mại cho Sierra, khiến họ tiếp tục khai thác đề tài này với SWAT 2 trước khi ngừng hẳn việc sử dụng cái tên Police Quest kể từ năm 2000. SWAT 3 và sau đó là SWAT 4 ra mắt vào năm 2005 hoàn toàn không còn dính dáng gì đến Police Quest, bởi chúng đều là những tựa game bắn súng chiến thuật tập trung hoàn toàn vào mảng hành động.
Đến năm 2013, nhà thiết kế bị bỏ rơi Jim Walls mở một chiến dịch Kickstarter với mục tiêu làm ra Precinct kế thừa tinh thần của dòng game Police Quest. Tuy nhiên thời thế đã đổi thay: mục tiêu của Jim Walls là 500.000 USD, nhưng sau gần một tháng ông chỉ tìm được sự ủng hộ của 1.870 game thủ với số tiền 85.756 USD. Một chiến dịch gây quỹ thứ 2 cho game cũng thất bại buộc họ phải hoãn Precinct vô thời hạn, nhưng ông Jim Walls vẫn hi vọng rằng một ngày nào đó họ có thể hoàn thành dự án của mình.
Hiện tại quyền sở hữu thương hiệu Police Quest đang nằm trong tay Activision bởi công ty này sở hữu nhãn hiệu Sierra Entertainment, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ đưa Police Quest hay bất kỳ tựa game graphic adventure nào khác trở lại.
Chấm dứt một thời đại
Vào năm 1996, Sierra bị mua lại bởi CUC International. Ken Williams từ bỏ vị trí giám đốc của mình lần đầu tiên trong lịch sử Sierra khi công ty của ông bị xé nát bởi nỗ lực tăng thu, giảm chi của chủ mới. Nhiều đợt sa thải diễn ra khiến tinh thần nhân viên xuống dốc, và các sếp mới đòi hỏi Sierra phải ra game thật nhiều và thật chất lượng. “May mắn” là ách thống trị của CUC áp lên Sierra không kéo dài: chỉ hai năm sau, Sierra bị bán lại cho Vivendi khi CUC dính vào một scandal giả mạo sổ sách, khiến nhiều nhân vật cấp cao ở tù và cổ phiếu xuống dốc không phanh.
Giữa mớ hỗn loạn, những người còn ở lại Sierra vẫn cố gắng để tồn tại. Họ tạo ra King’s Quest: Mask of Eternity trên nền đồ họa 3D bằng một engine mới, nhưng tựa game này thất bại cả về doanh số lẫn danh tiếng. Sang năm 1999 họ lại tung ra Gabriel Knight 3 – đây lại là một thất bại nữa của Sierra dù được đánh giá cao hơn. Những tựa game của Sierra đã mất hết sự nhiệm màu khi không còn đủ những cái tên cũ đằng sau nó.
Tháng 2/1999, studio Oakhurst – nơi khai sinh Sierra – phải đóng cửa, khiến 250 người mất việc. Sierra tiếp tục tồn tại thêm 5 năm nữa cho đến khi văn phòng tại Bellevue đóng cửa vào năm 2004, nhưng trong suốt khoảng thời gian này, công ty đã từng định nghĩa thể loại graphic adventure chỉ còn là cái bóng của chính mình, và chẳng ai còn chú ý đến những tựa game của họ.
Điều khá mỉa mai là vào khoảng thời gian này, Sierra đã… đào hố chôn chính thể loại graphic adventure sở trường khi góp phần vào sự trỗi dậy của FPS bằng hai tựa SWAT. FPS trội hơn hẳn so với graphic adventure nhờ dễ chơi, dễ làm quen và khiến game thủ dễ dàng hòa nhập vào thế giới của nó. Một số công ty cố gắng hòa trộn giữa kể chuyện với hành động bằng những tựa game hành động – phiêu lưu như Tomb Raider, Resident Evil, Metal Gear Solid… Graphic adventure thực sự đã lỗi thời, đến mức tựa game đỉnh nhất trong sự nghiệp của nhà thiết kế thiên tài Tim Schafer cũng không thể cứu vãn được.
Tựa game đó là Grim Fandango. Được phát triển trên nền tảng 3D của engine GrimE, Grim Fandango chọn nội dung là các câu chuyện dân gian Mexico, có nhân vật và vật thể được dựng hình 3D trong khi cảnh nền là hình ảnh tĩnh được dựng sẵn. Cuộc phiêu lưu của tay hướng dẫn du lịch Manuel Calavera tìm cách cứu lấy một vị khách hàng của mình được khen ngợi nhiệt liệt, giành nhiều giải Game of the Year của năm 1998 vì cốt truyện hấp dẫn, hình – âm chất lượng, nhưng chỉ bán được chưa đầy 100.000 bản tại Bắc Mỹ.
Sau Grim Fandango, LucasArts tung ra thêm một tựa graphic adventure cuối cùng là Escape from Monkey Island. Khi ra mắt vào năm 2000, sự hài hước của chàng Guybrush Threepwood chỉ giúp nó bán được khoảng 50.000 bản, khiến hãng quyết định dẹp luôn các phiên bản Sam & Max và Full Throtter đang được phát triển. Tim Schafer rời Lucast Art vào tháng 1/2000 để thành lập Double Fine Productions, studio vẫn tồn tài đến ngày nay nhờ những tựa game như Psychonauts, Sesame Street và Brutal Legends. Studio này đã được Microsoft mua lại theo thông tin được công bố tại E3 vừa qua.
Với việc Sierra suy tàn và LucasArts rời khỏi graphic adventure, hai cánh chim đầu đàn của thể loại game này đã gãy cánh.
(Còn tiếp)
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.2
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.3
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.4
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.5