Steam là nền tảng phân phối game bản quyền trực tuyến lớn nhất hiện nay, cung cấp nhiều game rất hay và chất lượng cho game thủ. Với lượng người sử dụng vô cùng lớn mỗi ngày, Steam hỗ trợ đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Tuy nhiên ở thời điểm trước đây, Steam chỉ hỗ trợ những ngôn ngữ lớn như: tiếng Anh, tiếng Trung, Nga, Pháp, tiếng Latin và một số các nước khác, chứ không hỗ trợ tiếng Việt. Điều này khiến một số game thủ Việt không biết (hoặc không giỏi) tiếng Anh không thể hiểu rõ các nội dung trên Steam, đặc biệt là phần giới thiệu game của Steam. Đó là cản trở khiến một bộ phận game thủ Việt khó tiếp cận với game trên Steam, khiến việc sử dụng Steam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
May mắn thay, vào ngày hôm qua, Valve đã bất ngờ cập nhật hỗ trợ tiếng Việt cho Steam.
Trong bản Việt hóa mà Valve mới giới thiệu, chúng ta có thể thấy rằng giao diện ở phần Main Menu đã được Việt hóa hoàn toàn, tuy nhiên mục Store lại chưa Việt Hóa hết. Các danh mục lớn khác như "Thư Viện, trợ giúp, hiện thị..." đều đã được dịch.
Thậm chí, các phần trong mục Option, chú thích về các tùy chỉnh tài khoản, giao diện, in-game,...đều đã được Việt hóa khá hoàn chỉnh, dù rằng font chữ của game vẫn còn bị lỗi, các chữ vẫn còn bị lệch và chưa thẳng hàng.
Dẫu vậy, điều đáng tiếc là phần giới thiệu về những thông tin về game vẫn chưa được Việt hóa. Có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ thêm một khoảng thời gian dài nữa trước khi Valve chính thức Việt hóa xong Steam.
Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách để tiếp cận bản Việt hóa Steam rất đơn giản chỉ sau một vài thao tác:
B1: Click chuột phải vào mục Steam, chọn Settings
B2: Trong mục Settings, chọn Interface, click chọn Select the language và kéo xuống chọn Vietnamese.
B3: Một thông báo sẽ hiện ra yêu cầu bạn Restart Steam, bạn nhấn chọn Restart Steam
Sau khi restart, bạn đã có thể trải nghiệm giao diện tiếng Việt của Steam rồi.
Được biết, Steam là nền tảng phân phối game bản quyền trực tuyến lớn nhất hiện nay. Người chơi có thể mua game thông qua thẻ thanh toán quốc tế, Paypal hay các "thương nhân" trên mạng. Ngoài Steam, có nhiều nơi khác bán game bản quyền như Origin, Uplay... nhưng số lượng ít hơn và không phong phú bằng.