IBM cho biết họ đã có một bước tiến lớn trong mảng tính toán lượng tử với con Eagle – vi xử lý lượng tử 127-qubit. IBM còn tuyên bố rằng đây là vi xử lý đầu tiên mà siêu máy tính cổ điển (classical supercomputer) không thể mô phỏng được. Để dễ hiểu hơn thì IBM giải thích rằng để mô phỏng Eagle, bạn sẽ cần số lượng "classical bit" còn nhiều hơn cả số lượng nguyên tử trong mỗi con người trên Trái Đất này.
Để đạt được thành tựu này, họ đã tạo ra thiết kế mới giúp đặt các linh kiện điều khiển của vi xử lý lên nhiều lớp vật lý khác nhau, còn các qubit thì nằm trong 1 lớp duy nhất. Thiết kế này giúp tăng đáng kể hiệu năng tính toán của con chip.
Jerry Chow – Giám đốc bộ phận Quantum Hardware System Development của IBM – cho biết con chip Eagle sẽ nằm trên IBM Cloud và được cung cấp cho một số thành viên nhất định thuộc IBM Quantum Network vào tháng 12/2021.
Tuy nhiên, có một vấn đề là IBM không chia sẻ rõ về "quantum volume" (chỉ số đo hiệu suất của máy tính lượng tử) của chip Eagle nên cũng khó để mà biết nó mạnh như thế nào so với những hệ thống hiện có. Đúng là vi xử lý mới của IBM mạnh thiệt đó, nhưng chỉ riêng qubits thôi thì vẫn chưa thể nói lên được điều gì các bạn ạ.
Một điều nữa đó chính là IBM không tuyên bố họ đã đạt được "ưu thế lượng tử tối thượng" (quantum supremacy) với con chip Eagle. Theo công ty này, đây là một bước để tiến tới mục tiêu đó, nhưng hiện tại vi xử lý này vẫn chưa đạt tới mức mà nó có thể giải quyết các bài toán mà các máy tính cổ điển không thể giải được.
Tóm tắt ý chính:
- Eagle là vi xử lý lượng tử 127-qubit của IBM mà siêu máy tính cổ điển không thể mô phỏng được.
-Để mô phỏng Eagle thì sẽ cần số lượng "classical bit" còn nhiều hơn cả số lượng nguyên tử trong mỗi con người trên Trái Đất.
- IBM đã tạo ra thiết kế mới giúp tăng đáng kể hiệu năng tính toán của con chip và đạt được thành tựu trên.
Nguồn Engadget biên dịch GVN360