Trong các nền văn hóa khác nhau, địa ngục không hề giống nhau bất bấp chấp việc ai cũng tán thành cái ý tưởng đây là nơi tăm tối, dơ bẩn và chuyên dụng để những linh hồn mắc đọa tạm dừng chân cho đến khi họ trả xong những tội lỗi bản thân mắc phải lúc còn sống. Trong game cũng thế khi tùy thuộc vào nội dung chính của cốt truyện mà các loại địa ngục sỉ lẻ được tạo ra để người ta… khám phá!!!
The Darkness
Trong tựa game The Darkness, nhân vật chính Jackie sau khi bị thực thể bóng tối buộc mình phải trơ mắt chứng kiến người bạn gái Jenny bị giết một cách tàn bạo đã phẫn uất mà tự sát. Ngay lập tức linh hồn Jackie bị đưa xuống địa ngục và gặp cụ cố của mình là Anthony, người muốn giúp đỡ Jackie thoát khỏi lời nguyền The Darkness của gia đình. Địa ngục của game này sẽ mô phỏng lại hệ thống chiến hào của Thế chiến thứ nhất, nơi mà thể xác lẫn linh hồn của những người lính thuộc cả 2 phe Anh – Đức chiến đấu chống lại nhau trong một vòng lặp không có hồi kết. Trong suốt quá trình tìm cách giải cứu linh hồn người yêu cũng như phá bỏ lời nguyền của gia tộc, Jackie đã xuống địa ngục tận 2 lần nhưng cuối cùng anh đều thành công trở về thực tại để trả thù cho người mình yêu.
The Darkness II
Sau tất cả những gì đã trải qua ở phần 1, Jackie cuối cùng lại phải xuống địa ngục lần nữa (người chơi lựa chọn tự sát) để có thể giải cứu linh hồn của Jenny khỏi nơi đây. Khi xuống địa ngục, tức giận với lựa chọn của Jackie, The Darkness sẽ cử lũ ác quỷ truy sát anh. Địa ngục trong phần 2 khác biệt hơn hẳn bối cảnh thế chiến của phần 1. Đây là vùng đất đen tối, ngột ngạt, ma quái và đầy rẫy lũ ác quỷ. Nghe qua địa ngục của The Darkness II có vẻ chung chung như những gì người ta thường thấy khi nói về nó, thế nhưng nhờ việc sử dụng tông màu tím pha sắc đỏ khá ấn tượng cùng phong cách thiết kế độc đáo mà địa ngục của The Darkness II vẫn có nét riêng của nó. Khá là đáng tiếc khi cái kết cho việc xuống địa ngục là kết mở nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin gì về phần 3 của trò chơi.
Hellblade: Senua’s Sacrifice
Lấy bối cảnh thời kì Viking, Hellblade: Senua’s Sacrifice theo chân nữ chiến binh Celtic mang tên Senua lên đương xuống địa ngục để giành lại linh hồn người mình yêu khỏi tay thần chết Hela. Trong Hellblade, địa ngục của Viking được gọi là Helheim, tương tự như địa ngục trong God of War 2018, có điều phiên bản địa ngục này được khắc họa rất khác biệt. Cụ thể hơn do những chấn thương về tâm lí mà nhân vật chính dường như toàn gặp phải những ảo ảnh tượng trưng cho địa ngục xuất hiện trong đầu mình. Theo đó, Helheim là vùng đất được bao trùm bởi dãy núi đủ lớn để che khuất ánh sáng mặt trời cùng với những công trình bằng gỗ khổng lồ, bên trong là các mê cung với nhiều căn phòng kết nối chằng chịt nhau. Tại mỗi khu vực lại là một cơn ác mộng được thể hiện theo cách riêng. Tại điểm cuối cùng ở trên đỉnh ngọn núi là thánh địa của Hela, nơi thần chết nắm giữ linh hồn người tình của Senua.
Cuphead
Mang vẻ ngoài khá nhí nhố và vui nhộn nhưng Cuphead đã dạy cho người ta một bài học đắt giá, đó là đừng bao giờ thỏa thuận với quỷ dữ. Bằng không thì bạn sẽ trở thành culi đi thu thập các linh hồn cho The Devil nhưng đến cuối game vẫn phải đưa ra lựa chọn làm việc cho hắn hoặc chống lại hắn. Trong trận chiến chống lại The Devil, tại phase cuối hắn sẽ “lột xác” và nhảy xuống một cái hố, buộc người chơi cũng phải nhảy theo hắn để đi xuống dưới địa ngục, thánh địa của The Devil. Tại sân nhà của mình, The Devil sẽ biến thành khổng lồ, triệu hồi mọi con quỷ và tạo ra cơn mưa đạn kinh khủng hòng hạ gục người chơi. Địa ngục của Cuphead khá đặc trưng khi sản phẩm mang đậm phong cách hoạt những những năm 1930 mà chúng ta thường được thấy, vui nhộn và hóm hỉnh dù toàn ma quỷ.
Devil May Cry 3: Dante’s Awakening
Địa ngục hay Demon World trong thế giới Devil May Cry là thực tại song song với thế giới loài người, có điều nơi đây luôn được bao trùm bởi bóng đêm và dĩ nhiên tràn đầy lũ ác quỷ. Trong suốt chiều dài lịch sử của dòng game Devil May Cry, không ít kẻ đã tìm cách mở ra cánh cổng dẫn tới địa ngục hòng sở hữu sức mạnh của ác quỷ và cha con nhà Sparda cứ phải liên tục phải tìm cách ngăn cản trò điên rồ này lại. Ở mỗi phiên bản game, địa ngục lại được khắc họa khác đi đôi chút cho nên Mọt tui xin phép lấy địa ngục trong phần 3 làm tiêu chuẩn. Theo đó địa ngục trong Devil May Cry 3: Dante’s Awakening là một nơi mà dường như không gian và thời gian bị đảo lộn. Cảnh vật của từng khu vực cũng có sự khác biệt, từ những lối đi tưởng như dài vô tận cho tới những hồ máu khổng lồ cùng các bức tượng quỷ bằng đá.
Bayonetta 2
Trong Bayonetta 2, linh hồn của Jeanne bị kéo xuống địa ngục buộc Bayonetta phải lên đường cứu người bạn thân của mình. Địa ngục của phần 2 được gọi là Inferno mang nhiều nhiều nét tương đồng với 9 tầng địa ngục trong tác phẩm Divine Comedy. Vẫn là một chiều không gian đen tối, ngột ngạt nơi quỷ dữ tha hồ tung hoành, thế nhưng Inferno không phải kiểu địa ngục thường thấy mà những sản phẩm khác vẫn hay khắc họa. Thay vì đá nóng, dung nham và không khí tràn ngập mùi lưu huỳnh, Inferno giống như là một thực thể sống khổng lồ. Cái thân xác này lớn đến mức những mô trong cơ thể của nó có thể kết nối với nhau để tạo nên những kiến trúc khổng lồ. Bên cạnh đó, chiều không gian này cũng có hệ động thực vật riêng vô cùng đa dạng, thường bò trườn khắp nơi và không hề chào đón nhân vật chính. Đương nhiên là với một phù thủy quyền năng đầy quyến rũ như Bayonetta địa ngục này không đủ sức làm nàng nản lòng.
- Khi game “nhét” người chơi xuống địa ngục nhưng không phải để trừng phạt – P.1
- Khi game “nhét” người chơi xuống địa ngục nhưng không phải để trừng phạt – P.2