"Mình là một người đam mê và cũng là một game thủ Dota 2. Ước mơ của mình cũng giống như những game thủ khác là được thi đấu cho một Team chuyên nghiệp ở Sea, tham dự những giải đấu lớn như Major, Ti nhưng mình đành dừng ước mơ ấy ở thời điểm hiện tại, ở tuổi 19.
Trong hơn hai năm theo nghiệp thi đấu ấy, mình đã lọt vào top 100 MMR Sea và cùng với team mình lúc ấy giành được một số giải thưởng tại Geforce Dota2, Dota2 sec, Dota2 Hanoi Champion, Gext dota2 và một số lần được tham dự các vòng loại của những giải đấu lớn được tổ chức ở Sea. Sau một thời gian, nhận thấy rằng ở Việt Nam Esports rất khó phát triển, đặc biệt là Dota 2. Những mạnh thường quân thường không muốn tài trợ vì thái độ của Player cũng như những Drama về bán kèo thường xuyên trôi nổi, bản thân mình cũng không phải là một ngoại lệ. Mình quyết định rời xa con đường này và định hình một lối đi khác, quay về làm quản lý một phòng game cho anh mình. Tuy vậy, đó cũng là một kí ức buồn khi nhắc lại, vì Dota 2 đã khiến những chàng trai như mình òa khóc trong hạnh phúc.
Muốn trở thành một game thủ chuyên nghiệp, các bạn trẻ dám dấn thân vào con đường này đã phải đánh đổi rất nhiều thứ...
Thời gian đầu khi bắt đầu phát triển đam mê, không chỉ riêng mình mà những anh em trong team đều đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ gia đình cho tới cuộc sống riêng của mỗi đứa. Bạn có thể tưởng tượng muốn GO-PRO cần ít nhất 14 tiếng một ngày. Không phải ai cũng đi làm, không phải ai trong Team cũng xuất thân từ một gia đình khá giả. Liệu bạn có sẵn sàng từ bỏ việc học, sự hỗ trợ bao bọc từ gia đình chỉ để chạy theo đam mê hay không? Còn chưa kể tới xung quanh mọi người luôn coi bạn là một lũ nghiện game hư hỏng. Đó chỉ là một phần nhỏ những rắc rối mà bọn mình trải qua vì mình không thể kể chi tiết mình đã bỏ học thế nào hay đi làm thuê chỉ để kiếm tiền trang trải cho việc chơi game. Hay hàng ngày bỏ bữa sáng, ăn mì tôm chỉ để mua được 1 chiếc bàn phím Blackwidow Chroma. Thực sự đó là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời mà bản thân mình và những thành viên đã phải đánh đổi để theo đuổi đam mê.
... Tuy nhiên hoài bão vươn đến đỉnh cao vẫn còn là giấc mơ dang dơ với nhiều người, nhất là với các game thủ Việt.
Điều đáng tiếc nhất và cũng là tiếc nuối nhất có lẽ là sự tan rã của team. Đã có những lúc chúng mình vui mừng chỉ vì có một chỗ anh em tụ tập Onlan, ăn ngủ tập luyện cùng nhau. Rồi lần đầu vỡ òa trong sung sướng hạnh phúc và cả nước mắt khi vô địch lần đầu. Dù đã cố gắng giữ cho mọi thứ theo hướng êm đẹp nhất miễn sao mọi người ổn định cho dù điều đó phải đánh đổi bằng cảm xúc của chính bản thân mình, nhưng mọi thứ không còn như xưa. Ai cũng có cái tôi của riêng mình, sự kiêu căng và mâu thuẫn đỉnh điểm khi thành viên nhỏ tuổi nhất của team phải ra đi. Kết thúc những ngày tháng sống chết cùng đam mê.
Khi trải qua hết những khó khăn ấy, mình nghĩ rằng trong tương lai 10 năm nữa có lẽ Esports Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ hơn, khi mà chúng ta có được tinh thần thi đấu của một game thủ chuyên nghiệp. Thực lực của Players ở Việt Nam không hề kém so với các nước bạn, đôi khi còn nhỉnh hơn, nhưng cái tôi và sự ích kỉ còn quá lớn, họ không chịu hạ mình để học hỏi, không có tiếng nói chung dẫn đến những thất bại cả về mặt giao tiếp lẫn chiến thuật. Nếu chúng ta có thêm những game thủ biết nói câu “mình sai mình nhận lỗi, mình là người tiến bộ” thì mình tin chắc rằng trong tương lai gần thôi chúng ta có thể tiến thật xa, thậm chí có thể đặt tay lên chức vô địch thế giới.
* Bài viết được đóng góp và chia sẻ bởi "Chuyện Nghề"