Vừa qua, trên khắp mạng xã hội đều rộn ràng bàn tán về bộ phim đầu tiên lấy đề tài zombie của điện ảnh Việt Nam. Trong bài viết này, tôi sẽ không nói đến chất lượng của bộ phim vì hầu hết mọi ý kiến đều đã được đưa ra rồi. Khi thấy bộ phim được công chiếu, trong đầu tôi liền có suy nghĩ: “Không biết đến bao giờ ngành game nước nhà mới có game zombie, và nếu có thì nó sẽ như thế nào?”
Chúng ta đều biết zombie là một trong những đề tài game kinh điển nhất trên thế giới. Ngành công nghiệp trò chơi đã có vô số những sản phẩm game zombie với đủ thể loại khác nhau. Tuy nhiên, với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, trò chơi thuộc thể loại như vậy vẫn chưa có sản phẩm nào. Nếu nghĩ kỹ lại thì đất nước chúng ta không thiếu bối cảnh để xây dựng ý tưởng về một trò chơi về những xác chết biết đi.
Và điều quan trọng là các nhà làm game hoàn toàn có thể làm nổi bật những nét riêng của zombie Việt Nam, giống như cách mà bộ phim kia đã làm. Hiện tại chưa một nhà làm game nào tuyên bố “chúng tôi làm game với tinh thần cầu thị”, nhưng với sức nóng của xác sống, tôi tin tương lai Việt Nam sẽ có một sản phẩm game zombie để đời.
Tạo hình zombie phải quen thuộc
Trong một game xác sống, chắc chắn người hâm mộ sẽ chú ý tới tạo hình của zombie đầu tiên. Để có thể tạo được điểm nhấn cho game, tôi cho rằng những tên xác chết biết đi phải làm nổi bật được những nét đặc trưng của bối cảnh hay nét tinh hoa của Việt Nam.
Ví dụ như zombie ở bối cảnh vùng sông nước là phải hiện rõ được nét nhân tính, vẻ chân chất của con người nơi đây; hay như bối cảnh thành phố thì zombie phải lộ rõ dáng vẻ của những cậu ấm cô chiêu, các racing boy cháy phố;… Bên cạnh đó, các nhà làm game có thể cho những con zombie đi dép tổ ong, một trong những món đồ đặc trưng nhất của người Việt Nam. Điều này sẽ giúp trò chơi gây ấn tượng mạnh hơn với các game thủ quốc tế.
Nếu trò chơi zombie đầu tiên của Việt Nam lại đi theo lối thiết kế nhân vật giống như các trò chơi trước đó thì sẽ không tạo ra được điểm nhấn. Do đó, việc thay đổi đôi chút tạo hình xác sống, đưa vào những nét đặc trưng vùng miền sẽ giúp trò chơi được chú ý hơn. Điều quan trọng là chưa một trò chơi nào trên thế giới này có thể “nhân tính hóa” cho zombie.
Nhờ tạo hình như vậy, các nhà làm game hoàn toàn có thể xây dựng một cốt truyện thấm đẫm tình người, lấy đi nước mắt của hàng ngàn game thủ.
Lối chơi nhìn cái là biết ở xứ nào
Lối chơi của game zombie Việt Nam là thứ khiến tôi thấy phân vân nhất, bởi chắc chắn nó sẽ khó mà làm giống được như những trò chơi cùng đề tài đã có trên thị trường. Do đất nước chúng ta hạn chế những trò chơi súng ống nên tôi cho rằng cho các nhân vật chính sử dụng những món vũ khí thô sơ như cuốc, xẻng, điếu cày,… là cực kỳ hợp lý. Trên thực tế, bộ phim Kingdom của Hàn Quốc đã cho thấy việc chiến đấu với xác sống bằng những món vũ khí thô sơ hấp dẫn, gay cấn hơn nhiều.
Cơ chế Quick Time Event cũng như Slow Motion trong game cần được các nhà phát triển đưa thêm vào. Ví dụ như khi zombie gần bắt được nhân vật chính, cơ chế QTE được kích hoạt cho phép nhân vật tung ra những ngón đòn cận chiến để chạy thoát thân. Điều này trên thực tế đã được rất nhiều trò chơi làm và nó tạo cho game thủ những khoảnh khắc cực kỳ đã mắt.
Bên cạnh đó, tốc độ của zombie cũng cần được lưu ý. Như tôi đã nói ở trên là game zombie Việt Nam cần phải làm bật được nét nhân tính của xác sống, do đó những xác chết biết đi không thể chạy đuổi theo các nhân vật chính với tốc độ và sát khí kinh hồn được. Các nhà phát triển có thể làm giảm tốc độ cũng như sự nguy hiểm của xác sống nhằm giúp các người chơi có thể tìm được thoát dễ hơn.
Suy cho cùng thì chúng ta chơi game để giải trí, nếu quá căng thẳng thì có lẽ chẳng ai dám mua game nữa. Việc để các nhân vật đánh zombie một cách dễ dàng, thậm chí quật bằng một chiếc túi xách cũng khiến xác sống ngã lăn ra giống như bộ phim kia đã làm cũng là một cách tốt.
Nếu điều đó vẫn chưa giảm căng thẳng cho game thủ, các nhà làm game có thể chèn thêm ca nhạc hay các phân đoạn hài đặc trưng vào. Một trò chơi điện tử luôn phải có những khoảng lặng để giúp game thủ có thể nghỉ ngơi. Ví dụ như khi các nhân vật chính đang phải trèo lên cây để trốn zombie, một ai đó sẽ tạo ra những miếng hài đánh thức zombie dậy chẳng hạn. Tôi thấy điều đó khá vui đấy chứ.
Điều cuối cùng, để một trò chơi zombie của Việt Nam được thế giới chú ý, yếu tố bình đẳng giới, hay LGBT là không thể bỏ qua. Đây cũng chính là xu thế cho ngành công nghiệp game hiện tại cũng như tương lai. Điều này nhằm truyền tải thông điệp lớn lao mà toàn xã hội đang hướng đến.
Quảng bá một cách có tâm nhất
Để một bộ phim hay một trò chơi giải trí đạt được thành công, các nhà sản xuất vẫn cần phải có một cách quảng bá có tâm. Tôi không phủ nhận rằng mỗi người đều có một góc nhìn riêng và họ muốn sản phẩm của mình đi theo cách mình muốn, nhưng đối tượng hướng đến cuối cùng vẫn là khán giả hay game thủ. Nếu phần đông game thủ thấy không ổn thì chắc chắn sản phẩm đó cần phải được sửa lại, chứ không phải là mặc kệ những ý kiến phản bác hay cãi lại tay đôi với mọi người.
Bên cạnh việc nghiêm túc phát triển một trò chơi, điều quan trọng nhằm chiếm được cảm tình của game thủ chính là thành thật. Bạn không thể bắt người dùng mua một trò chơi quá tệ hay quá khác so với những gì mà bạn từng giới thiệu.
Mặc dù toàn bộ bài viết của tôi có phần giả tưởng, vui vui nhưng bản thân tôi thật sự mong muốn được chơi một game zombie do chính đội ngũ Việt Nam nghiêm túc phát triển. Tôi tin rằng cộng đồng game thủ vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ trò chơi của nước nhà, nhưng chỉ khi nhà sản xuất đưa ra một trò chơi thực sự xứng đáng với sự chờ đợi đó. Còn việc bỏ tiền ra mua game bản quyền giờ đây không phải là vấn đề quá đáng lo ngại nữa rồi.