Tuần này, Steam kỷ niệm 19 năm hình thành và phát triển. Kể từ những bước đầu chập chững vào tháng 9/2003, Steam đã vươn mình trở thành nền tảng phát hành game lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Nhân dịp kỷ niệm 19 năm ra đời của nền tảng này, chúng ta hãy quay ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lịch sử của Steam.
Ra đời vào tháng 9/2003
Tháng 9/2003, Steam chính thức được ra mắt như một cách để Valve kiểm soát quá trình vận hành Counter-Strike. Bên cạnh đó, hãng cũng dùng nền tảng này để kiểm soát gian lận và cung cấp phương thức truy cập dễ dàng hơn cho các sản phẩm khác.
Ở thời gian đầu sau khi ra mắt, Steam không thực sự chiếm được cảm tình của game thủ khi tốc độ truy cập của nền tảng này khá chậm, giao diện phức tạp, khả năng tương thích kém và thường xuyên phải sửa vì lỗi. Đây thực sự là khoảng thời gian khó khăn của Steam.
Bước ngoặt lớn mang tên Half-Life 2
Half-Life 2 có thể coi là một trong những tựa game độc quyền thành công nhất mọi thời đại. Hàng triệu bản được bán ra và Valve không quên nhắc nhở người chơi rằng để chơi được Half-Life 2, bạn phải đăng ký qua Steam.
Mở rộng cho các nhà phát triển game bên ngoài
Năm 2005 đánh dấu 2 tựa game đầu tiên không phải do Valve sản xuất (Ragdoll Kung Fu và Darwinia) góp mặt trên Steam. Đây là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự thay đổi nền tảng cơ bản của Steam từ một phần mềm tải xuống (download) trở thành một cửa hàng thực sự.
Tích hợp cơ chế đánh giá, xếp hạng
Năm 2007, khi số lượng trò chơi ngày càng gia tăng, Steam đã được tích hợp thêm chức năng tìm kiếm và đánh giá xếp hạng. Các bảng xếp hạng được hình thành gồm: tựa game mới, top bán chạy, top điểm đánh giá…
Cột mốc 20 triệu thành viên
Sau 5 năm phát triển, Steam đã xây dựng được một cộng đồng vô cùng đông đảo lên tới 20 triệu thành viên. Một con số đáng mơ ước cho bất cứ nhà phát triển nào.
Đi đầu trong các sự kiện khuyến mại, giảm giá
Năm 2010, Lần đầu tiên Valve cho áp dụng các đợt giảm giá và khuyến mại theo từng mốc thời gian cố định. Đây là cơ sở để hình thành những “cơn bão khuyến mại” của Steam sau này.
Phát triển nền tảng di động
Nhằm mở rộng thêm thị phần người dùng, Valve đã phát hành phiên bản Steam trên nền tảng di động. Phiên bản này có đầy đủ các chức năng như: trò chuyện (chat), giao dịch trao đổi, mua hàng, cài đặt game từ xa thông qua hệ thống OTG.
Đi đầu công nghệ thực tế ảo
Có thể bạn không biết, chính Valve chứ không phải Facebook (Meta) mở ra kỷ nguyên công nghệ thực tế ảo (VR). Ngay từ năm 2016, Valve đã kết hợp cùng nhiều nhà sản xuất để ra mắt nhiều mẫu kính thực tế ảo như Oculus Rift và HTC Vive. Nhiều tựa game trên Steam cũng đã được áp dụng công nghệ này.
Kiểm soát chặt chẽ game có nội dung người lớn
Vào năm 2018, Steam bắt đầu thay đổi các chính sách với game có nội dung người lớn. Nhiều quy định chặt chẽ hơn đã được đưa ra. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ người dùng, nhất là những game thủ chưa đủ 18 tuổi.
Cuộc chiến ác liệt với Epic Games Store
Năm 2019 đánh dấu sự ra mắt của Epic Games Store, nền tảng phát hành game do Tencent hậu thuẫn. Trong gần 2 thập kỷ hình thành và phát triển, đây có thể xem là đối thủ nặng ký nhất của Steam từng phải đối mặt. Cho đến hiện tại, sự cạnh tranh của Steam và Epic Games Store vẫn đang rất quyết liệt. Liệu vị trí số một của Steam có bị soán ngôi? Chúng ta hãy chờ thêm để có câu trả lời chính xác nhất.