Những bài hát trong game cực chill nhưng ý nghĩa thì đen tối

Nhạc trong game nghe thì hay đấy, nhưng bạn có chắc bạn hiểu hết những ẩn ý đen tối mà các nhà phát hành cài cắm không?

Hôm nay, hãy cùng Mọt tôi tổng hợp những các khúc nhạc game sở hữu giai điệu bắt tai nhưng lại ẩn chứa những nội dung sâu sắc hơn bạn nghĩ rất nhiều. Xin chào, tôi là Kênh Tin Game, cảm ơn bạn vì đã đến đây.

Drunken Whaler trong Dishonored

Mở đầu cho video ngày hôm nay chính là Drunken Whaler, tạm dịch là “Kẻ săn cá voi say xỉn”. Đây là bài hát từng xuất hiện trong tựa game Dishonored do hãng Arkane phát hành vào năm 2012. Câu chuyện trong Dishonored xoay quanh cận vệ hoàng gia Corvo Attano bị những kẻ đảo chính đổ tội ám sát nữ hoàng. Điều đáng nói ở đây nữ hoàng cũng chính là người tình bí mật của anh khiến nỗi đau càng nhân đôi.

 

Từ đó cuộc sống của một kẻ bị vu oan như Corvo đương nhiên sẽ không bao giờ dễ dàng, nếu không phải nói là cực kì tủi nhục, thậm chí còn đánh mất cả danh dự vốn có của mình. Vì xoay quanh một câu chuyện bi thương như thế nên Dishonored không phải một tựa game dễ chịu. Để xứng đáng với một truyện đen tối như vậy, dĩ nhiên ca khúc  xoay quanh tựa game cũng không kém phần tăm tối.

Ca khúc Drunken Whaler xuất hiện trong trailer giới thiệu của game thật ra được cải biên từ bài Drunken Sailor của nhóm The Irish Rovers. Bản gốc của ca khúc nói về một nhóm thủy thủ say rượu, với lời bài hát đơn giản vui nhộn và giai điệu bắt tai phỏng theo các điệu nhạc dân gian Ireland. có thể nói Drunken Sailor trở thành ca khúc được nhiều thủy thủ ưa thích và ngâm nga nhiều nhất.

Tuy nhiên trong Drunken Whaler, hãng Arkane đã cải biên lại nội dung ca khúc để bài hát phù hợp với không khí của trò chơi. Chẳng hạn nếu nghe kỹ, bạn sẽ thấy có những đoạn nhắc về việc một người thủy thủ bị đồng bọn bỏ mặc cho lũ chuột háu đói hoặc cuộc xung đột giữa các thủy thủ trên tàu thường chỉ kết thúc khi một bên im lặng vĩnh viễn.

Nhưng đó chắc chắn chưa phải là thứ khiến ca khúc trở nên đáng sợ nhất. Khác với bản gốc hoặc những dị bản khác chỉ được hát bởi các thủy thủ. Hãng Arkane quyết định phá cách bằng việc cho những đứa trẻ ngâm nga ca khúc này như một bài đồng dao. Sự đối lập giữa hai thái cực khiến sự đen tối của ca khúc được truyền tải một cách trọn vẹn. Tôi chắc rằng bạn sẽ cảm thấy lạnh sống lưng nếu hiểu hết nội dung của Drunken Whaler.

Đời đời kiếp kiếp chẳng chia lìa của Áo Cưới Giấy

Đến Trung Quốc, nơi các hãng game thường bị tố đạo nhái nhưng trong những lần làm việc nghiêm túc, họ vẫn cho ra đời những ca khúc tuyệt vời. Chẳng hạn như “Đời đời kiếp kiếp chẳng chia lìa” mà ai từng trải nghiệm Áo Cưới Giấy đều biết đến. Xuất hiện trong phần 2 mang tên “Thôn Trang Linh”, đây là ca khúc do Ngô Dật Phi biểu diễn. Tuy cách biệt ngôn ngữ nhưng cách truyền tải đầy bi thương giúp bài hát được người chơi đón nhận vì phù hợp với không khí mà trò chơi tạo ra.

Giai điệu của ca khúc được xây dựng theo phong cách truyền thống của những bản tình ca thời Dân Quốc để phù hợp với mốc thời gian trong quá khứ của Áo Cưới Giấy 2. Đương nhiên, “Đời đời kiếp kiếp chẳng chia lìa” không chỉ được đưa vào để tăng không khí, mà nó còn là sợi dây tơ hồng vô hình nhằm kết nối mối tình trắc trở của hai nhân vật là Chúc Tiểu Hồng và Lương Thiếu Bình.

Tôi đã từng nói với các bạn Chúc Tiểu Hồng là một ca sĩ chưa nhỉ? Trước khi mọi bi kịch trong Áo Cưới Giấy 2 xảy ra, lần đầu Lương Thiếu Bình gặp Chúc Tiểu Hồng là khi cô đang biểu diễn ca khúc “Đời đời kiếp kiếp chẳng chia lìa”. Chính giọng hát ngọt ngào của cô đã thấm sâu vào lòng anh, làm chàng kép hát Thiếu Bình trót đem lòng yêu nàng Tiểu Hồng ngay từ lần đầu gặp gỡ.

Trong bức thư Thiếu Bình để lại trong mật thất, ta có thể thấy anh đã ví rằng khoảnh khắc đó, xung quanh anh như bừng sáng, mọi thứ bỗng trở nên rực rỡ vì có cô. Nhưng ca khúc vốn phải là sợi tơ dẫn dắt hai người, thật ra lại là một bức thư tiên tri cho những điềm không may. Trong lời bài hát có nói về việc “em gái hát tặng tình lang”, giống như đang ám chỉ ca khúc này Tiểu Hồng cố ý hát tặng Thiếu Bình.

“Em gái một mực chờ tình lang đến”, nghe qua giống như nói đến việc đôi trẻ hẹn hò lãng mạn, nhưng xét trong trò chơi, có lẽ đó là giây phút Tiểu Hồng chờ đợi Thiếu Bình khi bị dân làng bắt giữ. Câu tiếp theo “em gái khóc ướt áo” tôi nghĩ mình không cần nói nữa. Hai người họ dù chia xa trong giây lát, nhưng sẽ mãi mãi bên nhau vào giây phút Tiểu Hồng đi tìm Thiếu Bình ở vách núi thôn Trang Linh, hai người bọn họ đã thật sự như lời bài hát nói. “Đời đời kiếp kiếp không chia lìa”.

Soviet March trong Red Alert 3

Để bớt đi không khí buồn bã tôi sẽ đến với một tựa game chiến thuật thời gian thực. Đó chính là Red Alert, một series game khá hay nhưng tôi thường ít nhắc về nó vì bạn biết đấy, tựa game này đầy mùi khịa phe Đồng Minh và anh bạn Xô Viết hay chính xác là nước Nga. Trong hai phần đầu của Red Alert, anh gấu xuất hiện trong hình dáng kẻ phản diện và không được thân thiện cho lắm, nhưng đến Red Alert 3, gấu Nga đã được minh oan và cái nồi phản diện được đẩy sang Đế quốc mặt trời mọc.

À thì tạm chuyển giao vai phản diện thôi chứ khịa thì vẫn khịa, mà người bị khịa thì không ai khác chính là anh gấu. Cụ thể là khịa sâu cay trong ca khúc Soviet March của Red Alert 3. Chỉ qua giai điệu, ta hẳn sẽ nghĩ đây phải là một bài hát hào hùng, bi tráng, ca ngợi mạnh mẽ tuyệt vời các kiểu con đà điểu. Kèm theo đó bài hát còn được viết bằng tiếng Nga nên chẳng ai nghi ngờ đây là một cú chơi đểu thâm sâu từ nhà sản xuất game.

Phần lời bài hát về cơ bản thì chỉ là một đoạn điệp khúc nói về việc xứ bạch dương sẽ thôn tính thế giới từ châu Âu đến Nevada. Dịu vodka sẽ chiếm lĩnh toàn cầu và nếu lỡ có xui xẻo bị họ xem là con mồi và tiễn về với đất mẹ thì phải thấy vinh hạnh vì điều đó. Bởi chẳng dễ gì mà được để mắt đến đâu. Nghe qua thì có lẽ bạn cũng thấy bình thường thôi, nhưng nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy lời bài hát như tuyên ngôn đá đểu sâu cay về việc gấu Nga luôn nghĩ mình là bá chủ thế giới.

Và đương nhiên là mấy anh gấu Nga cũng nhận ra điều này. Thế là họ đáp trả lại là chẳng biết bên kia đang muốn đá đểu bên này hay đang tự nhận mình thiếu kiến thức. Một số khác thì bình luận hóm hỉnh rằng ca khúc khá vui nhộn, nhưng mà ca sĩ phát âm không được chuẩn lắm. Vài người có kiến thức âm nhạc thì nhận xét người viết bài hát này khá là đỉnh và chuyên nghiệp. Một cú khịa rất có đầu tư của NSX game.

Lady of the Pier trong Devotion

Lady of the Pier hay “Cô gái ở bến thuyền” là ca khúc xuất hiện trong phân cảnh cuối cùng của trò chơi Devotion do nhà Red Candle. Bài hát là một lời tâm sự nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng cũng đau đớn chạm đến trái tim người nghe, nhất là những người đã từng trải nghiệm tựa game cảm động Devotion.

Người chồng Đỗ Phong Vu đã đánh mất người vợ Củng Lệ Phương chỉ vì sự độc đoán, gia trưởng của mình, nhưng ông vẫn chưa tỉnh ngộ mà cứ tiếp tục trầm mê trong các hoạt động mê tín dị đoan. Để rồi chính ông cũng đánh mất cô con gái Mỹ Tâm yêu quý nhất của mình. Cuối cùng khi Đỗ Phong Vu tỉnh ngộ thì mọi chuyện đã quá muộn màng, không còn cách gì có thể cứu vãn.

Giây phút Đỗ Phong Vu mở ra cánh cửa giam giữ linh hồn Mỹ Tâm, ca khúc “Cô gái bến thuyền” vang lên như một câu trả lời chua xót, rằng Mỹ Tâm đã chẳng ở cạnh ông nữa rồi. Hình ảnh cô bé Mỹ Tâm đi mãi về phía trước như một cánh bướm mà Phong Vu mãi mãi không bao giờ chạm đến được. Lời ca cứ thế được cất lên với giọng hát da diết của Mỹ Tâm và Củng Lệ Phương tựa như lời thì thầm của họ dành cho Đỗ Phong Vu.

Cả hai nhắc về hình ảnh cô gái đứng chờ tại bến tàu nhỏ ở con sông rộng lớn nhưng chẳng thấy thuyền đến, như ám chỉ việc đang chờ Phong Vu hồi tâm chuyển ý, quay về bên họ. Nhưng dù họ có chờ, có mãi dõi mắt về phương xa, lòng mang nỗi nhớ gửi về con thuyền ấy thì mãi mãi vẫn chẳng có được một câu trả lời.

Núi xanh còn đó, tháng năm vẫn ở đây nhưng cô gái ngày nào đã chẳng còn bi thương nữa, bởi vì cô ấy đã đi đến một nơi xa rất xa. Câu hỏi “Cô ấy có nguyện ý không?” giống như khơi lên một câu hỏi đau thương rằng, liệu cô ấy có sẵn lòng chờ đợi dù phải chấp nhận số phận như thế không? Mà câu hỏi này dường như dành Phong Vu, rằng anh ta có sẵn lòng quay về gặp những người yêu thương đang đau đáu chờ đợi anh hay không.

Trong hình ảnh cuối cùng của bài hát, cô bé Mỹ Tâm ngồi giữa sân cát, nơi mà em ấy luôn ao ước có thể vui vẻ nô đùa khi còn sống. Mỹ Tâm bất chợt đứng dậy quay lại đối mặt với Phong Vu, câu nói ngây ngô “Ba ơi, mình về thôi” của cô gái nhỏ khiến game thủ nào cũng đau lòng. Đó là sự khẳng định cho việc Mỹ Tâm sẵn lòng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của ba mình. Biết đâu nếu có kiếp sau thì Mỹ Tâm vẫn muốn quay về làm một thiên thần nhỏ bên cạnh Phong Vu.

Build Our Machine trong Bendy and the Ink Machine

Tết nhất kiểu này hơi mệt nhưng thôi cứ đến với kết thúc của video hôm nay bằng ca khúc Build Our Machine. Tôi tạm dịch là “Xây dựng nhà máy của chúng ta” đến từ game Bendy and the Ink Machine. Thật ra ban đầu bài hát này không phải của NSX Bendy and the Ink Machine sở hữu mà đến từ DAGames, một fan hâm mộ của trò chơi. Nếu nghe ca khúc và video do DAGames đăng tải, bạn có thể nhầm đây là đồ chính hãng chứ không phải hàng fanmade.

Chính điều đó đã khiến nhóm sản xuất quá ấn tượng và quyết định liên hệ với DAGames mua bản quyền để biến ca khúc này trở soundtrack chính cho Bendy and the Ink Machine. Về cơ bản thì những gì được nhắc đến trong Build Our Machine không khác nhiều so với hành trình của nhân vật chính khi phải sinh tồn trong thế giới mực nhưng là dưới góc nhìn của cậu quỷ nhỏ Bendy.

Và thì bạn biết đấy, bài hát được viết trước khi phần game Bendy and the Dark Revival ra mắt nên hình ảnh của Bendy xuất hiện trong ca khúc khá là bạo loạn với những ca từ xấu xa. Kết hợp cùng với giai điệu chát chúa và âm thanh bắt tai khiến ca khúc dễ dàng cán mốc view khủng trên Youtube vào thời điểm ra mắt.

Đoạn điệp khúc “sửa lại chiếc máy cho ta” đi kèm với câu nhấn mạnh “rồi ngươi sẽ đi đời tối nay” cứ lặp đi lặp lại như muốn dự báo nhân vật chính sẽ phải bỏ mạng trong thế giới mực. Điều này đồng thời cũng trùng khớp với hình ảnh vòng lặp thời gian sẽ liên tục diễn ra và nhân vật chính cũng bị giam cầm mãi mãi trong thế giới kì quái của Bendy.

Với những người từng chơi tựa game Bendy and the Ink Machine, chắc chắn bạn sẽ thấy có rất nhiều tình huống xuất hiện trong trò chơi nhưng với một cách miêu tả đáng sợ hơn. Chẳng hạn như tình trạng khủng khiếp của chú sói Boris, hay việc nhân vật chính là người đã tạo ra những con quái vật đáng sợ trong Bendy chỉ vì suy nghĩ ích kỷ muốn níu giữ lại ánh hào quang đã qua.

Trong những ca khúc tôi kể trên, sẽ có vài thứ đen tối nhưng không thiếu ca khúc sở hữu ca từ lẫn giai điệu bi thương thấm đẫm lòng người. Đương nhiên là trong thế giới game không chỉ có những bài hát mà tôi vừa kể trên mà còn có nhiều ca khúc khác cũng sở hữu ca từ không được ấm lòng cho lắm. Các bạn còn biết những ca khúc nào khác thì đừng quên để lại bình luận bên dưới cho Mọt biết nhé. Dĩ nhiên nếu thấy hứng thú với những video thế này thì cũng đừng quên để lại cảm nghĩ cho Mọt luôn nha. Còn bây giờ thì xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau nhé, bye~

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~