Sau khi đón nhận không ít thất vọng với tựa game đỉnh Forspoken, tôi đã thử lên GamePass để kiếm một trò chơi nào đó giải khoay thì bất chợt mắt tôi chạm vào Hi-Fi Rush vì đồ họa sặc sỡ và quan trọng nhất là miễn phí. Thế nhưng thứ khiến tôi không ngờ đây lại là một tựa game có chất lượng rất tốt.
Trong Hi-Fi Rush, Bạn sẽ vào vai một cậu trai trẻ có tên là Chai. Như bao cậu bé khác cùng trang lứa Chai có một ước mơ to lớn đó là trở thành một ngôi sao nhạc rock, nhưng đáng tiếc rằng một cánh tay của cậu không cử động được. Để có thể theo đuổi ước mơ tới cùng, Chai quyết định tham gia một chương trình thử nghiệm chi giả của tập đoàn Vandely. Thế nhưng trong quá trình cấy ghép chiếc máy nghe nhạc của cậu đã rơi vào giữa ngực (do ông chủ tập đoàn này mà ra cả) cậu để rồi bị đưa vào trong cơ thể của cậu luôn. Sau khi phát hiện ra sai sót ngớ ngẩn này tập đoàn Vandelay đã quyết định trừ khử cậu. Thế nhưng lúc này chiếc máy nghe nhạc bên trong cơ thể của Chai kết hợp với cánh tay máy mới toanh đã ban cho cậu năng lực siêu nhiên để có thể tự vệ. Năng lực này không gì khác hơn là cậu có thể triệu hồi một cây búa khổng lồ có thể gây sát thương tăng dần nếu cậu tấn công theo nhịp điệu bài nhạc đang được phát ra từ trong cơ thể.
Nếu bạn từng chơi qua hai tượng đài hack ‘n’ slash là Devil May Cry và Bayonetta thì bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng Hi-Fi Rush có rất nhiều điểm tương đồng. Thế nhưng không cam tâm chỉ là một bản sao vô hồn đã cố gắng kết hợp cách điều khiển, phần gameplay cốt lõi của DMC / Bayonetta với phong cách dẫn truyện hài hước của God Hand. Lại khoác lên người lớp áo hoạt họa đầy màu sắc thứ gây ấn tượng rất mạnh đối với các game thủ trong đó có cả Game4V (không biết có phải chỉ riêng mình tôi hay không mà sao đồ họa game này thấy nó cứ gợi lại dòng game Viewtiful Joe thế nào ấy). Những yếu tố ấy kết hợp với tốc độ dồn dập và cơ chế tính sát thương dựa theo nhịp các bài hát khiến mọi thứ trở nên vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn.
Và khi nói đến cơ chế tính sát thương theo nhịp điệu bài hát nhiều bạn sẽ lo rằng game sẽ rất khó tiếp cận với các người chơi mới, đặc biệt là những người mù nhạc lý. Thành thật mà nói thì bản thân tôi cũng là một tên mù nhạc lý. Thế nhưng tôi vẫn có thể chiến Hi-Fi Rush một cách vô cùng dễ dàng vì như đã nói ở trên phần lõi của game vẫn giống như hai tượng đài là Bayonetta và DMC với các đòn đánh nhẹ, đánh mạnh, né, phản đòn và thỉnh thoảng lại xuất hiện các pha QTE để kết liễu kẻ thù. Bạn vẫn có thể vượt qua các thử thách trong game mà không cần bấm theo nhịp nhưng game sẽ khó hơn một chút do lúc này các trận chiến sẽ kéo dài hơn và bạn phải né thường xuyên hơn rất nhiều (game cũng cho phép bạn bật một thanh hiển thị nhịp của bài nhạc thay vì tự nghe để giúp những người mới chơi dễ làm quen hơn), ngược lại nếu các bạn có thể canh nhịp chuẩn thì các đòn đánh của các bạn sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn đồng thời càng ngày càng ghi nhiều điểm hơn. Bên cạnh đó bạn còn có thể kêu gọi hỗ trợ từ những người đồng đội, mỗi người trong số họ đều có sở trường riêng và có thể giúp bạn đánh bại một số loại kẻ thù nhất định hoặc giúp Chai giải một số câu đố đơn giản.
Bên cạnh phần gameplay hấp dẫn thì hình ảnh và âm thanh cũng là một điểm mạnh của Hi-Fi Rush. Các bản nhạc trong game chủ yếu theo phong cách pop rock/punk không chỉ vô cùng phù hợp với gameplay của game mà chất lượng của chúng dễ dàng khiến các bạn bị cuốn vào lúc nào không hay. Các nhân vật thì được lồng tiếng không thua gì các bộ phim hoạt hình đến từ các studio lớn với Chai vừa thể hiện được tính chất lương thiện, hoạt bát những người đồng đội thì mỗi người có một nét riêng nhiều lúc các bạn chỉ cần nghe tiếng của họ là phần nào hình dung lên toàn bộ các khả năng của họ. Còn phần hình ảnh thì sao? Như đã nói ở trên tôi đến với game vì phần đồ họa gây ấn tượng rất tốt. Hi-Fi Rush hiện lên cứ như một bộ phim hoạt hình có thể tương tác được chứ không phải chỉ đơn thuần là một trò chơi mang phong cách hoạt họa. Ngoài ra còn một thứ khiến tôi đánh giá vô cùng cao tựa game này đó là dù cho các đoạn cắt cảnh bị khóa ở 30fps nhưng toàn bộ trò chơi bạn đều có thể trải nghiệm một cách mượt mà ở 60fps điều mà cả hai game AAA gần đây cũng không đạt được (có thể do Denuvo).
Hi-Fi Rush đã một lần nữa khiến tôi tin rằng để một tựa game thành công thì việc tập trung phát triển một gameplay hấp dẫn vẫn nên được đặt lên làm đầu chứ không phải là sử dụng những chiêu trò quảng cáo để tạo độ hot nhất thời, hiện game vẫn đang được miễn phí trên game pass nên các bạn còn ngại gì mà không vào thử.