Genshin Impact bản thân nó đã bắt đầu gây tranh cãi vì câu chuyện tố cáo đạo nhái quen thuộc mà bất kỳ game xuất xứ Trung Quốc nào cũng vấp phải. Tuy nhiên câu chuyện đó không phải là thứ duy nhất vừa thú vị lại vừa dễ tan nát tình anh em khi mang ra bàn bạc lúc trà dư tửu hậu.
Vẫn còn những vấn đề khác có liên quan đến các nhóm ý kiến khác nhau mà một khi đưa ra sẽ tạo ra tranh cãi gay gắt giữa những ý kiến trái chiều. Nếu bạn cảm thấy cuộc “bù khú” đám bạn game thủ đang quá nhạt và muốn “ném đá hội nghị” cho giải tán luôn thì có thể thử gợi ý các câu chuyện thú vị sau đây.
Genshin Impact và bài học “anh không làm thì tôi làm”
Cái câu này rất quen thuộc trong làng game và không chỉ được sử dụng bởi người Trung Quốc. Nhưng nó thể hiện một thứ rất trực quan trong cả kinh doanh lẫn làm game, đó là người có cơ hội không thèm làm thì cơ hội đó sẽ chuyển cho kẻ dám làm.
Trường hợp kinh điển đó không nói đâu xa chính là LMHT của Riot và cuộc tranh cãi với Tencent. Khi Tencent đề xuất Riot chuyển LMHT lên nền tảng mobile để khai thác mảnh đất màu mỡ này thì nhận được lời từ chối vì Riot chưa sẵn sàng (hoặc không thích làm?). Tencent đã áp dụng ngay câu nói ở trên khi tự mình làm một game lấy ý tưởng từ LMHT rồi sau đó nó nổi danh khắp thế giới luôn đứng top bảng xếp hạng cho di động. Đó chính là Vương Giả Vinh Diệu – Liên Quân Mobile.
Ví dụ thứ 2 là do chính người Mỹ làm và nó là một cú chấn động dằn mặt các hãng game Nhật. Các hãng game đến từ xứ mặt trời mọc luôn có những chính sách rất lạ và khó hiểu, một trong số đó là Natsume với việc không bao giờ đưa bất cứ bản Harvest Moon nào lên PC cả. Điều đó làm cho một fan của thể loại game này là Eric Barone cảm thấy phiền lòng.
Anh đã tự mày mò lập trình để tạo ra Stardew Valley tái hiện lại những gì hay nhất của Harvest Moon cộng thêm những chỉnh sửa theo ý tưởng cá nhân của mình. Khỏi phải nói, game thành công ngoài sức tưởng tượng và nỗ lực muộn màng đưa Harvest Moon: Light of Hope lên PC một năm sau của Natsume hoàn toàn bị đè bẹp.
Genshin Impact thì lại là vấn đề khác khi nó là một phần trong nỗ lực “làm game gacha thay cho Nhật” của các nhà sản xuất Trung Quốc với điển hình tiên phong thành công là Âm Dương Sư. Như đã nói ở trên, các nhà phát triển Nhật đôi khi rất khó hiểu khi chỉ tập trung phần lớn tâm huyết vào thị trường nội địa, rất nhiều game rất hay nhưng không hề được chuyển ngữ sang bản tiếng Anh.
Thế là các nhà làm game Trung Quốc liền vào cuộc bằng cách “học hỏi” quá trình xây dựng phong cách làm game kiểu Nhật theo các style như anime, JRPG, thế giới fantasy Nhật… Cuối cùng chúng ta có một trào lưu game Trung Quốc làm theo style Nhật để giật thị trường. Thử nghĩ xem một game hay chỉ khư khư bị giữ lại ở Nhật bị một studio Trung Quốc nào đó học hỏi các đặc tính rồi làm một sản phẩm cùng phong cách bán cho phần còn lại của thế giới. Người Nhật sẽ thấm thía câu “anh không làm thì tôi làm” nó lợi hại thế nào.
Hấp dẫn với người mới, thường thường bậc trung với hardcore
Hiện tại hai luồng ý kiến về khen – chê đối với Genshin Impact vẫn chưa hề hạ nhiệt. Căn bản Genshin được thiết kế khá đơn giản và thậm chí cẩu thả nếu nhìn từ góc nhìn của một game thủ lâu năm từng trải qua nhiều game thế giới mở. Tuy nhiên đối với những người mới khám phá, những game thủ mobile từ trước đến nay chỉ trải nghiệm những game online đơn giản lặp lại thì nó là một chân trời mới.
Genshin Impact vừa đủ đơn giản và dễ hiểu để những người chưa biết gì cả dễ dàng làm quen, kèm theo đó là cơ chế Gacha nhằm “dụ gà” bỏ tiền ra đầu tư cho một con game mà theo góc nhìn của họ là quá chất và quá đẹp. Nhưng trò đó không thể nào chinh phục được những người từng trải qua các thế giới mở tuyệt vời như GTA V, Red Dead Redemption, The Witcher 3… Bản thân Mọt Leo Cây tui nếu có mang ra so cũng không đánh giá thế giới mở của Genshin Impact cao hơn Ni no Kuni II: Revenant Kingdom.
Nhưng có một điều cần lưu ý, đối tượng khách hàng mà Genshin Impact nhắm vào chắc chắn không phải đám game thủ hardcore vì vốn họ có kinh nghiệm và sẽ cày hiệu quả mà không mấy ai nạp tiền. Đối tượng chính mà game này nhắm tới là những game thủ mới làm quen, dễ bị choáng ngợp bởi thế giới đẹp đẽ và thức ăn dự trữ trong game. Và một khi họ mê mẩn rồi thì cứ Gacha bất chấp thôi.
Có thể thành mục tiêu tẩy chay của hội bảo vệ động vật
Ngoài hội phụ huynh luôn chăm chăm muốn tiêu diệt làng game thì chúng ta có thêm một số hội nhóm khác đang dần xuất hiện thời gian gần đây. Một trong số đó hội bảo vệ động vật trong đó có cả PETA luôn “cà khịa” các game có yếu tố săn bắn.
Ví dụ gần đây nhất chính là cuộc tấn công quyết liệt của PETA với Animal Crossing: New Horizons khi cho rằng tựa game này có hàng loạt hoạt động khuyến khích làm hại động vật như câu cá, cào nghêu, bắt bướm… Thận chí họ còn đòi xóa bỏ nhân vật cú Blathers vì nhân vật này muốn mở một bảo tàng cá và côn trùng khởi đầu cho việc nhờ người chơi đi sưu tầm các mẫu về trưng bày.
Genshin Impact chắc chắn là lọt vào danh sách bị tấn công bởi nó cho phép săn gần như tất cả các động vật để lấy thịt nấu ăn. Bạn bắn trúng một con lợn rừng hay cáo sẽ có 2 miếng thịt nạc, bạn bắn trúng một con hạc sẽ có 2 cái đùi gà, thịt một con vịt sẽ có 1 đùi. Chưa kể cua, cá, ếch, tắc kè đều có thể túm lấy và… cho vô nồi. Ngay cả Paimon còn bị dọa cho vào nồi còn gì.
Chính vì cái sự “ăn mọi thứ” theo phong cách ẩm thực Trung Quốc đó, Genshin Impact có thể trở thành mục tiêu công kích và tẩy chay các nhà đấu tranh yêu thú vật và những tổ chức ăn chay nóng tính.
Được thiết kế như một game online nhưng chơi kiểu game co-op
Chuyện Genshin Impact là game online hay offline kèm co-op đang gây bối rối khá nhiều. Nếu những ý kiến “sát sao” cho rằng chỉ cần có kết nối internet là chơi online thì nghiễm nhiên Genshin Impact sẽ đứng cùng với những Diablo III, Left 4 Dead, Borderlands, Dark Souls vì các game này cũng ít nhiều đòi hỏi kết nối mạng.
Tuy nhiên nếu đi theo hướng của những người ủng hộ tân thời là game online được tính khi kết nối thật nhiều người vào cùng chơi chung một phân cảnh theo đúng định nghĩa Massively trong cụm từ MMO thì Genshin lại nằm ở nhóm game offline.
Bản thân thiết kế của nó cũng gây tranh cãi khi chỉ cung cấp khả năng chơi nối mạng cực kỳ hạn chế bao gồm co-op, chat và kết nối máy chủ để xác thực, save game. Nhưng bên cạnh đó nó lại được thiết kế bộ khung theo chuẩn của game thẻ tướng chơi online quen thuộc. Các tính năng quay tướng, tìm nguyên liệu nâng cấp tăng sao từng món đồ cũng như hệ thống chòm sao, đi phụ bản hàng ngày, chuỗi nhiệm vụ hàng ngày thậm chí điểm thể lực (resin).
Genshin Impact giống như một thiết kế mỗi thứ một nửa khiến người ta muốn xếp loại nó sẽ phải trải qua rất nhiều tranh cãi.
Kết
Nhìn chung Genshin Impact là một sản phẩm mang tính khai phá của nền công nghiệp làm game Trung Quốc. Đây là một bước chuyển đổi sau khi họ đã thuần thục kỹ thuật làm game online và bắt đầu thử làm các game hardcore hơn, phức tạp hơn định hướng giống game offline hơn.
Không chỉ có Genshin Impact, các hãng game Trung Quốc vẫn đang tích cực phát triển nhiều game khác mang tính đột phá và tấn công mảng game PC – Console AAA trong thời gian tới. Bạn còn nhớ cái tên Black Myth: Wukong không?