Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.Cuối - PC/Console

Game thay đổi theo thời gian còn MetaCritic thì không và đó cũng là lý do vì sao có những game tuyệt vời lại sở hữu điểm số thê thảm.

Khi những trò chơi còn đơn giản những nhà phê bình trên MetaCritic có thể kết thúc công việc của họ sớm để về thưởng thức thêm một tách cà phê nóng. Nhưng ngày nay mọi chuyện đã rất khác khi nội dung của một tựa game hay cũng phức tạp không kém gì quyển tiểu thuyết Vân Đồ (Cloud Atlas) của David Mitchell cả. Không hiếm trường hợp khi những người làm công việc đánh giá hoàn toàn không hiểu được ẩn ý sâu sắc mà nhà sản xuất muốn gửi gắm thông qua trò chơi. Đôi khi là do nghiệp vụ chuyên môn kém của đám phê bình trên MetaCritic, những lúc khác lại là ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan của thời đại.

Những tựa game tuyệt vời nhưng bị đánh giá kém trên MetaCritic – P.1
Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.1
Khác với đám game thủ chơi game vì niềm vui thuần túy, các nhà phê bình chơi game vì miếng cơm manh áo thế nên họ không có quyền lựa chọn trò chơi trước khi bắt đầu.

Ngày xưa khi một trò chơi phát hành xem như mọi thứ đã bị đóng khung vĩnh viễn trong các tệp dữ diệu được lưu trữ, dù 10 năm hay 20 năm sau thì những thứ thật sự hay ho hay tởm lợm chắc chắn không có gì thay đổi. Ngày nay là một câu chuyện hoàn toàn khác, No Man’s Sky có thể dở tệ khi ra mắt nhưng cùng với những bản cập nhật liên tục sau đó, mọi chuyện đã xoay chuyển 180 độ. Vấn đề ở đây là gì? Game có thể thay đổi theo thời gian nhưng điểm số trên MetaCritic thì không. Đó cũng là lý do tại sao lại có những game tuyệt vời ở thời điểm hiện tại nhưng lúc mới ra mắt cách đây vài năm, điểm số của chúng trên MetaCritic trông vô cùng thê thảm.

Mafia III – MetaCritic: 68

Xét một cách công tâm tựa game do 2K phát hành không phải không có những bất cập của riêng nó. Điều khiển thô cứng, thứ cực dễ nhận thấy nếu người chơi trót đam mê bộ môn lái xe trong các game sandbox hay lối combat lỗi thời cứ như được phát triển từ 10 năm trước trước chính là những điểm khiến trò chơi bị đánh giá thấp. Vì thế nói cho cùng MetaCritic cũng không “sai” khi chấm 68 cho Mafia III có 68 điểm vào năm 2016.

Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.Cuối

May mắn là trò chơi có một đội ngũ biên kịch tốt cùng bối cảnh câu chuyện quá xuất sắc. Theo thời gian, các điểm yếu được những bản patch dần xóa bớt (dù vẫn còn tồn tại) trong khi đó câu chuyện về quá trình sa ngã của một thanh niên da đen sau kỳ quân dịch tại miền Nam nước Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ trước vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn. Trong bối cảnh của phong trào #blacklivematter lên cao, thậm chí từng có câu chuyện cười hết sức lố bịch về một nhà sản xuất phim chuyên đổi vai diễn lấy tình bị tiết lộ danh sách các nữ minh tinh từng qua tay ông ta. Vấn đề là người ta không quan tâm đến đạo đức của tay sản xuất đó, cũng không quan tâm những ai từng cúi đầu xuống dưới thặt lưng của ông ta để nhận lấy vai diễn, người ta chỉ thắc mắc vì sao trong danh sách minh tinh từng đổi chác không có một nữ diễn viên da màu nào? Và thế là, ông ta bị chỉ trích vì phân biệt chủng tộc.

Mafia III cũng hot lên vì ăn theo hơi nóng từ phong trào đòi quyền bình đẳng dành cho dân da đen theo cách thức như vậy. Nhân vật chính là người da đen, câu chuyện trong game tố cáo xã hội da trắng thượng đẳng nơi không bao giờ coi trong những giá trị của dân da màu, quá trình sa ngã rồi sau đó vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội, đó là những gia vị ưa thích của bát “súp gà cho tâm hồn” đúng chuẩn Mỹ mà bất cứ người dân Hoa Kỳ nào cũng thích ăn (cho đến trước năm 2018). Nhìn chung MetaCritic không hoàn toàn chấm sai trong trường hợp này, chỉ trách nhân vật chính của Mafia III là một người da đen, thế thôi!

SimCity (2013) – MetaCritic: 64

SimCity chỉ gặp một vấn đề nhỏ khi ra mắt lần đầu đó là nó không cho phép người ta chơi nếu khổ chủ không có hoặc không chịu kết nối mạng internet. Tất nhiên, vụ án này chỉ là bước dạo đầu cơ bản bởi sau đó người ta nhận ra máy chủ của EA yếu đuối đến nỗi thường xuyên sập mà không có lý do giải thích cụ thể. Chung quy những ai mua bản SimCity năm ấy gần như không thể chơi tựa game mình yêu thích ngay hôm nó ra mắt, ngày tiếp theo cũng không, thậm chí là trong cả tuần sau đó. Mãi đến khi EA thực hiện một vài chỉnh sửa cũng như vô hiệu hóa một số tính năng, game thủ mới có thể kết nối ổn định vào máy chủ.

Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.Cuối

Một vấn đề mới lại nảy sinh khi các thành phố bị giới hạn về kích thước và AI không thật sự thông minh như EA đã quảng cáo. Nhìn chung cảm giác của những người đã mua SimCity khi nó ra mắt lần đầu chính là họ đã bị ăn một tô bún thịt lừa to đùng khi tiêu tốn 60$ chỉ để mang về nhà một sự bực mình không hề nhẹ với một tựa game fail toàn tập. Trong vài năm sau đó cùng với nhiều bản vá, EA đã dần chỉnh sửa lại hết những vấn đề bất cập trong trò chơi và hiện nay có thể xem nó như một sản phẩm thú vị. Nhưng chung quy số điểm mà MetaCritic chấm cho SimCity vào năm 2013 dù không còn phù hợp với hiện tại nhưng lại… không oan chút nào.

Tom Clancy’s Rainbow Six: Siege – MetaCritic: 73

Vào năm 2015, dung lượng của Tom Clancy’s Rainbow Six: Siege không lớn như hiện tại bởi đơn giản trò chơi có phần nội dung ít đến đáng thương cảm. Vài chế độ chơi nho nhỏ, vài bản đồ cũng cũng nho nhỏ nốt và chế độ chơi đơn hoàn toàn toàn chưa xuất hiện, đó là những gì bạn sẽ nhận được nếu mua game vào năm nó ra mắt. Tình huống còn tệ hại hơn khi các nhà phê bình của MetaCritic cho rằng so với các bản Tom Clancy’s Rainbow Six trước thì Siege giống như một nỗ lực vớt tiền với phần ăn được dọn ra chỉ là vài mẩu thịt thừa còn sót lại từ bữa đại tiệc trước đó.

Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.Cuối

May mắn là trò chơi vẫn làm tốt tính năng competitive multiplayer, với yếu tố chiến thuật đỉnh cao nhịp độ chiến đấu dồn dập, Siege đã bứt phá khỏi khu vực tương đối đông đúc của những tựa game run n’ gun kiểu vãi đạn như mưa và cầu nguyện cho nó trúng. Tom Clancy’s Rainbow Six: Siege không có vụ hồi máu để game thủ sửa chữa những sai lầm, thay vào đó trò chơi mang đến tư duy chiến lược, khả năng giao tiếp cùng đồng đội và những quyết định chính xác có thể khiến một ngày của bạn trở nên tốt đẹp hơn.

Tất nhiên ban đầu danh tiếng của trò chơi rất tồi tệ với những đánh giá tiêu cực từ MetaCritic lẫn phi vụ pre-order không đạt chỉ tiêu như kỳ vọng. May thay Ubisoft luôn chứng tỏ họ rất cứng đầu, từng chút chỉnh sửa từng chút nội dung được thêm vào với những bản đồ cùng nhân vật mới. Đến một ngày kia bằng hiệu ứng truyền miệng, người ta thường hay nghe lời đồn đãi không phá đảo Tom Clancy’s Rainbow Six: Siege thì coi như chưa biết chơi game bắn súng. Thế cả đám người chơi ùn ùn kéo vào và đến giờ phút này Ubisoft vẫn phủ nhận họ có liên quan đến việc tung tin đồn vào năm đó.

Bây giờ tổng kết lại thì trò chơi đã bán hơn 20 triệu bản, trở thành một game eSports đầy triển vọng và nhiều thứ tích cực khác. Có vẻ các nhà phê bình đã đúng khi nói về Tom Clancy’s Rainbow Six: Siege, nó không giống các bản cũ chút nào. Đúng là không giống bởi nó ngon lành gấp 100 lần.

James Bond 007: Blood Stone – MetaCritic: 62

Game ăn theo phim hay ngược lại chưa bao giờ thoát khỏi lời nguyên bom xịt kể cả khi đó là những cái tên thuộc dạng huyền thoại như Dead or Avlie hay Hitman thì vận rủi vẫn chưa bao giờ buông tha chúng. Nhắc đến vụ ăn theo tự nhiên người ta sẽ nghĩ đến những cụm từ đại khái như chi phí sản xuất ít ỏi, thiết kế tệ hại, mong muốn vớt tiền từ bản thân thương hiệu hơn là chất lượng sản phẩm. Vì cái sự hiển nhiên và bất thành văn bản đó, James Bond 007: Blood Stone đã ra mắt vào năm 2010 với nhiều ánh mắt cú vọ thiếu thiện cảm từ giới phê bình lẫn trang MetaCritic.

Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.Cuối

Ban đầu mọi thứ có vẻ đi đúng đường bởi James Bond 007: Blood Stone chứng tỏ nội tại của nó thực sự có vấn đề. Cơ chế chiến đấu không hợp lý, nhiệm vụ lặp đi lặp lại, các kẻ thù giống như được nhân bản hàng loạt cùng việc lái xe trong game thật sự kinh khủng. Điểm chắc chắn phải bị trừ và nếu tính tới việc trò chơi được sản xuất bởi Bizarre Creations, nhà sản xuất loạt game đua xe đình đám Project Gotham Racing, thì vụ lái xe tệ hại trong game đáng ra phải trừ điểm ở hệ số hai. Game này coi như tiêu rồi? Bruce Feirstein không nghĩ vậy. Nhất là khi người đứng sau cốt truyện được đánh giá cao của bộ phim Mắt Vàng đã viết kịch bản cho James Bond 007: Blood Stone. Daniel Craig và Joss Stone cũng không cho rằng Blood Stone là một món hàng tệ hại bởi họ đã góp giọng lồng tiếng cho trò chơi.

Thực tế là ngay cả những nhà phê bình khó tính nhất của MetaCritic, những người chấm điểm Blood Stone thấp lè tè cũng thẳng thắn cho rằng gameplay có thể tồi tệ nhưng xét về tổng thể việc trải nghiệm trò chơi luôn mang đến cho họ một cảm giác hết sức quen thuộc từ các bộ phim kinh điển về Bond. Nói cách khác, nếu hoàn toàn đứng ở lập trường của một game thủ, James Bond 007: Blood Stone chắc chắn là một tựa game không thành công. Thế nhưng nếu bỏ qua vụ đua xe và đánh nhau, sau đó nhìn nhận tại một góc độ khác thì đây lại là một phiên bản Bond khá thú vị.

Final Fantasy XIV Online – MetaCritic: 49

Trước khi gắn cái tên A Realm Reborn vào phía sau thương hiệu của mình thì Final Fantasy XIV chỉ là một sự ô nhục không hơn không kém. Trước khi có MMO, Final Fantasy đã là một thương hiệu đắt khách từ nhiều năm trước. vào năm 2003, Square Enix muốn thu hút thêm từ lĩnh vực online và thế là FF XI ra đời. Nếm trải ngon ngọt từ tự thành công của phiên bản này này, NSX quyết định tung ra FFXIV vào năm 2010 đáng tiếc đó lại là một thất bại vô cùng đau đớn khiến Square Enix mất cả danh và lợi.

Những game tuyệt vời nhưng bị chấm điểm thấp trên MetaCritic – P.Cuối

Theo nhiều đánh giá từ MetaCritic, đây thật sự là một mớ hỗn độn kinh khủng từ đầu đến cuối. Một tựa game online thu phí khi bị chê dở có thể vấp ngã ở vài khía cạnh như nhiệm vụ nhàm chán, kết nối không ổn định, thu phí không tương xứng với chất lượng, nội dung chưa hoàn chỉnh hay giao diện người dùng xấu tệ… Những người làm ra Final Fantasy XIV không rõ do bẩm sinh hay rèn luyện lâu ngày mà thành, họ đã rất rất rất tài năng khi khiến cho trò chơi vướng hết vào những lỗi mà người ta có thể nghĩ ra để đánh giá một tựa game online là kém cỏi. 49 điểm chắc chắn là sự sỉ nhục lớn nhất mà một trang tổng hợp chấm điểm như MetaCritic có thể dùng để đối xử với một thương hiệu lâu năm như Final Fantasy.

May thay tinh thần tự nhục của dân Nhật rất cao, huống hồ đây là trực tiếp bị bọn Âu Mỹ làm nhục. Họ đã làm việc không mệt mỏi khi thấy toàn bộ thương hiệu có thể sụp đổ trong nhục nhã chỉ vì nguy cơ mà FFXIV mang lại. Sau đó 3 năm, Final Fantasy XIV: A Realm Reborn ra mắt, dù được giới thiệu là bản cập nhật nhưng không khó để dân chơi kỳ cựu nhìn ra nó đã đập đi xây lại toàn bộ những thứ dở dở ương ương trong tựa game ra mắt 3 năm trước đó. Có thể nói sau khi bị nhục nhã quá độ, Square Enix đã dồn hết tài nguyên để đánh cược vào phi vụ “phượng hoàng tái sinh” của Final Fantasy XIV. Họ đã thành công và bây giờ A Realm Reborn vẫn là một trong những game RPG online có lượng người chơi đông nhất thế giới.