Một tựa game hay sẽ chạm đến cảm xúc của game thủ. Trong quá trình khám phá cốt truyện, đôi lúc bạn sẽ phải chứng kiến những cảnh tượng buồn, sự hy sinh anh dũng của một nhân vật nào đó. Dù họ có là nhân vật chính hay nhân vật phụ.
Thường thì những cảnh như thế này sẽ khiến game thủ đau lòng tột độ. Đó không chỉ đơn thuần là một người đã ra đi, mà đôi lúc sẽ là những khoảnh khắc vô cùng xúc động. Bởi vốn dĩ nhân vật đó đã quá gắn bó với người chơi, đến khi "xuôi tay" liền để lại niềm tiếc thương vô bờ. Sau đây là những sự hy sinh cao cả khiến game thủ rưng rưng nước mắt.
Tali - Mass Effect 3
Nhiều bạn từng chơi qua Mass Effect 3 sẽ bất ngờ khi biết một sự thật thú vị là nhân vật Tali có thể mất mạng trong phần này đó. Nguyên nhân bạn không biết có lẽ là bởi bạn vẫn chưa dành thời gian để hoàn tất cốt truyện của Tali.
Điều khiến cái chết của Tali cực kỳ đau đớn và nhức nhối là vì bạn gần như là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của cô ta. Tali sẽ gieo mình xuống vực sâu nếu bạn đưa ra quá nhiều lựa chọn sai trái trong câu chuyện của Rannoch. Phải chứng kiến cảnh toàn bộ chủng tộc của mình bị xóa sổ bởi kẻ thù truyền kiếp khiến Tali không thể chịu nổi.
Thậm chí, BioWare càng xát muối vào tim người chơi khi lừa chúng ta tưởng rằng Tali vẫn còn khả năng cứu sống. Khi cô đang rơi xuống thì nhân vật chính Commander Shephard sẽ lao theo để cứu, ngay lúc này thì màn hình sẽ hiện ra nút bấm QTE (quick time event). Nếu bạn phản xạ kịp thời thì Shephard sẽ cố gắng giơ tay ra nhưng rồi cũng vuột mất Tali.
The Protagonist - Persona 3 FES
Mở đầu game, dòng chữ "Memento Mori" (tạm dịch: hãy nhớ là bạn sẽ chết) sẽ hiện lên, báo hiệu là sớm muộn gì bạn cũng sẽ mất mạng. Vì vậy nên người chơi cũng cần chuẩn bị tâm lý từ trước. Nhưng sự thật là Persona 3 vẫn sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng đau lòng khi màn hình credit cuối game bắt đầu chạy.
Cái chết của nhân vật chính không phải là thứ đầu tiên khiến game thủ cảm thấy nhói đau trong lòng. "Danh hiệu" đó phải thuộc về cái chết của Shinjiro - một thành viên trong đội bị bắn chết khi đang bảo vệ một cậu bé. Sự hy sinh của Shinjiro vô cùng đột ngột, nhưng riêng cái chết của nhân vật chính thì lại được lồng ghép một cách tài tình trong 20 phút ở đoạn cuối game.
Sau khi nhân vật chính hy sinh toàn bộ máu trong trận đánh cuối cùng, bạn sẽ được điều khiển anh ta trăn trối những lời cuối cùng với bè bạn. Chứng kiến cảnh nhân vật mà mình đã gắn bó gần cả trăm tiếng đồng hồ dần ngất lịm là một cái cảm giác không gì đau đớn bằng. Thậm chí trong đoạn cắt cảnh cuối cùng, anh ta cũng không còn đứng vững nữa, khiến bao game thủ phải nuốt nước mắt vào trong.
Khi nhân vật chính nhắm mắt xuôi tay, Persona 3 còn bồi thêm cho bạn một bản nhạc cực kỳ cảm động và sâu lắng, xoáy sâu vào sự mất mát quá lớn mà nhân vật chính đã để lại trong tâm trí. Persona 4 và 5 có thể có chất lượng tốt hơn, nhưng xét về khía cạnh cảm xúc thì phần 3 này vẫn là đỉnh của đỉnh.
Bobby the Bob-omb - Paper Mario: The Origami King
Màu sắc tươi tắn, những cuộc đối thoại vui nhộn... đây đều là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn trong game Paper Mario. Bạn sẽ được đồng hành cùng một cô tiên bằng giấy tên là Olivia và một quả bom đã được vô hiệu hóa tên là Bobby (còn gọi là Bob-omb). Cứ tưởng mọi chuyện an lành, bỗng dưng Olivia gặp nạn và bị kẹt dưới một tảng đá khổng lồ.
Thế là để giải cứu cho Olivia, Bobby nảy ra ý tưởng cùng Mario... hướng ra biển lớn trên một con thuyền. Sau đó Bobby tâm sự về một người bạn thân thiết đã mất, và khi cả 2 cùng chiến đấu để lấy một chiếc hộp thì Bobby cho Mario biết rằng bên trong chính là ngòi nổ của người bạn đã mất.
Thế là Bobby gắn ngòi nổ vào người, nói vài lời cuối để cảm ơn Mario và Olivia. Sau đó tự châm ngòi nổ để phá hủy tảng đá, giải cứu cho Olivia. Mario cố hết sức để ngăn Bobby tự sát nhưng bất thành. Những gì còn lại là một bầu không khí nặng trĩu sự u buồn, khi Mario và Olivia nhận ra rằng có một người bạn đã hy sinh để giúp đỡ mọi người.
The Boss - Metal Gear Solid 3
The Boss trong Metal Gear Solid 3 đã có một "cái chết đẹp" nhưng cũng vô cùng bi thảm. Bản thân việc lìa bỏ cõi đời đã rất buồn rồi, kẻ bóp cò súng để kết liễu cô ấy lại là... chính bạn.
The Boss đã tận tâm vì đất nước, nhưng cuối cùng nhận lại sự quay lưng, phản bội. The Boss biết trước điều đó sẽ xảy ra, và cô sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để giữ lấy danh dự cho chính đất nước đã bỏ rơi cô.
Naked Snake, nhân vật chính của tựa game đã chịu tổn thương sâu sắc sau cái chết của bạn mình. Màn kết của tựa game là phân cảnh Snake cúi chào The Boss, giờ đây đã nằm dưới một nấm mồ vô danh. Lúc này, nếu nhấn vào nút Shoulder bên phải thì bạn sẽ được chuyển về góc nhìn của Snake. Tuy nhiên bạn sẽ không thể nhìn rõ nữa vì màn hình lúc này đã nhòe đi trong nước mắt của anh ấy rồi.
Sayori - Doki Doki Literature Club
Tựa game Doki Doki Literature Club đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng kể từ khi được phát hành vào năm 2017, chủ yếu là vì độ "dark" ẩn sau vẻ ngoài trong sáng của nó. Mới chơi thì có thể bạn sẽ thấy game này khá dễ thương, tuy nhiên game sẽ nhanh chóng trở nên kinh dị, phá vỡ cả "bức tường thứ tư". Và sự thay đổi này bắt đầu từ sau cái chết của Sayori.
Đến cuối phần chơi đầu tiên, cô nàng Sayori nhí nhảnh lạc quan sẽ tiết lộ cho bạn biết rằng cô ấy bị trầm cảm. Việc cô ấy tỏ ra yêu đời với vẻ ngoài hồn nhiên tỏa nắng vốn chỉ là để giữ mình không gục ngã mà thôi. Và Sayori biết rằng cô ấy sẽ không thể nào trụ được như thế mãi. Lúc này, bạn sẽ có 2 sự lựa chọn. Một là chấp nhận lời tỏ tình và trở thành bạn trai của cô ấy. Hai là từ chối cô ấy và giữ quan hệ ở mức bạn bè.
Nếu bạn chọn cái thứ hai, Sayori sẽ cười như điên dại và chạy đi mất, để rồi lần tiếp theo bạn nhìn thấy Sayori là lúc cô ấy đã treo cổ tự vẫn trong phòng mình. Còn nếu bạn chọn cái đầu tiên thì mọi chuyện cũng không khá hơn là mấy. Sayori sẽ nhận ra rằng một mối quan hệ không thể giúp cô ấy thoát khỏi trầm cảm, sau đó vẫn treo cổ sau khi trở về nhà.
Đó là một sự thật đau lòng về sức khỏe tâm thần. Chẳng có phép màu nào ở đây cả. Đó là một cuộc đấu tranh không hồi kết của người bệnh. Và nếu họ đã quyết định chấm dứt cuộc sống đầy đau khổ của mình thì chẳng ai có thể cản được...
Nguồn What Culture