Những pha tai nạn “cười chảy nước mắt” – Đây là lý do vì sao VR vui hơn AR - PC/Console

Trải nghiệm các tựa game VR thực sự rất vui và lôi cuốn, nhưng đó là khi bạn đã chắc chắn mình chơi trong một không gian đủ rộng và thoải mái.

Game VR là một trong những bước tiến dài của ngành công nghiệp game. Nó giúp cho game thủ tiến sát hơn tới ranh giới giữa thế giới ảo và thực tại. Cùng với đó, cách trải nghiệm các trò chơi của người dùng với thiết bị VR sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Những pha tai nạn

Tuy nhiên, công nghệ thực tế ảo vẫn còn tồn tại khá nhiều mặt hạn chế, điển hình là không gian trải nghiệm quá chật chội. Người chơi game VR chỉ có thể chơi trong phòng khách hoặc phòng ngủ. Cùng với đó, khi đã bước chân vào thế giới thực tế ảo, người chơi sẽ hoàn toàn mất đi khái niệm về không gian ngoài đời thực. Đơn giản vì lúc đó chiếc kính VR đã trở thành cái băng bịt mắt đúng nghĩa đen. Đó là lý do vì sao khá nhiều “tai nạn” buồn cười đã xảy ra với game thủ và những người xung quanh.

Những vũ khí chết người vốn là các vật phẩm thông dụng hàng ngày – P.1
Những vũ khí chết người trong game vốn là các vật phẩm thông dụng hàng ngày – P.1
Trước khi bộ phim John Wick được công chiếu không có nhiều người nghĩ rằng các vật phẩm phổ thông như bút chì và sách có thể trở thành vũ khí chết người.

Hãy cùng Mọt tôi giải trí một chút với danh sách tổng hợp những pha tai nạn hài hước nhất khi chúng ta chơi game VR.

Đập tay vào bàn cafe khi đang livestream game VR

Như Mọt vừa đề cập ở trên, một trong những nhược điểm lớn nhất của game VR chính là nhận thức về không gian xung quanh của game thủ sẽ biến mất. Do đó, các hãng sản xuất thường thêm vào bộ cảm biến, nó sẽ cảnh báo người sử dụng khi đứng quá sát một chướng ngại vật nào đó. Nhưng người tính hay công nghệ cảnh báo cũng chẳng bằng trời tính.

Youtuber Jeffrey Grubb khi đang livestream game VR, dù trước đó anh đã di chuyển đồ đạc để tạo một không gian đủ lớn, nhưng cuối cùng anh vẫn bị đập tay vào bàn cafe của mình.

Có vẻ như cú va đập khiến bàn tay anh khá đau đớn. Tôi hi vọng lần sau sẽ không đến lượt cái mặt của anh.

Game VR vẫn là ác mộng với trẻ con

Tôi phải nói rằng game VR thực sự không phù hợp với trẻ con một chút nào, ngay cả khi đó là Minecraft. Với người lớn, việc xảy ra va chạm còn chưa được kiểm soát. Còn với trẻ con, dù cho có người giám sát, việc trải nghiệm thực tế ảo vẫn có đôi chút nguy hiểm.

Đó là câu chuyện của một người cha đang cho cậu con trai 3 tuổi của mình chơi Minecraft. Người cha này còn cẩn thận liên tục nhắc nhở và giúp đỡ cậu con trai không va đập vào đồ đạc xung quanh. Trong một tình huống, khi đứa bé đang chạy thẳng vào chiếc ghế anh đang ngồi, anh đã nhanh chóng quay cậu bé theo hướng khác. Tuy nhiên cuối cùng cậu bé vẫn đâm đầu vào chỗ để bệ TV. Thật may là không có thương tích nặng nề nào xảy ra.

Đừng nên chạy kể cả khi đang chơi game VR kinh dị

Khi được trải nghiệm một tựa game VR kinh dị, điều quan trọng nhất mà game thủ nên nhớ đó là đừng chạy, chỉ cần hét là đủ rồi. Mặc dù chạy xa khỏi khu vực mình sợ là bản năng của mỗi người, nhưng trong trường hợp chơi game VR, bản năng này chẳng giúp gì được bạn cả đâu.

Một game thủ khi chơi The Brookhaven Experiment, một trò chơi zombie, đã cố gắng chạy thoát khỏi lũ zombie trong game VR vì quá sợ hãi. Kết quả là cô thoát chết trong game, nhưng lại bị nguyên cục u ở đầu vì chạy tông thẳng vào một chiếc case máy tính ở gần đó. Tình cảnh đó khiến bạn bè của cô xung quanh không khỏi phì cười.

Tuyệt đối đừng chơi game VR cạnh sếp/đồng nghiệp của mình

Thật tuyệt vời khi môi trường làm việc của bạn có sẵn các thiết bị chơi game thực tế ảo. Nhưng lời khuyên của tôi là đừng chơi nó nếu như sếp hay đồng nghiệp của bạn đang ngồi gần đó. Bạn không biết trường hợp đó khó xử như nào đâu.

Trong đoạn video trên, một cô gái khi đang trải nghiệm thiết bị Vive, và ngồi gần đó là sếp của cô. Lẽ dĩ nhiên thiết bị sẽ cảnh báo khi có một chướng ngại vật nào đó ở gần, nhưng cô gái đã bỏ qua cảnh báo đó. Cuối cùng sếp của cô bị ăn ngay một phát chí mạng thẳng vào đầu. Dù đau đớn nhưng cả 2 cũng chỉ còn cách cười trừ cho qua mà thôi.

Cho bạn chơi game VR và cái kết mua TV mới

Khi sở hữu một thiết bị chơi game VR, chắc chắn bạn sẽ muốn giới thiệu nó cho bạn bè thân thiết của mình. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn của bạn có thể xử lý tình huống tốt. Không như câu chuyện của Youtuber Lodum.

Anh đã cho bạn của mình được trải nghiệm game VR kinh dị lần đầu tiên, và Lorum cũng đã đặt sẵn camera để thu lại những khoảnh khắc hài hước. Cuối cùng, người bạn của anh do quá sợ hãi nên đã bỏ chạy (cũng giống bất cứ ai chơi VR lần đầu). Và thay vì chạy về hướng có ghế, hướng tường, bạn của Lorum lại chạy ngược về hướng đằng sau, nơi đang đặt một chiếc TV đắt tiền.

Hãy chắc chắn bên dưới mình không có chiếc bàn nào khi chơi Beat Saber

Beat Saber là một trong những game VR âm nhạc rất được ưa thích trong năm 2018. Trong game, người chơi sẽ sử dụng 2 chiếc tay cầm để giả lập 2 thanh kiếm ánh sáng Lightsaber. Sau đó chém các khối hộp theo hướng mũi tên và theo nhịp của bài hát đã chọn.

Tuy nhiên, mọi chuyện không được vui vẻ gì với Youtuber Meatwagon22 khi đang livestream tựa game này. Do quá phấn khích để đạt được điểm cao, anh đã có một pha chém xuống và đập cả bàn tay xuống chiếc bàn ở dưới rất mạnh. Tiếng va đập giữa xương tay của anh với bàn nghe rất to và rõ, khiến người xem cũng cảm thấy “thốn” hộ.

Trường hợp của anh lại càng khẳng định rằng tốt nhất là game thủ nên trải nghiệm game VR trong một không gian xung quanh mình phải thực sự trống trải.

Game thủ phải chắc chắn rằng cả không gian bên trên cũng phải trống trải

Ngay cả khi đã chắc chắn rằng căn phòng của mình đã được dọn sạch sẽ xung quanh, chuẩn bị cho những pha chơi game VR đầy thú vị, bạn cũng nên đừng quên kiểm tra cả trên trần nhà nữa. Mặc dù trường hợp này ít xảy ra hơn, nhưng đối với những căn phòng nhỏ hẹp, hay có một căn gác lửng nhỏ, bạn vẫn nên chú ý.

Giống như trường hợp của Mark Fischbach, người đang sở hữu kênh Youtube Markiplier với hơn 23 triệu lượt sub. Trong một đoạn clip anh chơi Tennis VR, khi chuẩn bị tung ra một cú đánh trả, Mark đã nhảy lên và vô tình vung tay trúng vào trần của căn phòng và anh đã phải gào lên như mèo Tom bị đứt đuôi.

Vậy mới thấy không gian trải nghiệm có ảnh hưởng như nào tới việc chơi các tựa game VR. Mặc dù công nghệ chơi game này rất thú vị, nó cũng có cảnh báo cho người chơi về chướng ngại vật xung quanh nhưng có lẽ chừng đó là chưa đủ. Chúng ta hãy hi vọng rằng tương lai, các hãng sản xuất sẽ phát triển ra một cách nào đó để giảm thiểu được những va chạm “hết lực” do hạn chế không gian này xuống mức tối đa trên các thiết bị chơi game VR.