Những tựa game bắt nhân vật chính chết thảm trong bad ending – P.4 - PC/Console

Có NSX rất hạn chế mô tả cảnh chết thảm của người chơi trong bad ending như TLOU thế nhưng cũng có những kẻ lại cho đó là điều không nên cấm cản.

Bị đâm tới chết trong bad ending Outlast 2 là một trải nghiệm rất “lạ”

Khi nhắc đến các tựa game kinh dị nổi tiếng thì kiểu gì Outlast cũng sẽ được nhớ đến bởi lối chơi đầy ức chế của nó khi méo cung cấp cho bạn thứ gì để chống lại đám bệnh nhân điên khùng đang bị Walrider điều khiển. Tất nhiên phi vụ ức chế trong game kinh dị vì chỉ có thể cong đít chạy từng xuất hiện trong Clock Tower hay Haunted House nhưng không khí khủng bố của Outlast đã nâng thể loại đặc thù này lên một tầm cao hoàn toàn mới và biến nó thành một huyền thoại trong lĩnh vực hù dọa người chơi.

Trong Outlast 2 người chơi sẽ hóa thân thành một nhà báo ưa chõ mũi vào chuyện của thiên hạ, một trong những hậu quả đó chính là cuộc tham hiểm kinh hoàng tại nhà thương điên. Chiếc camera cầm tay chính là vũ khí và người chơi sẽ chiến thắng khi truy tìm và công bố được sự thật bị ẩn giấu tại trung tâm nghiên cứu trá hình, chứ không phải đặt bom khiến nó nổ tung như Commando hay xách tiểu liên xả như mưa giống Rambo.

Nhưng cái vinh quang này không phải là không cần trả giá, đặc biệt là khi tay nhà báo tự do bị đối thủ dồn vào chân tường. Như ví dụ cụ thể trong đoạn clip ở trên, khi Blake bị đám thành viên cuồng tín đánh bại, khi đó với góc nhìn thứ nhất bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn sự kinh hoàng khi bị bọn điêu dân này đâm chém đến chết. Đám điêu dân này tin rằng vợ của nhân vật chính đang mang trong mình bào thai của Kẻ Phản Chúa và thờ phụng nó vậy tại sao lại đối xử với ông già của nó độc ác như vậy?

Cảm nhận từng chiếc gai của Iron Maiden trong Resident Evil 4

Ai thích nhạc rock heavy metal hẳn nghe qua tên của ban nhạc Iron Maiden và bạn có biết ban nhạc này đang khởi kiện NSX 3D Realms bởi vì tựa game có tên… Ion Maiden hay không? Nhưng mà thôi nào, nhóm Iron Maiden chắc chắn không phải là người phát minh là danh từ mà họ dùng làm tên gọi của ban nhạc bởi thiết cô, trinh nữ sắt hay Iron Maiden là một dụng cụ tra tấn hãi hùng có từ thời Trung cổ. Một số tài liệu cho rằng, hình cụ này từng được sử dụng ở một số nước châu Âu. Hình dáng của trinh nữ sắt khiến nhiều người chú ý khi nó được tạo ra với hình hài một trinh nữ.

Dụng cụ tra tấn này được thiết kế bên trong rỗng như một buồng nhỏ, phía trước trinh nữ sắt có nắp đậy với mặt trong được bao phủ đầy gai nhọn. Trinh nữ sắt được người xưa tạo ra chỉ đủ chỗ cho một người ở bên trong. Khi bị tra tấn bằng trinh nữ sắt thì nữ phạm nhân sẽ không thể cử động vì gai nhọn làm từ sắt liên tục đâm vào cơ thể. Để tăng thêm mức độ đau đớn cho phạm nhân, người ta còn có thể đâm xuyên các cọc nhọn bằng sắt vào bên trong trinh nữ sắt. Hậu quả là phạm nhân chịu nỗi đau thể xác tột cùng khi bị các vật nhọn đâm vào cơ thể. Phạm nhân sẽ bị mất máu dần dần trong một khoảng thời gian dài trước khi mất mạng.

Những tựa game bắt nhân vật chính chết thảm trong bad ending – P.3
Những tựa game bắt nhân vật chính chết thảm trong bad ending – P.3
Một số bad ending trong game chỉ khiến cốt truyện rẽ nhánh, số khác lại khiến người chơi game over ngay tắp lự với cái kết cực thảm dành cho nhân vật chính.

Theo đó, phạm nhân không chỉ chịu nỗi đau về mặt thể xác mà còn bị tra tấn về cả tâm lý khi bị dùng hình trong thời gian dài trước khi tử vong. Trong RE4, Leon cũng phải đối mặt với Iron Maiden nhưng đây là một con quái vật còn sống chứ không phải dụng cụ tra tấn. Có điều nếu game thủ thất bại trong cuộc chiến với con quái này, nhân vật chính sẽ bị Iron Maiden tóm lấy và ép sát vào thân thể vốn mọc đầy những chiếc gai tua tủa. Khi gặp Iron Maiden một là thịt nó ngay lập tức còn không hãy chuồn lẹ nếu không muốn chết cực thảm, còn nếu bạn yếu mà vẫn thích ra gió thì tốt thôi, máu me đầy đất, cơ thể nát tan là những gì đang chờ đợi.

Zeus chẻ sọ Kratos làm đôi một cách nhuần nhuyễn trong GOW2

Nếu đã quen với phiên bản ra mắt năm 2018, bạn sẽ có một cảm giác là kỳ lạ khi trải nghiệm lại ba phần đâu tiên của sê-ri này, khi gã trọc còn đắm chìm trong cơn cuồng nộ vô tận, thái độ thì cục súc và khao khát trả thù bất chấp tất cả. Tuy nhiên dù gì thì bạn cũng nên chơi lại ba phần God of War đầu tiên, ngay khi thu xếp được thời gian rãnh rỗi bởi chỉ có trải nghiệm xuyên suốt toàn bộ thương hiệu này, người ta mới cảm nhận được sự thay đổi nơi Kratos là đáng quý thế nào.

Trong phiên bản chính thức thứ 4, dù hắn tỏ ra lạnh lùng và nếu xét về mặt ngôn ngữ thì phần nào đó là sự thiếu quan tâm đến Atreus nhưng nếu chơi xong ba phần trước, ai cũng biết trái tim của Kratos nay đã dịu dàng hơn những ngày đi đồ sát thần linh trên đỉnh Olympus nhiều lắm. Giết chóc thành tính, chiến đấu liên miên, cũng chính vì đẩy bản thân đến cực hạn khi tham chiến liên tục, không ít lần Kratos phải bỏ mạng khi người chơi không xử lý kịp những tình huống đòi hỏi thao tác QTE nhanh.

Trận chiến với ông già Zeus vào cuối God of War 2 là một ví dụ tương đối sinh động của việc tay không (bấm) nhanh như não. Khi gặp nhau lần cuối, Kratos yêu cầu ông già của mình giải phóng hắn khỏi những dằn vặt bởi bóng ma của tội lỗi trong quá khứ thế nhưng ông già quyết định chơi lầy khi tính cầm Blade of Olympus úp sọt thằng con trời đánh. Lúc này QTE sẽ hiện lên và nếu người chơi thông qua hết sẽ là màn đánh trùm cuối, còn nhỡ có trật tay thì cũng dễ xử thôi bởi đầu của Kratos sẽ bị chẻ làm đôi theo một tỉ lệ vô cùng cân đối. Khi đó trò chơi kết thúc và gã trọc lại phải gặp mặt ông già của hắn trong lần load game tiếp theo.

Chết theo 1001 kiểu trong cơn ác mộng vô tận của Catherine

Catherine là một trò chơi tương đối quái đản bởi dù có gắn tag kinh dị thế nhưng kiểu gì khi chơi game người ta cũng sẽ nhanh chóng bị xao nhãng khỏi cảm giác kinh dị trước mấy con ghệ quá nóng bỏng của trò chơi. Thậm chí khi trải nghiệm trò chơi đủ lâu và dần chai sạn trước mấy trò rượt đuổi của đám ác quỷ trong giấc mơ, người ta còn cảm thấy Catherine giống một game hẹn hò ảo hơn là cái mác kinh dị xen lẫn giải đố được gắn trên bìa đĩa.

Tất nhiên dù phai nhạt cỡ nào bởi sự nóng bỏng của mấy con ghệ thì yếu tố kinh dị trong game vẫn còn đó bởi nhân vật chính Vincent sẽ chết cực thảm nếu không vượt qua màn thử thách giải đố và chạy đua cùng thời gian trong mê cung ác mộng. Xem qua đoạn video ở trên chúng ta sẽ thấy Vincent cần vượt qua một mê cung theo chiều thẳng đứng với hàng đống khối vuông chồng chất lên nhau. Độ khó của game càng tăng cao khi song song với tiết mục giải đố là màn rượt đuổi không khoan nhượng của con ác quỷ cứ bám riết ở bên dưới.

Để thoát khỏi mê cung, Vincent cần trèo lên đến đỉnh của mớ khối vuông hỗn độn đó và người chơi sẽ lựa chọn giải quyết bài tooán di chuyển cũng như sắp xếp hình khối thế nào cho nhanh chóng và tiện lợi nhất. Nói thì đơn giản nhưng việc có một con quỷ khổng lồ đang đuổi sát bên dưới sẽ khiến bạn khó mà tập trung để giải đố một cách hoàn hảo. Bên cạnh đó các khối vuông cũng cần có một điểm tựa để tồn tại nếu người chơi xếp sai vị trí chúng sẽ đổ sập và giết Vincent ngay tức khắc. Nhìn chung thì bài học mà Catherine muốn chỉ ra cho chúng ta đó là nếu muốn sống lâu thì đừng có chơi trò bắt cá hai tay.

Thất bại khi đối đầu với bloater trong The Last of US

Bloater là hình thái cuối cùng của dịch bệnh. Đây là hình thái khá hiếm vì chúng phải mất hơn 10 năm để tiến hóa. Lúc này khuẩn nấm ký sinh phá hủy não bộ của người bệnh và ký sinh nấm khắp nơi trên cơ thể vật chủ. Bước này tạo ra trên cơ thể Bloater một bộ giáp tự nhiên cực kỳ rắn chắc khiến chúng trở nên bất khả chiến bại. Cũng giống như Clicker, chủng Bloater định vị con mồi bằng âm thanh và sẽ khóa chặt con mồi bằng cách siết chặt, chưa kể chủng quái vật này còn có khả năng phun ra lượng khí độc hình thành từ nấm từ xa.

Rất may cho người chơi là loại quái vật này di chuyển khá chậm và chúng ta chỉ chạm trán chúng một vài lần trong trò chơi. Càng may mắn hơn khi khác với The Walking Dead hay Resident Evil,The Last of US không quá chú trọng miêu tả cảnh tượng người chơi bị hành quyết khi đối đầu với bọn biến dị. Nếu Claire Redfield hay Lee Everett thường bị mô tả kiểu chết rất thảm thiết khi thất bại trong cuộc đối đầu với bọn zombie như cắt nát cuống họng, cắn đứt chân tay hay lâu lâu là một quả bonus ruột gan phèo phổi lòng thòng vương vãi khắp nơi thì Naughty Dog lại tiết chế vụ máu me đó bằng cách ít khi cố gắng miêu tả quá trình lìa đời của nhân vật dưới bàn tay của bọn biến dị.

Trong clip ở trên, chúng ta có thể thấy Joel đã thất bại trong cuộc vật lộn tay đôi với một con bloater nhưng hình ảnh chỉ dừng lại ở thời điểm hai bàn tay của con quái chạm vào mắt và miệng của hắn sau đó là chuyển cảnh. Tất nhiên The Last of US là một game dán nhãn M nên chỉ cần xem nhiêu đó ai cũng hiểu được kết cục bi thảm của Joel khi bị xé xác rồi.