Bất kỳ nhà phát hành game nào đều mong muốn sản phẩm trò chơi của mình khi ra mắt đều sẽ được các game thủ đón nhận và yêu thích.Nhưng việc làm game chưa bao giờ là dễ dàng và thị hiếu của người chơi thì không phải lúc nào cũng dễ nắm bắt. Có những game bom tấn được đầu tư khá kỹ lưỡng về cả mặt hình ảnh, âm thanh cũng như đội ngũ sáng tạo hùng hậu thì lại không được yêu thích, thậm chí là nhận về toàn phản hồi tiêu cực. Có những game nhà phát hành chỉ đầu tư ở mức vừa phải thì bất ngờ lại được sự quan tâm và trở thành game “hot”. Hay những game thậm chí còn khá là nhảm nhí và lúc mới ra thì chả ai thèm chơi, nhưng một thời gian sau lại hot trở lại mà chẳng ai hiểu lý do. Tóm lại, gu của gamer thì luôn thay đổi chính bản thân họ cũng chả thể hiểu được.Chính vì thế mà hôm nay Mọt tui sẽ giới thiệu cho anh em những game lúc mới ra mắt thì bị “flop sml” nhưng sau đó bằng một cách ma xui quỷ khiến nào đó, đột ngột lại trở nên hot đến bỏng cả tay.
Okami
Okami được phát hành lần đầu vào năm 2006, độc quyền trên PS2. Mặc dù được phát hành lần đầu từ khá lâu nhưng nhiều người chơi thậm chí cũng không biết đến sự tồn tại của tựa game này. Lần đầu ra mắt, Okami tuy được đánh giá rất cao bởi giới chuyên môn nhưng lại thất bại về mặt thương mại, game chỉ bán được 600.000 đĩa trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2006.
Game là cuộc phiêu lưu của nữ thần mặt trời Amaterasu dưới hình hài của một con sói trắng. Người chơi phải giúp Amaterasu trong việc tìm lại các “nét vẽ thần thánh” Celestial Brush và chiến đấu với quỷ xà vương tám đầu Orochi. Okami được đánh giá ban đầu là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Đồ họa game là những nét vẽ “tranh thủy mặc” độc đáo đậm chất Nhật Bản mà bạn không thể tìm thấy ở bất kì game nào khác.Trò chơi có gần như đầy đủ mọi điểm tiềm năng để có thể trở thành một bom tấn, từ đồ họa độc đáo, gameplay hấp dẫn, cốt truyện thú vị cùng với phần nhạc nền mang đậm âm hưởng Nhật Bản.
Mặc dù được giới phê bình khen ngợi rất nhiều về mặt hình ảnh và gameplay nhưng khi ra mắt, Okami đã gặp phải những vấn đề phát sinh tưởng chừng từ chính điểm mạnh của mình.Đồ họa của Okami tuy là yếu tố tạo sự ấn tượng lớn nhất trong trải nghiệm nhưng lại gây ra trở ngại rất nhiều cho người chơi khi không phải ai cũng thích phong cách hội họa này. Hơn nữa, những hình ảnh rực rỡ sắc màu này lại gây rối mắt và cảm giác mờ nhòe khá khó chịu khi nhân vật di chuyển. Nếu chơi game trong thời gian dài rất dễ bị chóng mặt. Một điểm trừ nữa là game có cốt truyện diễn ra khá chậm đến mức..dễ gây buồn ngủ.Cái hào hứng trải nghiệm game sẽ dễ bị bóp chết ngay từ đầu khi bạn phải mất tận 30 phút để hiểu qua về cốt truyện được giới thiệu đầu game. Mọt tui cũng nghĩ thêm một lý do khiến Okami không “hot” tại thời điểm ra mắt là game chỉ độc quyền trên PS2, khá khó để tiếp cận đến người chơi.
Rất may là sau đó game được chuyển hệ lên nền tảng Wii và PS3, và sau đó là phiên bản remastered cho PS4. Bỏ qua những điểm yếu trước đó, nhà phát hành đã khắc phục và làm cho game tiếp cận người chơi tốt hơn.Chính vì vậy mà không có lý do nào để game thủ từ chối một game cực kì hấp dẫn như Okami.Và sự hùng mạnh của cộng đồng yêu thích văn hóa Nhật Bản đã một lần nữa đưa Okami trở lại khi Steam phát hành ra bản Okami HD.Nếu có cơ hội, bạn hãy thử trải nghiệm Okami với đất nước Nhật Bản kỳ diệu trên nền nhạc du dương với nàng sói Ammy dũng mãnh.
Game Fahrenheit – Indigo Prophecy
Cái mà khiến Mọt tui tiếc nuối nhất cho tựa game nào là sự ra mắt “sai người, sai thời điểm”. Fahrenheit (Indigo Prophecy tại thị trường Mỹ) ra mắt vào năm 2005 và thực sự là một thứ gì đó rất mới lạ trong thị trường game khi có cơ chế game mà chưa game nào có: kể chuyện mang tính tương tác (interactive storytelling). Nếu ra mắt vào hiện nay thì chắc hẳn game đã được đón nhận nhiệt liệt khi đã có quá nhiều bom tấn trong dòng game tương tác này như:The Last of Us, The Walking Dead, The Witcher 3,.. đều đã trở thành bom tấn. Và lượng fan hâm mộ của dòng game tương tác này hiện tại có số lượng khá đông, sẽ chẳng có lý do gì khiến Fahrenheit – Indigo Prophecy bị “flop” như thời điểm năm 2005 cả.
Game được lấy bối cảnh tại New York, mùa đông năm 2009.Bạn sẽ được điều khiển tận 3 nhân vật để điều tra khám phá những vụ án giết người. Indigo Prophecy mang đậm phong cách thể loại game giải đố nhập vai, đa phần là những thử thách Quick Time Event và đậm chất phim tương tác.Những tương tác mà bạn lựa chọn sẽ mang lại những kết quả khác nhau. Có thể nói Indigo Prophecy chính là một thước phim điện ảnh mà ở đó người chơi có thể quyết định số phận, kết cục của chính mình. Những chi tiết tương tác làm cho người chơi có thể trải nghiệm game sống động hơn bao giờ hết. Về đồ họa hay âm nhạc của Indigo Prophecy cũng khó có gì để chê vào thời điểm đó.Đặc biệt game còn cung cấp tới 4 góc nhìn của camera cho người chơi nhập vai tốt hơn.
Những gì đi đầu chưa hẳn là đã tốt và Indigo Prophecy chính là một minh chứng rõ ràng nhất.Sở hữu cốt truyện tốt, đồ họa,âm nhạc ổn, lối chơi hấp dẫn nhưng vào thời điểm mà con người ta đang quen thuộc với những game “point and click” lúc bấy giờ thì Indigo Prophecy thực sự là một làn gió quá mới mẻ. Vì lẽ đó mà hầu hết game thủ đều tỏ ra bối rối với cơ chế trong game, và vì thế nên doanh số của Fahrenheit cũng không mấy khả quan.Sau này khi game tương tác đã phổ biến hơn, Fahrenheit – Indigo Prophecy cũng được nhiều game thủ tìm đến hơn và hot trở lại khi xuất hiện trên Steam
Enslaved: Odyssey To The West
Khi Black Myth: Wukong đang được bàn tán xôn xao dạo gần đây và hứa hẹn về một bom tấn sắp ra mắt thì Mọt tui lại nhớ về một tựa game cũng lấy đề tài về Tây Du Ký: Enslaved: Odyssey To The West. Trước khi ra mắt Enslaved: Odyssey To The West đã được sự chờ đợi của rất nhiều game thủ vì đề tài thầy trò Đường Tăng chưa bao giờ giảm nhiệt tại các nước phương Đông.Bên cạnh đó, game còn được đầu tư rất nhiều về mặt kĩ xảo motion-capture và kịch bản. Gameplay của Enslaved: Odyssey to the West thuộc thể loại Tactical Action Adventure, tức là ngay cả những pha hành động, đánh đấm “chân tay” nhất của game cũng đòi hỏi người chơi phải khôn khéo chọn thời điểm tấn công cũng như tính toán trước khi ra một chuỗi đòn tiếp theo. Hứa hẹn mà Enslaved: Odyssey to the West mang lại là một tựa game chiến thuật xuất sắc.
Nghe thì có vẻ đầy hứa hẹn nhưng những yếu tố đổi này vẫn chưa đạt được độ chín cần thiết để trở thành một sản phẩm 5 sao.Từng chi tiết đơn lẻ trong hệ thống chiến đấu và leo trèo của game đều chưa đạt tới một chiều sâu cần thiết. Chúng rời rạc tới mức khi bạn vừa làm quen được với hệ thống này để không còn cảm thấy bỡ ngỡ thì game đã chỉ còn một nửa nội dung.Thậm chí game còn không có một cái kết hoàn chỉnh, thử nghĩ mà xem, bạn cày từ đầu đến cuối là muốn tìm hiểu cốt truyện game thì lại nhận được cái kết lửng lơ đầy ức chế.
Xét cho cùng, Enslaved: Odyssey to the West là một tựa game khá đáng chơi lại chưa được đầu tư một cách chỉn chu. Cho đến khi những tựa game khác về đề tài Tây Du Ký lần lượt ra mắt thì người ta mới tìm đến Enslaved: Odyssey to the West và trải nghiệm nó nhiều hơn.
Demon’s Souls
Nếu là fan của dòng game “Souls-like” thì sẽ rất tiếc nếu anh em không biết đến Demon’s Souls vì nó chính là tiền thân của bom tấn đình đám Dark Souls. Demon’s Souls là tựa game được FromSoftware tung ra vào năm 2009 trên hệ máy PS3, và là tựa game khơi mào cho sự thành công của các phiên bản Dark Souls sau đó.Demon’s Souls lấy bối cảnh tại Boletaria, một vương quốc bị hủy diệt bởi thứ bóng tối gọi là Old One. Người chơi sẽ vào vai một vị anh hùng đến Boletaria để giết vua Allant sa ngã và lấy lại hòa bình cho Old One. Trò chơi đưa đến năm thế giới khác nhau từ một trung tâm gọi là Nexus, với cơ chế chiến đấu khó nhằn cộng với sự chết đi và hồi sinh liên tục của người chơi sẽ kích hoạt hình phạt.
Thật không may là Demon’s Souls không bán chạy như mong đợi của FromSoftware, đặc biệt là khi thị trường còn chưa quen với những tựa game khó khủng khiếp.Demon’s Souls nổi bật nhờ có độ khó cực kì cao, không có cơ chế hướng dẫn chơi và cốt truyện cũng khó mà bám sát được.Bên cạnh đó những ý tưởng hay nhưng còn khá lúng túng, chưa được đánh bóng kỹ càng vẫn còn tồn tại trong game. Điều này khiến ông Hidetaka Miyazaki, giám đốc studio FromSoftware nói rằng họ không có hứng thú với việc làm lại trò chơi này.
Rất may là sau đó, những game cơ chế dễ không còn làm thỏa mãn game thủ, và họ tìm đến Demon’s Souls như một điều tất yếu và rồi nhận ra là bản thân đã bỏ qua một bom tấn.Demon’s Souls dần dần lấy lại được tiếng tăm mà nó vốn có tại thị trường Mỹ và châu Âu.Namco đã nhanh chóng nhận ra được điều này và quyết định phát hành game của From Software, cụ thể là với series Dark Souls ra mắt sau đó đã được game thủ công nhận và yêu thích.
Among Us
Rất thiếu sót nếu không có mặt bom tấn đang hot hiện nay trong danh sách này. Game được ra mắt vào 17/11/2018 nhưng dạo gần đây đột nhiên tăng nhiệt do hàng loạt streamer nổi tiếng đều chơi game này.Thời mới ra mắt, Among Us thậm chí còn bị ghẻ lạnh tới mức người chơi không thể tìm nổi bạn online để có thể tìm trận vì số người chơi ít ỏi đến đáng thương.
Among Us là một game online, người chơi có thể tìm trận với 4 đến 10 người khác.Game play của Among Us cực kì đơn giản, tất cả người chơi vào vai một phi hành đoàn cố gắng sống sót trong vũ trụ. Một trong các đồng đội sẽ là “kẻ giả mạo”, bị lây nhiễm bởi sinh vật hành tinh, hắn có thể biến đổi hình dạng với mục tiêu lừa gạt và giết hết mọi người trên tàu.Nhiệm vụ của các người chơi còn lại sẽ là suy luận, loại bỏ thông tin nhiễu, đưa ra quyết định chính xác, tìm ra kẻ giả mạo và cố gắng sống sót. Lối chơi này gợi cho người ta nghĩ đến những board game như Mafia hay Ma sói.
Bạn đầu chẳng ai thấy được tiềm năng của Among Us, nhưng tới khi các streamer đưa chúng tiếp cận với game thủ hơn thì game đã thực sự trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Đồ họa không quá cầu kì nhưng lại cực kì dễ thương cùng với lối chơi “tấu hài” đã đưa Among Us lên trending.Người chơi có thể chơi cùng bạn bè, người thân, thậm chí là những người xa lạ ở bên kia quả địa cầu. Việc phải lựa chọn ai là kẻ tình nghi và những người bị lựa chọn cố gắng chứng minh bản thân vô tội đã mang lại tiếng cười cho bất kì người chơi Among Us nào.Game thực sự là một cách xả stress cực tốt và đến bản thân Mọt tui cũng bị cuốn vào mà vẫn không hiểu rõ lý do thực sự là gì.
Tổng kết
Mỗi con game ra mắt đều được nhà phát hành gửi gắm tâm huyết và sự nỗ lực không hề nhỏ nhưng không phải con game nào cũng được người chơi đón nhận. Có khi chỉ vì đồ họa không được đẹp, âm nhạc chưa được hay, lối chơi quá khó hay quá dễ,…Không ai có thể đảm bảo mình sẽ làm hài lòng tất cả yêu cầu của mọi người được.Tuy vậy, mỗi game đều sẽ có những điều đặc biệt và thu hút riêng và sẽ cần thời gian để khẳng định tên tuổi. Đừng vội chán khi con game bạn đánh giá cao lại bị người khác chê là chán, vì rất có thể chỉ sau một đêm ngủ dậy, bạn sẽ thấy tên nó chễm chệ trên top Game trending.