Nói là như vậy ấy thế nhưng các bạn đừng nghĩ tựa game nào được bán trên Steam cũng có giá “hạt dẻ” nhé. Thực tế, có một số tựa game rất đắt, một số thì còn hơi hơi có lí bởi được giới phê bình đánh giá cao, đầu tư lớn với lượng nội dung DLC “ăn thêm” nhiều đến mức các bạn khó lòng nhìn thấy hết chúng được. Một số thì lại là những cái tên nhỏ mà í tai có thể lí giải được tại sao chúng đắt kinh khủng đến mức phi lý như vậy.
Dù thế nào đi nữa thì có lẽ chỉ có các game thủ đại gia mới đủ tiền để thưởng thức chọn vẹn những tựa game dưới đây mà thôi. Nhưng ăn kiêng đâu có nghĩa là không được xem thực đơn các bạn nhỉ?
1/ Emission VR với mức giá như một quả đấm thôi sơn (2.300.000 VND)
Những tựa game VR (Virtual Reality – Thực tế ảo) thường có mức giá “nặng nề” hơn những tựa game không VR bởi đặc thù game VR cần nhiều đầu tư về mặt hình ảnh kỹ thuật hơn mà lượng người chơi thì vẫn còn hạn chế so với các loại máy chơi game khác. Mà thường các game thủ đã chịu chi ra cả vài trăm đô để trải nghiệm “của lạ” thì cũng không quá tiếc gì mấy khi bỏ ra thêm trăm đô nữa để trải nghiệm cho nó bõ.
Ấy thế nhưng bỏ tiền ra cho Emission VR thì lại là một việc có vẻ hơi bị “thiếu hiểu biết”.
Với ấn tượng ban đầu thì tựa game săn zombie này trông có vẻ cũng khá là ghê rợn: Mò mẫm qua các khúc quanh tăm tối và cố không phát hoảng lên khi tìm cách headshot vài con zombie một lúc với số đạn ít ỏi mà mình đang có. Tuy nhiên, cái giá tới 75 bảng của nó lố bịch là bởi nhà phát triển game đã… bỏ rơi tựa game này từ lâu rồi. Ấy thế nhưng sau đó giá game không những giảm mà còn… tăng cao lên đáng kể, một động thái làm dấy nên sự bàn tán không ngớt trên trang cộng đồng Steam rằng liệu có phải hù game thủ trong game chưa được trọn vẹn nên nhà phát triển tính hù luôn game thủ ở… ngoài game luôn hay không.
Mà nếu bạn muốn một trải nghiệm bắn zombie tử tế thì hãy chơi Left 4 Dead 2 ấy, rẻ hơn rõ nhiều mà chơi hay hơn bao nhiêu
2/ Crusader Kings II – Chắc phải là một ông vua thực thụ mới đủ tiền đi hết được cuộc Thập tự chinh này (7.000.000 VND)
Paradox Interactive là một studio luôn được các game thủ kì cựu biết đến như là một studio tên tuổi có thâm niên đáng kể trong việc sản sinh ra những tựa game chiến thuật đầy chất lượng, chiều sâu đến mức… hại não như Europa Universalis, Hearts of Iron… Bất chấp việc các studio, hãng game ồ ạt theo đuổi những tựa game “đơn giản” hơn để có thể ra mắt trên đa nền tảng với nhiều game thủ chịu mua hơn. Điều đó khiến cho những tựa game này, dù không quá nổi nhưng lại có một lượng fan trung thành vô cùng cứng cựa sẵn sàng mua mọi sản phẩm đến từ Paradox Interactive.
Và tựa game giàu nội dung nhất ắt phải là Crusader Kings II, một tựa game chiến thuật đồ sộ đưa bạn vào vai trò dẫn dắt một triều đại đương thời qua hàng trăm năm biến động với những cuộc viễn chinh vĩ đại, các cuộc hôn nhân chính trị và những pha phản bội gây sốc để trở thành một gia tộc quyền lực trong lịch sử.
Nghe có vẻ giống Game of Thrones ra phết nhỉ? Đúng chính xác là như vậy đó. Mà không chỉ giống đâu mà nó còn chính là Game of Thrones luôn với một bản mod không chính thức nhưng vô cùng hoàn thiện từ các game thủ. Không chỉ đa dạng các bản mod khác nhau, chính Studio Paradox vẫn đang liên tục nuôi dưỡng sức sống cho tựa game kinh điển này với các gói nội dung mới được ra đều đặn dù đã 6 năm kể từ khi game ra mắt.
Các gói nội dung này rất đa dạng, từ các gói nội dung độc lập như một bản mở rộng cho tới các nội dung thêm bổ sung các phe phái mới, quốc gia mới, lãnh tụ mới và các vật phẩm mới có khả năng xoay chuyển cuộc chơi nữa. Và nếu muốn sở hữu tất cả các nội dung chính thức đến từ studio Paradox Interactive tính đến giờ phút này, các bạn có thể mua gói game trị giá 300 USD trên Steam. Nhưng thực sự, đây là một trải nghiệm đắt mà xắt ra miếng đó.
3/ CrisisActionVR – Một đống phế phẩm đắt đỏ (4.580.000 VND)
“Nắm lấy sức mạnh và mới bạn bè của bạn đến với thế giới VR kì vĩ! Tại đây chúng tôi mang đến một cuộc phiêu lưu thực tế ảo của chiến trường đạn bay khốc liệt, những thành phố hoang tàn đầy bóng zombie và những chiếc xe tải tốc độ cao.” Đó là lời giới thiệu về CrisisActionVR, tựa game có giá 200 USD trên Steam. Một lời giới thiệu vô cùng hấp dẫn về một tựa game rộng lớn, chất lượng đáng đồng tiền bát gạo.
Nhưng rất tiếc, tất cả chỉ là sự lừa tình, dù trước khi ra mắt, các nhà phát triển hứa hẹn rằng CrisisActionVR được định hướng để trở thành một tựa game eSport đầu tiên trên VR. Nhưng khi ra mắt, game mới lộ ra cái sự sơ sài, cẩu thả của nó và không lâu sau đã bốc đầy mùi của một tựa game bị bỏ quên rồi. Vì lẽ đó nên nếu bạn nhìn qua mục Review cho tựa game này sẽ thấy đầy những lời la ó kêu ca có kèm video gameplay, những đoạn video mà bạn nên xem cho kĩ trước khi bỏ tiền ra mua tựa game này.
4/ The Sims 3 – Mô phỏng cuộc sống ảo nhưng tốn cả đống tiền thật (9.214.800 VND)
Series The Sims như thể một thứ phép màu đặc biệt của thế giới game vậy, mỗi phiên bản ra mắt lại thành một cú hit to lớn với các gói nội dung thú vị được đầu tư cao làm tiền chảy đều đều và đội ngũ phát triển. Âu cũng là bởi đây là một tựa game lấy đề tài mô phỏng cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ khai thác đến đời nào cho hết.
Chính vì vậy nên thành thử ra dù phiên bản mới nhất là The Sims 4 nhưng các game thủ trên Steam có vẻ vẫn chuộng The Sims 3 với… 19 bản mở rộng của nó hơn. Và để sở hữu khối lượng giải trí to lớn đó, bạn sẽ tốn tổng cộng khoảng 400 USD. Nhưng nếu chưa muốn mua cả một nùi game như vậy thì bạn hoàn toàn vẫn có thể chọn ra những bản mở rộng mà bạn thấy có vẻ ưa thích nhất trước khi quyết định mua số còn lại.
5/ Command: Modern Air/Naval Operations – Trải nghiệm làm tướng lãnh tột cùng chân thực (1.850.000 VND , hiện đang sale còn 208.000 VNĐ cho bản WOTY)
Ở nước ngoài, người ta có cách nói ví von “Armchair General”, tạm dịch Tướng quân Bàn giấy để chỉ các kiểu thanh niên luôn tỏ ra am hiểu về các vấn đề quân sự nhưng thực tế chả có tí kiến thức chiến đấu thực tế nào cả. Nếu bạn muốn vượt lên trên cái sự ví von đó dù không có cơ hội tiếp cận với quân sự thực tế, thì có lẽ Command: Modern Air/Naval Operations , một trong những tựa game không VR đắt đỏ nhất trên Steam chính là thứ bạn cần, có cái là để sở hữu bản game gốc bạn đã cần khoảng 79,99 USD rồi đấy.
Tuy nhiên, khi đã vượt qua rào cản về giá cả thì bạn sẽ có thể trải nghiệm một trong những trình giả lập quân sự thực tế và phức tạp nhất từ trước đến giờ.
Xin đừng nhầm lẫn chân thực tức là có đồ họa bóng bẩy, chi tiết như thể bứng ra từ đời thực, mà đây là sự chân thực về thực tế tác chiến của một vị chỉ huy, của một ông tướng có trọng trách chỉ tay năm ngón trong phòng chiến lược mà làm nên chuyện lớn. Đó là những màn hình sa bàn với các đơn vị quân dạng kí hiệu như thể màn hình máy tính thời win 98 vậy. Một sự chân thực đến cùng cực không bóng bẩy, tô vẽ nhưng truyền tải cả đống rất nhiều thông tin bên dưới sự chân thực đến thô mộc đó. Qua hơn 40 kịch bản tác chiến khác nhau, người chơi có thể ra lệnh, chỉ huy các đơn vị tác chiến qua các thời kì, quốc gia khác nhau như một trận chiến lịch sử thật sự vậy.
Không hề có các pha headshot không ống ngắm, không highlight nhào lộn, không double kill, triple kill, penta kill… Mà đây là một tựa game đòi hỏi tập trung, tính toán và rất nhiều, rất nhiều tính chiến thuật chứ không phải chỗ cho sự thể hiện kĩ năng cá nhân. Tựa game này dù chỉ có một lượng fan nhỏ thôi nhưng rất trung thành và cái giá 80 USD (cùng kha khá tiền khác cho các nội dung thêm) là hoàn toàn xứng đáng đó các bạn ạ.
6/ Train Simulator 2018 – Hàng ngàn USD để được trải nghiệm lái tàu hỏa (184.280.000 VNĐ)
Nói tới DLC thì thường người ta hay buột miệng công kích Call of Duty ngay lập tức. Nhưng thực ra, series Train Simulator mới nổi tiếng đến tai tiếng nhất về chiêu bài DLC. Bởi cứ khi game này ra mắt là người ta lại cứ phải thường xuyên cập nhật giá của một bản game “đầy đủ”. Các diễn đàn trên Steam liên tục được mở ra xem đã có ai sở hữu hết được đống DLC của tựa game này chưa và ngay cả nhà phát triển của Train Simulator, Dovetail Games, cũng đã giải thích là họ không có ý mong mọi người mua hết số nội dung có thể mua cho Train Simulator 2018.
Vì cũng dễ hiểu thôi, số DLC có cộng tổng lại là có khoảng 450 cái khác nhau và giá cho tất tần tật đống nội dung đó là khoảng hơn 8000 USD.
Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, Train Simulator thực sự là một tựa game mô phỏng lí tưởng cho những game thủ trót đem lòng yêu những chuyến tàu hỏa. Tựa game này sẽ buộc người chơi phải đầu tư cả đống thời gian, chất xám để nghiên cứu, tái tạo cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất của ngành đường sắt. Và các DLC sẽ làm giàu thêm các nội dung đó với các toa tàu, đường ray, loại địa hình… cùng tất cả những thứ gì có thể thêm vào để làm mới mẻ trải nghiệm lái tàu này. Và với số lượng không nhiều những tựa game lấy đề tài tương tự, có lẽ các thánh cuồng lái tàu sẽ không quá tiếc tiền mua hết bản DLC này đến bản DLC khác về để trải nghiệm đâu.
Theo SVG