Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ – P.1 - PC/Console

Trong danh sách các nhà sản xuất nổi tiếng của Mỹ quốc hẳn không cái nên nào vượt qua được Rockstar Games, cả về danh tiếng lẫn tai tiếng.

Trong những ngày đầu tiên, không cần những tuyên bố đao to búa lớn hay các lời đường mật về những điều nằm ngoài tầm tay với, Rockstar Games hành động rất nhẹ nhàng khi cứ thỉnh thoảng lại ra mắt một vài trò chơi và hầu hết chúng đều gây tranh cãi cực lớn. Những thương hiệu tiêu biểu như GTA, Red Dead Redemption hay Bully có chất lượng khá tốt thế nhưng khả năng gây tranh cãi và chia rẽ trong lòng nước Mỹ của chúng lại càng tốt hơn. Cũng từ đó, hễ nhắc đến Rockstar Games người hâm mộ lại cực kỳ phấn khích bởi không biết NSX này sẽ mang đến cho họ điều bất ngờ nào, trong khi đó những kẻ anti bên kia bờ Đại Tây Dương lại lầm bầm cầu nguyện ước gì quỷ Satan hãy lôi bọn này xuống địa ngục cho khuất mắt.

Thực tế thì Rockstar không phải là kẻ đơn độc trong công cuộc cố gắng chứng minh rằng game, giờ đây là là thú vui giải trí dành cho cả người lớn. Chỉ có điều đôi khi sự cấp tiến đã được phô bày quá mức cho phép và hiển nhiên hãng game luôn nhận về những chỉ trích cực lớn cho các xuất phẩm của mình. Đi sâu vào nội dung có thể thấy những thứ khiến Rockstar bị anti chủ yếu xoay quanh các yếu tố như hình ảnh chiến đấu thô bạo trong bối cảnh game ngày càng chân thực, chủ đề sexy không còn ẩn dụ hay ám chỉ mà được phơi bày công khai. Nếu xét trên phạm vi đó thì NSX này đã vô cùng thành công bởi giờ đây, khi trải nghiệm các tựa game nổi tiếng như Grand Theft Auto: San AndreasState of Emergency và Manhunt, người ta sẽ cảm giác không khác biệt gì nếu so với những bộ phim kinh điển của Michael Mann và John Singleton cả.

Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá vĩ đại về nước Mỹ - P.1

Nói một cách ví von các tựa game của Rockstar chẳng khác gì so với với cuộc sống ngoài đời thực, có điều, chúng được giảm nhẹ đi đôi chút nhưng vẫn thừa sức hấp dẫn người ta tìm đến, để trải nghiệm những chuyện mà họ không bao giờ dám thực hiện bên ngoài cuộc sống thật. Khi còn trẻ hay nói chính xác hơn là lúc vừa dậy thì, các nội tiết tố bất ổn trong giai đoạn đó khiến cho tâm tính của đám game thủ dễ xúc động, hậu quả tất yếu của việc đó chính là cảm giác thích chứng tỏ. Khi đó hẳn đa phần trong số chúng ta đều có suy nghĩ hết sức nguy hiểm rằng thuốc lá, cờ bạc lẫn rượu bia không phải là đặc quyền của người lớn và nếu bọn họ có thể sử dụng chúng, tại sao chúng ta lại không được? Đó chính xác là cảm giác mà các sản phẩm do Rockstar sản xuất có thể mang lại cho người chơi và đó cũng chính là lý do vì sao các tựa game của hãng này lại bị ghét đến thế tại nước Mỹ, nơi lúc nào cũng thích cổ vũ cho tự do, dân chủ và khuyến khích sự sáng tạo.

Đỉnh cao của sự hấp dẫn bắt đầu trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, khi Rockstar quyết định nên làm những thứ khiến người ta phải nhắc nhở về nó thậm chí trong 5 hay 10 năm về sau. Đó chính là hai bom tấn Red Dead Redemption, Grand Theft Auto IV. Cả hai trò chơi thoạt nhìn có vẻ rất khác nhau và cũng chẳng có nhiều mối liên quan ngoại trừ các trứng phục sinh được ẩn giấu như những trò khôi hài nhảm nhí. Thế nhưng nếu nghiêm túc ngồi xuống để phân tích, chúng ta sẽ chúng có những điểm trùng hợp rất lạ lùng như về thể loại cả hai đều là game thế giới mở, nơi người ta có thể tùy ý làm những điều mình muốn mà không cần bận tâm về phạm trù đạo đức. Về kỹ thuật hai trò chơi đều được phát triển trên cùng một nền tảng đồ họa, nhân vật chính của hai trò chơi đều là những người đàn ông từng trải qua sóng gió với quá khứ đen tối nhưng quan trọng nhất chính là cả hai đều hướng ánh mắt về Liberty City (GTA IV) và khu vực New Austin (RDR) với hy vọng sẽ tìm được  giấc mơ Mỹ đúng nghĩa – The American Dream.

Rockstar và những tranh cãi xung quanh việc bóp méo lịch sử - P.1
Rockstar và những tranh cãi xung quanh việc bóp méo lịch sử - P.1
Mỗi khi Rockstar phát hành một tựa game mới, giới truyền thông lại nhao nhao lên quan ngại, rằng này giai đoạn lịch sử nào sẽ bị “hạ độc thủ”.

Được hình thành từ nhiều thể tư tưởng phức tạp nhưng chung quy nước Mỹ luôn tồn tại giữa sự tranh đấu của hệ tư tưởng dường như không tương thích với nhau. Hệ tư tưởng thứ nhất là một kiểu giấc mơ Mỹ điển hình khi cho rằng mọi người có thể sống theo cách mà bản thân mong muốn cũng như nắm giữ vận mệnh của chính mình, chỉ cần làm việc thật chăm chỉ và không ngừng cố gắng, cuối cùng mọi người đều sẽ đạt được ước mơ. Trong khi đó tư tưởng thứ hai, chân thực nhưng cũng tàn khốc hơn khi tuyên bố rằng đừng nghĩ rằng có thể sống cuộc đời mà bản thân mong muốn nếu không có đủ điều kiện kinh tế. Rằng những người giàu sẽ ngày một giàu hơn trong khi có làm quần quật 18 tiếng một ngày cho đến chết thì bạn cũng chẳng bao giờ khá nổi. Nếu có người thân hay bạn bè đang sinh sống ở ở xứ cờ hoa, hẳn chúng ta sẽ biết đất nước xa lạ này không tươi đẹp như những gì được vẽ trên bưu thiếp và cuộc sống của mỗi người Mỹ đều sẽ xuất hiện bóng dáng của hai hệ tư tưởng đó. Ít nhất với Mọt tui, đất nước mà ai cũng có thể sở hữu súng một cách hợp pháp thì khó mà an tâm được, bất kỳ lúc nào cũng có thể đóng vai quần chúng trong các vụ xả súng do những kẻ tâm thần hay những người từ stress cuộc sống chuyển sang bùng nổ sẵn tiện có súng trong tay.

Perhaps here… things will be different.

Câu chuyện trong GTV IV chủ yếu xoay quanh Niko Bellic, một gã nhập cư bần cùng gốc Serbia đang có những khao khát về giấc mơ Mỹ và gã cho rằng Liberty City chính là thành phố tuyệt vời để bắt đầu hiện thực hóa ảo tưởng ấy. Theo mọi cách định nghĩa Bellic không phải là một người tốt khi từng tham gia vào những hoạt động phạm pháp như buôn người, ăn cắp xe hơi hay đâm thuê chém mướn. Tuy nhiên nếu xét về mặt hình tượng nhân vật, hắn có ưu điểm tuyệt vời nếu NSX muốn xây dựng một kiểu phản anh hùng. Hiển nhiên là họ đã làm thế khi Bellic muốn rũ bỏ hay gần như là trốn chạy khỏi quá khứ tràn đầy bạo lực của mình và còn gì tuyệt vời hơn khi ông anh họ Roman cứ suốt ngày rỉ rả vào tai hắn những lời đường mật về sự giàu sang phú quý cùng những ả phụ nữ nóng bỏng.

Sau khi vượt biên đến trời Tây hóa ra những gì mà Roman nói về một nước Mỹ xa hoa tráng lệ với cơ hội làm giàu ở khắp nơi là có thật nhưng không bao gồm số phận của gã và người em họ. Roman chỉ là một gã thất bại, hắn điều hành một dịch vụ taxi cũng thất bại nốt khi ngập ngụa trong nợ nần. Càng tệ hại hơn khi gã đang bị lũ cho vay nặng lãi bao vây, Bellic không thể để anh họ của mình mất mạng trong vòng tay của lũ con hoang ấy và sự dính líu đến xã hội đen sẽ càng đẩy bước chân của hắn ngày một trượt dài hơn. Có thể nói các NSX của Rockstar Games đã cho chúng ta xem một vở hài kịch với sự trào phúng hết sức chua chát khi Niko Bellic, kẻ đã chán cuộc sống tội phạm không có ngày mai, sau khi vượt biên sang Mỹ lại phải tiếp tục dấn thân vào con đường phạm pháp. Hắn đâu có ước vọng gì cao sang như tiền đầy tủ hay gái đầy giường, hắn chỉ muốn làm một người lương thiện có cuộc sống bình yên nhưng xã hội nước Mỹ đương thời với lời nói dối kinh điển về một The American Dream, nơi ai cũng được sống theo ý của mình đã không thỏa mãn được khao khát nhỏ nhoi đó của Bellic.

Một số người sẽ cho rằng gã găng tơ Serbia không thể cũng không xứng đáng với giấc mơ Mỹ bởi kết cục của hắn chỉ phản ánh lại những quả báo từ những điều khủng khiếp mã gã này từng thực hiện trong quá khứ. Nhưng nếu thả chậm hơn dòng suy nghĩ khó mà nói Liberty City (hình ảnh thu nhỏ của nước Mỹ) không có bất kỳ liên hệ gì đến sự trầm luân lần thứ hai của Bellic. Gã mafia Đông Âu giỏi nhất công việc gì? Giết người, cướp của và những thứ đại khái như thế và thành phố của tự do thế méo nào lại chứa đầy những khách hàng cần đến những kỹ năng cũng chỉ như thế. Đó không phải là trách nhiệm của một mình Bellic bởi nếu sống đủ lâu nhìn đủ nhiều bạn sẽ biết rằng cái cuộc sống này phủ bên ngoài là sự tự do, bình đẳng và bác ái nhưng thâm căn cố đế bên trong vẫn là sự kỳ thị, thành kiến và bạo lực.

Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá vĩ đại về nước Mỹ - P.1

Một gã nhập cư Đông Âu không thân phận, không bằng cấp và những kỹ năng chuyên môn được pháp luật coi là hợp pháp như Niko Bellic có thể tìm một công việc đủ nuôi sống bản thân theo cách lương thiện hay không? Đáp án thật nực cười là không. Không có cách nào cho việc ấy cả. Với tư cách của một người chơi, một kẻ quan sát thì đám game thủ chúng ta có quyền cảm thấy tức giận vì cuối cùng Bellic lại sa ngã nhưng dưới góc nhìn của một con người có lương tri thực tế không một ai có quyền lên án hắn. Muốn sống lương thiện trước hết cần phải giải quyết những nhu cầu tối thiểu về ăn mặc, đi lại và sinh hoạt cộng đồng. Người ta không thể hô hào hãy sống như cách bạn mong muốn chỉ bằng công việc nhặt ve chai tại nước Mỹ hay nhận những đồng lương chết đói từ những công việc “chui” và đám chủ thì luôn đối xử với bạn theo cái kiểu ban ơn bố thí. Cố nhiên sự sa ngã trước nghịch cảnh của Niko Bellic là một câu chuyện rất buồn thế nhưng bên cạnh trách nhiệm của bản thân hắn, Liberty City nói riêng hay hoàn cảnh xã hội nước Mỹ nói chung mà GTA IV phản ánh cũng phải có một phần trách nhiệm trong kết thúc đáng buồn này.

So this is what the dream feels like? This is the victory we longed for.

Còn tiếp…

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về GTA IV và giấc mơ Mỹ
  1. Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ – P.1
  2. Red Dead Redemption, GTA IV và sự dối trá về giấc mơ Mỹ – P.Cuối