Từ những tựa game nhỏ cho đến những siêu phẩm lớn, xu hướng làm lại game đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng mang hơi thở hiện đại nhưng không làm mất đi những giá trị cổ điển mà sản phẩm gốc mang lại.
Cú hích đầu tiên cho sự trở lại này chính là Resident Evil 2 Remake. Đây là phiên bản làm lại được đánh giá rất cao bởi nó mang đến một trải nghiệm kinh dị đáng sợ khi tạo nên một bầu không khí căng thẳng, đồ họa chân thực, âm thanh sống động và các mức độ thử thách đa dạng. Với những gì mà Capcom đã làm được, RE2 Remake không chỉ đạt mức doanh thu tốt nhất trong lịch sử RE, mà nó còn nhận được nhiều đề cử xứng đáng tại Game Awards 2019. Không dừng ở đó, thành công của tựa game còn là động lực thúc đẩy Capcom tiếp tục với bản làm lại RE3 sẽ ra mắt vào năm sau. Và kể từ đó, thị trường game bắt đầu đón nhận các sản phẩm làm lại của nhiều tựa game cổ điển lớn nhỏ khác nhau. Mặc dù không phải sản phẩm nào cũng thành công, song các nhà phát triển cũng đã làm rất tốt để giữ "chất" cho game và khoác lên nó một vẻ ngoài đẹp mắt
Trong năm qua, ngành công nghiệp game đang có một sự chuyển dịch tương đối mạnh mẽ từ việc sáng tạo ra các sản phẩm mới, sang hiện đại hóa các tựa game kinh điển để làm cho chúng hấp dẫn hơn, qua đó tăng sức tiếp cận với những khán giả mới. Sự thay đổi đó là một điều tốt bởi nó không chỉ chứng minh khả năng của các nhà phát triển, mà còn là một phép "câu thời gian" để giúp họ tiếp tục suy nghĩ ra nhiều nội dung hơn cho các tựa game mới của mình. Ngoài ra, việc làm lại các tựa game cũng tạo điều kiện để các nhà làm game thấy rằng, các cơ chế giải đố của hơn 20 năm về trước dù không còn mới nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn không hề mất đi trong các bản làm lại. Và chính sự hấp dẫn này là điều rất khó tìm kiếm trong thời buổi mà ngành công nghiệp game chìm trong những dịch vụ game trực tuyến để thu hút nhiều người chơi hơn nữa.
Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là tương lai của ngành game sẽ chỉ có những bản làm lại. Sự thành công của những siêu phẩm mới như Star War Jedi hay Sekiro vẫn cho thấy sự sáng tạo của ngành công nghiệp này là vô hạn. Và điều này cũng khẳng định rằng, các tựa game chơi đơn vẫn sẽ giữ được ưu thế về tính trải nghiệm của mình trong khi các game chơi mạng cổ điển đang có xu hướng dần được thay thế bởi những dịch vụ game trực tuyến.
Trong tương laị, việc remake các tựa game kinh điển vẫn sẽ được nhiều nhà phát triển cân nhắc bởi việc đổ một số tiền lớn vào một kiểu game như vậy liệu có biến nó trở thành trụ cột giúp họ sinh lời, hay cũng chỉ để nhắc nhớ về một quá khứ thành công của vài chục năm về trước. Dẫu vậy, nhìn vào RE3 và Final Fantasy 7, chúng ta có thể chắc chắn rằng, nếu thị trường game có một số lượng các bản remake với chất lượng tương đối tốt, người hâm mộ sẽ dành nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm về những giá trị cổ điển trong một thế giới hoàn toàn mới.