Kể từ khi Google công bố Stadia, dịch vụ streaming game của mình hồi tháng 3 vừa qua, Mọt tui đã đi từ hào hứng đến đề phòng, rồi đến nghi ngờ tương lai của nền tảng này theo từng thông tin mới được Google đưa ra. Dù Google không thực sự minh bạch với chiến lược kinh doanh của mình ngay từ đầu, nhưng sau nhiều cuộc họp báo, phỏng vấn và marketing, các thông tin về Stadia đã tỏ ra đủ rõ ràng để Mọt phải đặt ra câu hỏi: rốt cuộc thì Stadia sinh ra là để phục vụ cho ai?
Hãy để Mọt giải thích với các bạn tại sao mình lại đặt ra câu hỏi này. Gần đây nhất, giám đốc sản phẩm Stadia là ông Andrey Doronichev đã khẳng định rằng “Stadia không phải là Netflix cho game như nhiều người đã lầm tưởng. Một so sánh gần sát hơn sẽ là giống như Xbox Live Gold hay PlayStation Plus. Game thủ đăng ký dịch vụ Pro được stream game 4K/HDR, âm thanh 5.1, được giảm giá game và chơi một số game miễn phí. Khoảng trên dưới 1 game mỗi tháng , khởi đầu với Destiny 2.”
Ban đầu, game thủ tin rằng với Google Stadia, họ sẽ được sử dụng một dịch vụ tương tự Xbox Game Pass hay Uplay+. Những dịch vụ này cho phép người đăng ký chơi hàng chục đến hàng trăm game khác nhau với phí khoảng 10-15 USD mỗi tháng, và được chơi game mới ngay lập tức hoặc sớm hơn những người mua game theo cách thông thường.
Nhưng Stadia không phải như vậy. Dù quả thực game thủ sẽ được chơi một số game miễn phí, nhưng kho game miễn phí này sẽ rất nhỏ và được bổ sung dần dần, đồng thời cũng chẳng phải là game mới nhất. Sức hấp dẫn của nó chỉ nằm ở chỗ bạn không cần mua một dàn PC khủng hay một console mới, nhưng tay cầm Stadia (không bắt buộc) đã bằng khoảng 1/4 giá trị của một console. Sau đó, bạn lại phải mua game riêng lẻ, khiến nó hoàn toàn không giống với những gì game thủ tưởng tượng một chút nào. Như vậy, dù là một dịch vụ stream game, Stadia không hoạt động theo cách mà các dịch vụ stream game truyền thống lựa chọn. Theo Mọt, nó giống với một cửa hàng bán những tựa game chỉ có thể chơi qua stream thay vì tải về qua internet. Nó giống với kho video của Amazon, chỉ là không có hàng ngàn bộ phim và show truyền hình miễn phí như dịch vụ này.
Và khi nhìn về lâu dài, mức giá của Stadia cũng không rẻ như bạn nghĩ. Google thu phí 10 USD/tháng, còn một hệ console có lẽ sẽ khoảng 500 USD. Vậy là chỉ cần dùng Stadia 4 năm, bạn đã bỏ ra số tiền bằng với một chiếc console – nhưng bạn chẳng thể bán lại game trên Stadia, còn với console và đĩa xịn, chúng ta có thể thanh lý để thu lại một khoản tiền không nhỏ một cách khá dễ dàng.
Thế là chúng ta trở lại với vấn đề mà Mọt đã đặt ra từ đầu: Stadia là dành cho ai? Những game thủ hardcore thường muốn được chơi trên màn hình lớn, nên Stadia có thể khá hấp dẫn với đối tượng này cho đến khi chúng ta nhìn lại vấn đề giá cả. Chưa hết, những tựa game mang nặng tính đối kháng chắc chắn sẽ không thể chơi được trên Stadia, bởi khi game thủ đã phải gào lên “lag” mỗi khi bị kẻ địch head shot trong Rainbow Six Siege khi chỉ phải kết nối từ server của mình đến server của Ubisoft, việc bổ sung thêm một server trung gian và một lần truyền dữ liệu qua lại nữa sẽ khiến độ trễ dữ liệu càng trầm trọng hơn.
Và game thủ cũng cần một gói cước internet rất hào phóng, bởi theo những người đã tham gia vào đợt thử nghiệm kín trước đây, chơi game bằng Stadia dễ dàng ngốn hàng TB dữ liệu đường truyền trong vài tuần, chứ đừng nói cả tháng. Đối tượng khách hàng chính của Stadia trong giai đoạn đầu sẽ là những game thủ sống ở Mỹ, xứ sở mà chất lượng internet thuộc hàng tệ nhất nhì trong số các nước phát triển. Nếu bạn là một game thủ đòi hỏi đồ họa 4K và max setting, bạn có chấp nhận lag, delay và những hạn chế như không thể mod game hay phụ thuộc vào thời gian online của server?
“Nhưng Mọt ơi, Stadia còn nhắm đến những game thủ casual, hay những người thích chơi game khi đang di chuyển nữa,” bạn sẽ nói thế. Đúng vậy, nhưng với kinh nghiệm của mình, Mọt tin rằng chẳng mấy game thủ mobile muốn bỏ những khoản tiền lớn để mua game. Họ thích game miễn phí, và sau đó sẵn lòng chi những khoản tiền nhỏ vào microtransaction dù cuối cùng những khoản tiền nhỏ này cộng lại đắt đỏ gấp nhiều lần một tựa game AAA. Chẳng nhìn đâu xa, cứ lấy ví dụ Nintendo khi phát hành tựa game mobile Super Mario Run dưới hình thức bán đứt, không microtransaction, trò chơi có hơn 200 triệu lượt tải nhưng doanh thu chỉ có 7 triệu USD. Ngược lại, khi tung ra Fire Emblem Heroes hoàn toàn miễn phí nhưng ăn tiền bằng microtransaction, game chỉ có khoảng 10 triệu lượt tải nhưng doanh thu cao hơn Super Mario Run đến gần 30 lần.
Đó là còn chưa kể đến việc những tựa game sẽ lên Stadia có vẻ như chỉ toàn game hardcore, chứ không có những tựa game casual kiểu Angry Bird hay Candy Crush. Bao nhiêu game thủ mobile, casual muốn thử những tựa game như Destiny 2 hay Ghost Recon: Breakpoint trên màn hình mobile bé tí của họ? Mà thật ra, có bao nhiêu game thủ casual thực sự biết mình phải làm gì với các nút bấm và joystick trên tay cầm của Stadia?
Vậy thì nếu không dành cho game thủ hardcore mà cũng khó có thể khiến dân casual chú ý, Stadia sinh ra để làm gì? Theo Mọt, những dịch vụ như Xbox Game Pass và Uplay+ có vẻ là xu hướng mới của ngành công nghiệp game, chứ không phải sự kết hợp giữa stream với bán game như Google đang hướng tới. Stadia sẽ chỉ là một nền tảng khác, một cửa hàng game khác, với lợi thế chính là không cần một chiếc máy riêng. Mọt cho rằng chỉ vậy là không đủ để thuyết phục, đặc biệt là khi đối tượng khách hàng mà Stadia nhắm đến tỏ ra cực kỳ nhỏ – những người muốn chơi game 4k, không muốn mua máy tính hay console, sẵn sàng chi 60 USD mua game và thêm 10 USD hàng tháng. Google còn phải cạnh tranh với các dịch vụ tương tự đã hoặc sắp ra mắt của Microsoft, Sony, Nintendo, Apple… Vả lại, Mọt nghĩ rằng Stadia có lẽ sẽ chỉ sống được khoảng 3 năm trước khi đi vào danh sách những dự án không thành công và bị “thủ tiêu” của Google.