Sau Death Stranding, “A Hideo Kojima Game” có còn là khuôn vàng thước ngọc? - PC/Console

Chẳng có bao nhiêu nhà thiết kế tự hào đặt tên mình lên bìa đĩa như cách cha đẻ Metal Gear làm với dòng chữ "A Hideo Kojima Game." Nó đại diện cho điều gì?

Với những game thủ đã chi tiền mua phiên bản đĩa vật lý của Death Stranding, họ sẽ được nhìn thấy dòng chữ “A Hideo Kojima Game” quen thuộc. Trừ Metal Gear Solid 5: The Phantom Pain không có sự xuất hiện của dòng chữ này do mâu thuẫn giữa Kojima và Konami, tất cả các tựa game ra đời dưới bàn tay tài hoa của cha đẻ dòng Metal Gear Solid đều có hàng chữ này, và nó đã trở thành một thương hiệu giúp chúng ta nhận diện. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc “A Hideo Kojima Game” ra đời như thế nào, hay ý nghĩa của nó ra sao? Bài viết này chứa đáp án cho hai câu hỏi đó.

Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi

“A Hideo Kojima Game.”

Sự ra đời của “A Hideo Kojima Game”

Sự nghiệp lừng lẫy của nhà thiết kế này khởi nguồn vào 34 năm trước, khi ông bắt tay vào phát triển tựa game Metal Gear cho hệ máy mà có thể bạn chưa bao giờ biết đến là MSX 2. Ban đầu, trò chơi này vốn được thiết kế như một game hành động phiêu lưu (bạn có thể tưởng tượng nó giống Contra), nhưng MSX 2 chỉ có thể cho 2 hoặc 3 kẻ địch hiển thị trên màn hình cùng một lúc. Điều này khiến nhịp độ của game chậm lại và không đúng với những gì Konami mong muốn.

Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi

Metal Gear ra mắt năm 1987 trên hệ máy MSX 2.

Để khắc phục vấn đề này, Hideo Kojima đưa ra ý tưởng biến nó thành một tựa game hành động bí mật – ý tưởng mà ông có được từ bộ phim The Great Escape ra mắt vào năm 1963. Ý tưởng này chịu sự nghi ngờ từ phía các nhân viên trong đội ngũ phát triển, và nó không được chấp nhận cho đến khi Hideo Kojima đem ý tưởng của mình đến “khoe hàng” với các sếp Konami, và họ đã “giúp” Kojima thuyết phục các nhân viên của ông.

COVID-19 mang thế giới Death Stranding đến gần đời thực?COVID-19 mang thế giới Death Stranding đến gần đời thực?
COVID-19 mang thế giới Death Stranding đến gần đời thực?
Dù thế giới mà Hideo Kojima tạo ra bị COVID-19 đem đến gần hơn với đời thực theo cách không ai mong muốn, điều đó vẫn đã xảy ra.

Ý tưởng về “A Hideo Kojima Game” nảy ra trong đầu ông trong khoảng thời gian này. Khi một trò chơi còn rất sơ khai và đơn giản, một nhóm nhỏ chỉ 5-6 thành viên cũng là đủ để làm game (và đôi khi chỉ cần một người, dù tựa game mà người đó tạo ra có thể là hay nhất hoặc dở nhất trong lịch sử). Trong những đội ngũ nhỏ như thế này, mỗi người tham dự vào mọi công đoạn của việc phát triển trò chơi và không ít thì nhiều, nó giúp các thành viên của đội ngũ đó trở nên đa năng hơn.

Với kinh nghiệm của mình, Hideo Kojima tiếp tục tham gia vào gần như mọi công đoạn của quá trình phát triển game bên cạnh các công tác quản lý, ngay cả khi đội ngũ làm game của ông tăng từ 5-6 người ban đầu đến khoảng 80 người như hiện tại. “(Tôi) tạo ra ý tưởng, viết kịch bản, vẽ bản đồ, nhập dữ liệu, quản lý các sự kiện (flag), xây dựng ngôn ngữ logic, nén các hình ảnh, và rồi quản lý kinh doanh, sản xuất, quảng bá. Ngay cả khi đội ngũ ngày càng lớn và các công việc được chia ra, cách làm game của tôi vẫn không thay đổi, như thể một nhà phát triển indie.”

Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi

“Tôi dính líu với quá trình tạo ra một trò chơi từ trên cùng đến dưới cùng. Đó là A Hideo Kojima Game.”

Nó ý nghĩa gì với game thủ chúng ta?

Ngoài việc Hideo Kojima chủ động đặt dòng chữ này lên bìa các tựa game của mình, nó phần nào trở nên quen thuộc với game thủ nhờ sự quảng bá mạnh mẽ của các báo giới và lời truyền miệng của game thủ. Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng Nhật Bản có một lượng “ngôi sao làm game” lớn hơn so với bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới: Hideki Kamiya (Resident Evil 2), Hideo Kojima (Metal Gear Solid), Miyamoto Shigeru (Mario), Shinji Mikami (Resident Evil, The Evil Within), Hideaki Itsuno (Devil May Cry), Tomonobu Itagaki (Ninja Gaiden), Goichi Suda (No More Heroes), Yoko Taro (Nier),…

Bên cạnh việc tôn vinh tài năng của những cá nhân này, nó cũng cho thấy một sự khác biệt khá lớn giữa cách làm game Nhật với phương Tây. Với các nước phương Tây, “studio” là thứ được tập trung xây dựng thành thương hiệu, và game thủ sẽ nói về game X của studio A chứ chẳng mấy khi biết những ai làm ra chúng, còn khi nói về game Nhật, chúng ta thường bàn về game Y của ông B và cái tên của người thiết kế ra trò chơi đó còn nổi hơn cả tên studio. Điều này không bình thường bởi dù chúng ta có thể gán thành công của một bộ phim cho cái tên nổi bật nhất trong đội ngũ làm ra nó (kiểu Leslie Nielsen và Naked Gun hay Quentin Tarantino và Pulp Fiction), cả phim và game thực tế đều là công sức của một đội ngũ hàng chục, hàng trăm người.

Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi

Dù đầy tranh cãi, chúng ta vẫn không thể phủ nhận Death Stranding có cái hay riêng.

Nhưng khi xem xét kỹ hơn về “hiện tượng Hideo Kojima” và dòng chữ “A Hideo Kojima Game”, Mọt tui lại nhận ra rằng đây là một trường hợp ngoại lệ. Dù chúng ta biết rằng The Evil Within là game của Shinji Mikami hay No More Heroes 3 là của Goichi Suda, những cá nhân này thường không được tâng bốc đến mức độ của Hideo Kojima. Nhưng quả thật Hideo Kojima xứng đáng với danh vọng này nhờ bề dày 34 năm kinh nghiệm làm game và hàng loạt sản phẩm kinh điển. Vậy nên một khi dòng chữ “A Hideo Kojima Game” xuất hiện trên bìa một tựa game, những quan điểm chỉ trích nó thường sẽ bị xem là ngược đời, không biết thưởng thức thay vì chỉ là quan điểm của một người có ý kiến khác biệt.

Mọt tui viết ra những dòng này trong vai trò là một người khá thích các tựa game của Hideo Kojima, bao gồm cả Death Stranding vừa ra mắt trên PC. Những tựa game của Hideo Kojima không hoàn hảo và việc chỉ trích chúng là bình thường – chúng ta có thể chê cơ chế sờ mó nhân vật nữ trong Policenauts; việc Quiet “thở bằng da” trong MGS5; cách đặt tên nhân vật theo kiểu cố gắng chơi chữ buồn cười như Hot Coldman, Die Hardman, Growling Serpent (một binh sĩ trong MGS5). Những đoạn phim cắt cảnh dài lê thê; sự tiến triển chậm chạp của gameplay trong Death Stranding;… cũng hoàn toàn là những điều đáng chỉ trích.

Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi Từ Death Stranding, Mọt tự hỏi

Tuy nhiên phải nói rằng những ưu điểm mà dòng chữ này đại diện luôn lớn hơn những khuyết điểm của nó. A Hideo Kojima Game là một dấu ấn chỉ rõ rằng chúng ta có thể trông đợi điều gì khi game còn đang được phát triển, và sẽ nhận được gì khi trò chơi chính thức phát hành. Nó có nghĩa là bạn sẽ mua một trò chơi có gameplay độc đáo, lạ lùng, lập dị (nhưng có thể sẽ không còn là lạ lùng, lập dị nếu nó trở thành một thể loại mới của ngành game). Nó đánh dấu một tựa game mà sự chú trọng vào chi tiết và vô vàn thiết lập liên kết với nhau có thể khiến bạn đau đầu khi tìm hiểu, một trải nghiệm sặc mùi điện ảnh bởi Kojima có ước vọng thành nhà làm phim.

Và thế là mặc cho tất cả những vấn đề mà “A Hideo Kojima Game” báo hiệu, nó vẫn là một dòng chữ quan trọng trong ngành công nghiệp game một cách lâu dài, đại diện cho một thương hiệu mà vô số game thủ tin tưởng. Nó cũng đủ để các nhà phát hành tiếp tục dùng “A Hideo Kojima” như biểu tượng của một tựa game xuất sắc, và để các trang tin game dùng nó làm tựa đề để thu hút người xem như bài viết này của Mọt tui.