Mặc dù là một công ty có quyền lực và sự mở rộng lớn trên toàn thế giới, nhưng Tencent cũng vướng phải rất nhiều điều không đáng có. Có lẽ một trong những điều tiếng đó chính là việc đạo nhái các trò chơi nổi tiếng hay đi lên từ các giao dịch microtransactions.
Sự bành trướng kinh khủng của Tencent
Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là mức độ bành trướng khổng lồ của Tencent. Hãng đã đầu tư vào khoảng hơn 150 công ty bên ngoài Trung Quốc, đó đều không phải là những công ty tầm thường. Một trong số những cái tên nổi bật phải kể tới Tesla, Reddit hay Spotify.
Còn tính riêng trong ngành game, vị thế của Tencent còn lớn hơn bạn nghĩ rất nhiều. Hãng đầu tư đáng kể vào Activision Blizzard, Epic Games, Riot Games và Bluehole. Những khoản đầu tư này đem lại cho Tencent nhiều dự án trò chơi thuộc hàng lớn nhất thế giới như World of Warcraft, League of Legends hay PUBG.
Trong khi hầu hết các khoản đầu tư này chỉ dành để thu mua một phần nhỏ của doanh nghiệp, nhưng lại có 2 trường hợp ngoại lệ. Sau khi mua lại cổ phần của Riot Games vào năm 2011, Tencent đã sở hữu 100% Riot chỉ 4 năm sau đó, ngay khi LoL trở thành bộ môn eSport phổ biến nhất thế giới. Ngoài ra, Tencent cũng sở hữu tới 40% cổ phần của Epic Games, trở thành bàn đạp quan trọng cho Epic Store đối đầu với Steam.
Tencent từng bị điều tra về các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu
Tất cả các khoản đầu tư mà Tencent đã thực hiện trong thập kỷ qua đều bị tăng cường giám sát bởi Chính phủ các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã tiếp cận sâu hơn một vài công ty mà Tencent mua phần lớn cổ phần để thăm dò bản chất thực sự của các khoản đầu tư.
Cả Riot Games lẫn Epic Games đều nhận được thư từ Ủy ban đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ yêu cầu thông tin chi tiết về các giao thức bảo mật đối với dữ liệu cá nhân của khách hàng. Đây là sáng kiến của Chính phủ Mỹ dưới thời ông Donald Trump, nhằm hiểu rõ hơn cách mà các công ty Trung Quốc sử dụng những dữ liệu thu thập được từ những phần mềm bán cho người Mỹ.
Trong khi các cuộc điều tra về khoản đầu tư vào game của Tencent gây bất ổn, họ đã dừng lại trước sự gay gắt hơn từ Chính phủ Mỹ vào các cuộc đầu tư khác. Chính quyền Mỹ đã cấm ứng dụng chat Wechat phổ biến vào tháng 9 năm 2020.
Tencent “Copy-cat”
Một trong những cáo buộc mà Tencent phải nhận nhiều nhất đó là việc sao chép một cách đáng xấu hổ các trò chơi nổi tiếng. Năm 2006, người sáng lập ra Sina, một công ty trò chơi đối thủ, đã gọi người sáng lập ra Tencent – ông Ma Huateng (Mã Hóa Đằng) – là “vua đạo”. Tới năm 2010, người sáng lập ra Oak Pacific Interactive đã tuyên bố “Sao chép không thể là mô hình tương lai cho các nhà làm game xã hội, trừ khi đó là Tencent”. Những lời buộc tội không chỉ tới từ bên ngoài, chính ông Mã Hóa Đằng cũng công nhận “sao chép không phải là xấu”.
Hãy nhìn vào King of Glory, trò chơi có vay mượn cơ chế gameplay, hình ảnh và cả thiết kế bản đồ từ tựa game League of Legends. Cả 2 thực sự rất giống nhau dù King of Glory thu hẹp phạm vi hoạt động trên nền tảng mobile. Chính sự thu hẹp như vậy khiến nhiều game thủ không thể nhận ra được sự giống nhau giữa 2 trò chơi. Vậy làm thế nào để Tencent giải quyết được những lời buộc tội đạo nhái? Họ đã sở hữu luôn cả Riot Games.
Ngoài ra, QQ Speed hay còn gọi là Speed Drifters, một trong những trò chơi đầu tiên của Tencent, đã vay mượn một cách tự do từ tựa game Mario Kart. Thậm chí công ty còn chẳng cần che giấu điều đó làm gì. Gần đây nhất, Tencent đã công bố một trò chơi có tên Syn. Nhiều game thủ dự đoán rằng nó sẽ rất giống với Cyberpunk 2077 chuẩn bị được phát hành chính thức.
Cuộc chiến pháp lý với những nhà phát triển đạo nhái Tencent
Tencent không chỉ phải đối mặt với những lời buộc tội đạo nhái game, mà họ còn phải đối mặt với những nhà phát triển game đạo nhái lại sản phẩm của chính mình. Vào năm 2020, Tencent đã thắng 6,4 triệu USD trong vụ kiện với nhà sản xuất của Crisis Action, trò chơi bị cáo buộc đạo nhái lại CrossFire. Các luật sư đã dựa vào 6 bản đồ có trong cả 2 trò chơi để lập luận ra hành vi đạo nhái trắng trợn của trò chơi Crisis Action.
Tencent cũng đã thắng kiện trước Moonton Technology với trò chơi Mobile Legends, một bản sao của League of Legends. Để chứng minh trường hợp lần này, Tencent tập trung vào những điểm tương đồng vào các nhân vật, cụ thể hơn là tên, hình dạng cũng như khả năng của các nhân vật trong cả 2 trò chơi.
Tencent là công ty tiên phong Microtransactions
Tencent là công ty đã sớm áp dụng phương thức Microtransactions vào các trò chơi, và đó cũng chính là phương thức rất phổ biến hiện nay. Trên thực tế, chính các giao dịch này đã giúp Tencent trở thành công ty đầy quyền lực như ngày hôm nay.
Một trong những dự án có lợi nhuận cao của Tencent chính là việc mở rộng dịch vụ nhắn tin QQ. Khi QQ thống trị thị trường Trung Quốc trong những năm 2000, nó đã không sử dụng tới phương thức quảng cáo digital, vốn đang rất thịnh hành ở phương Tây vào thời điểm bấy giờ. Thay vào đó, QQ tập trung vào các giao dịch vi mô cho video game và các hàng hóa kỹ thuật số. Năm 2007, microtransactions chiếm một phần đáng kể doanh thu của Tencent.
Sự thống trị của các giao dịch này đã trở thành một phần chính trong tài chính của Tencent cho tới tận ngày nay. Mô hình giao dịch này đã giúp cho công ty có đủ vốn để đầu tư sang rất nhiều các mảng khác. Chính CrossFire, một tựa game “Pay-to-Win”, được coi là vũ khí mạnh nhất và nổi bật nhất của Tencent trong lĩnh vực microtransactions.