Một số ứng dụng Android vờ như là bạn của chúng ta. Chúng nói rằng sẽ giúp đỡ hoặc mang lại cho bạn niềm vui, trong khi thực tế điều chúng muốn chỉ là hãm hại bạn.
Google Play Store thường xuyên bị chỉ trích vì bỏ lọt các nội dung không an toàn. Nếu bạn không cẩn thận, bạn sẽ tự khiến mình bị theo dõi, hack, hay bị lừa đảo.
Dưới đây là danh sách những ứng dụng bị đánh giá là tồi tệ nhất trong số những ứng dụng "rác" trên Play Store. Chúng hiện đều có hàng triệu lượt cài đặt - do đó hãy kiểm tra thiết bị để đảm bảo bạn không vô tình "nuôi ong tay áo".
1. QuickPic Gallery
QuickPic sau khi về tay Cheetah Mobile đã xuống cấp trầm trọng
QuickPic từng là một ứng dụng thư viện ảnh thân thiện và dễ sử dụng nó. Nó chưa bao giờ có thiết kế hào nhoáng, nhưng sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhà phát triển cũng những bản cập nhật được tung ra thường xuyên đã giúp QuickPic có được một lượng người dùng đáng mơ ước.
Tuy nhiên, vào năm 2015, QuickPic đã bị mua lại bởi công ty Trung Quốc là Cheetah Mobile. Những "anh hàng xóm" ngay lập tức biến nó thành một ứng dụng Android độc hại; họ bắt đầu upload dữ liệu người dùng lên các máy chủ của công ty, vụ việc bị phát giác khi một người dùng Google Plus tung bằng chứng cho thấy hàng loạt các yêu cầu DNS mới bắt nguồn từ ứng dụng này.
QuickPic đã bị xoá bỏ hoàn toàn khỏi Play Store vào cuối năm 2018, nhưng trở lại vào năm 2019. Khi trở lại, Cheetah nói rằng QuickPic bị xoá không phải vì hành vi lừa đảo bấm quảng cáo, mà bởi công ty đơn giản là không còn muốn duy trì nó nữa.
Ngày nay, trên Play Store tồn tại hàng trăm biến thể của QuickPic. Rất khó để biết đâu là phiên bản gốc, do đó tốt nhất đừng cài đặt bất kỳ ứng dụng nào có tên QuickPic.
2. ES File Explorer
ES File Explorer có lẽ là ứng dụng quản lý tập tin phổ biến nhất hiện nay. Đó là bởi nó đã từng rất, rất tốt - nhưng là 5 năm trước.
Ngày nay, phiên bản miễn phí của ES File Explorer chứa đầy bloatware và adware, và còn liên tục hối thúc bạn tải về các ứng dụng bổ sung thông qua các pop-up hiện ra trên thanh thông báo mà bạn chẳng thể tắt được. Tình hình trở nên tệ hơn vào tháng 4/2019, khi ứng dụng phổ biến một thời này bị đá văng khỏi Play Store vì có hành vi lừa đảo bấm quảng cáo.
Dành cho các bạn chưa biết, thì lừa đảo bấm quảng cáo (click fraud) là hành vi tự động bấm vào các quảng cáo dưới nền trên thiết bị người dùng mà họ không hề biết.
Bạn vẫn có thể tải về tập tin APK của ES File Explorer hoặc hàng chục ứng dụng giả dạng nó trên Play Store. Cũng như với QuickPic, hãy tránh cài đặt bất kỳ ứng dụng nào có tên ES File Explorer.
3. UC Browser
Đây là trình duyệt web dành cho Android phổ biến nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Nó được quảng cáo là có chế độ siêu nhanh, giúp bạn tiết kiệm dữ liệu nhờ vào việc nén các trang web.
Tuy nhiên, UC Browser lại là cơn ác mộng về theo dõi người dùng. Các câu lệnh tìm kiếm của người dùng được gửi đến Yahoo Ấn Độ và Google mà không được mã hoá. Số IMSI, IMEI, Android ID, và địa chỉ MAC Wi-Fi của người dùng thì được gửi đến Umeng (một công cụ phân tích của Alibaba) mà cũng không hề được mã hoá. Và dữ liệu vị trí địa lý của người dùng (bao gồm kinh độ/vĩ độ và cả...tên đường phố) thì được truyền về AMAP (một công cụ vẽ bản đồ của Alibaba), tất nhiên cũng không hề được mã hoá.
4. CLEANit
CLEANit là một "trình dọn dẹp tập tin rác" với số lượt cài đặt lên đến 10 triệu, và có đến 85% số lượt đánh giá là 4 hoặc 5 sao.
Điều ít ai biết là hầu hết những thứ mà ứng dụng này quảng cáo có thể làm được lại gây hại cho điện thoại của bạn. Ví dụ, dọn cache sẽ khiến điện thoại bị chậm đi khi cache cần được tạo lại, dọn RAM chỉ khiến thiết bị tốn pin hơn, và tắt các ứng dụng đang chạy hiển nhiên cũng không tiết kiệm cho bạn chút pin nào như mọi ứng dụng dọn dẹp vẫn khẳng định.
Giải pháp thay thế: Greenify là ứng dụng bạn nên chọn nếu muốn giảm hiện tượng hao pin do các ứng dụng gây ra, và SD Maid là ứng dụng dọn dẹp rác hệ thống tốt hơn nhiều, đặc biệt đối với các tập tin quảng cáo và tập tin log...
5. Hago
Hago là một ứng dụng đa năng để đàm đạo với bạn bè, chơi game, và chat trong thời gian thực.
Nó có thực sự an toàn? Có lẽ vậy, bởi chưa có bằng chứng nào cho thấy ứng dụng này thực hiện những hành vi gây hại cho người dùng. Tuy nhiên, nó lại cho phép bạn kiếm tiền thật từ chơi game và tham gia vào các nhóm. Có vẻ có gì đó mờ ám ở đây.
Chưa kể, bạn có thể kiếm thêm nhiều tiền nếu cài đặt ứng dụng kiểu sideload thay vì thông qua Google Play, và đó lại là một vấn đề đáng quan ngại khác.
Giải pháp thay thế: Android không thiếu các game miễn phí nơi bạn có thể chơi với mọi người cả lạ lẫn quen trên internet, trong khi các ứng dụng như Facebook Messenger hay Zalo đã là quá đủ để trò chuyện với người quen rồi. Với người lạ thì sao? Hãy thử Kik .
(Còn tiếp...)