Không cần nghi ngờ gì hết, Lara Croft là một trong những tượng đài của làng game thế giới kể từ lần đầu cô xuất hiện trong Tomb Raider năm 1996. Ngay cả khi bạn chưa chơi một phiên bản game nào, hoặc lỡ bỏ qua những phần phim do Angelina Jolie thủ vai, khi nghe đến tên Lara Croft, bất kỳ game thủ nào cũng sẽ nghĩ ngay tới một cô nàng trẻ tuổi, hiện thân của tinh thần phiêu lưu bất chấp những khó khăn nguy hiểm. Mà khi nhắc đến tên, ai cũng biết, thì Lara Croft dĩ nhiên là một tượng đài rồi.
Tiếc thay, bộ phim Tomb Raider mới khởi chiếu cuối tuần vừa rồi lại thất bại trong việc tái tạo lại trải nghiệm của game vào một tác phẩm điện ảnh. Bạn có thể không đồng ý với nhận định này, vì dù sao nếu làm phim giống y xì đúc với game, nó sẽ trở thành nhàm chán. Thế nhưng không thể phủ nhận việc đoàn làm phim đã cố gắng tạo ra cuộc phiêu lưu giống hệt như của Lara Croft trong phiên bản Tomb Raider năm 2013: Mong manh, thiếu kinh nghiệm nhưng tinh thần phiêu lưu và lửa sinh tồn thì dường như những phiên bản trước đó không thể nào so bì được.
Chính vì lẽ đó, một khi đã muốn copy lại sức hút của tựa game bom tấn ra mắt 5 năm về trước, thiết nghĩ các nhà làm phim cũng nên tạo ra một bầu không khí có chút gì đó lấy Lara làm trung tâm, lấy những biến động của nội tâm cảm xúc nhân vật làm thuốc dẫn người xem đến với cốt truyện. Nhưng không, ngoài diễn xuất tuyệt vời của Alicia Vikander ra, Tomb Raider giống như một món khai vị hơi nhạt nhòa trước khi chúng ta đến với Shadow of the Tomb Raider sẽ ra mắt vào tháng 09 tới đây.
Điều đầu tiên bạn có thể để ý khi xem phim, đó là bộ phim này lấy hầu hết mọi diễn biến chủ yếu của Tomb Raider phiên bản game ra mắt năm 2013 như đã đề cập. Lara bị bỏ rơi trên hòn đảo hoang Yamatai nơi con tàu Endurance của cô cùng thủy thủ đoàn bị một cơn sóng dữ phá tan tành. Những cảnh quay cho thấy Lara phải sinh tồn một cách chật vật, hay những thế ngàn cân treo sợi tóc khiến cho nhiều người, trong đó có cả tôi, giật mình nhận ra rằng đây gần như là một phiên bản cắt cảnh từ chính tựa game gốc, xào nấu lại với nhau tạo ra một bộ phim ngồi trong rạp thưởng thức thay vì xem trước màn hình máy tính.
Bối cảnh và những pha hành động thì giống hệt như game, nhưng tiếc thay như tôi đã nói ở trên, nó không đem lại cảm giác căng thẳng pha lẫn chút xíu tuyệt vọng như khi chính tay chúng ta điều khiển nhân vật Lara Croft. Bản thân cốt truyện cũng là một thứ khiến nhiều người không vừa lòng, khi cố gắng hiện thực, logic và khoa học hóa những chi tiết siêu nhiên như sức mạnh của nữ thần mặt trời trong truyền thuyết Nhật Bản Himiko. Nó không giống như mọi phiên bản Tomb Raider trước đó, cả phim ảnh lẫn game.
Giống như hậu bối Uncharted, Tomb Raider không chỉ vin vào cuộc phiêu lưu của nhân vật chính mà còn có cả những chi tiết cốt truyện vốn chỉ tồn tại trong truyền thuyết và huyền thoại. Thế nhưng trong bộ phim, không chỉ sửa lại những nút thắt không thể tin nổi, các nhà làm phim còn lỡ tay thay đổi luôn cả cá tính của nhân vật chính, vốn là thứ Crystal Dynamics đã hoàn thành rất tốt trong hai phiên bản game gần đây nhất. Đó mới là thứ khiến người xem phần nào cảm thấy thất vọng vì bộ phim.
Và rồi, thứ duy nhất níu người xem ở lại với bộ phim chính là nhân vật Lara Croft. Về cơ bản, nhân vật này bên cạnh kiến thức, kỹ năng sinh tồn và sức khỏe, còn có chút điên trong đầu nữa, vì có vẻ như cô nàng có xu hướng nhảy vào những điều nguy hiểm bất kỳ lúc nào cô thích. Điểm sáng đáng chú ý nhất của Lara Croft trong bộ phim này chính là khi cô nàng đặt chân lần đầu tiên xuống hòn đảo hoang: Sợ hãi, hoang mang và biết tránh né nguy hiểm.
Thế nhưng ngay khi nhận ra sự nguy hiểm trên Yamatai, Lara lột xác thành siêu nhân đúng nghĩa đen, không biết sợ là gì và có phần hơi máu lạnh. Sự bất hợp lý này khiến nhiều game thủ phải thở dài ngao ngán.
Đó là những đánh giá của tôi trên cương vị một game thủ yêu mến Tomb Raider. Thế còn những điểm cộng? Đầu tiên, là một bộ phim hành động, Tomb Raider không phải một bộ phim chỉ có những chê bai, như tôi đã từng lo ngại. Diễn xuất của Alicia Vikander, của Walton Goggins, của Ngô Ngạn Tổ không tệ như nhiều bom xịt thời gian gần đây. Nhân vật phản diện chính, suy cho cùng, cũng có đôi chút đất diễn khiến phim cảm giác cuốn hút hơn là việc Lara chỉ chạy đua với thời gian để ngăn chặn thảm họa chết người.
Ấy là chưa kể nhưng pha hành động cũng được thể hiện tương đối tốt, không quá hoàn mỹ đến từng milimet như John Wick, nhưng cũng không hề bừa bộn gây nhàm mắt.
Nếu xét về một bộ phim ăn theo game, Tomb Raider không có gì hơn Warcraft hay Assassin's Creed. Thế nhưng nếu coi Tomb Raider là một bộ phim hành động bom tấn, thì xem cũng rất vui và dễ thưởng thức. Nó không quá tệ, nhưng cũng không quá xuất sắc. Một tác phẩm bình thường bậc trung, khác hẳn với những tựa game gần đây được cả thế giới khen ngợi.