Nếu nhắc tới console thì có lẽ phần lớn game thủ sẽ nhớ tới những cuộc đại chiến giữa các ông lớn Sony hay Nintendo, còn không thì là các máy game đã đi vào huyền thoại. Thực ra số lượng các máy chơi game được sản xuất suốt lịch sử rất nhiều, chẳng qua phần lớn chúng đã chìm nghỉm giữa dòng thời gian mà thôi.
![](https://media.motgame.vn/2019/08/Bookgrinder/epic-ava-368x207.jpg)
Nintendo Pokemon Mini
Nghe cái tên là các bạn cũng có thể hình dung ra đây lại là một sản phẩm khác để “ăn theo” thương hiệu Pokemon rồi đúng không, thực ra nó ra mắt vào năm 2001 cùng thời điểm với chiếc Gameboy Advance. Có thể coi Nintendo Pokemon Mini là một phiên bản rút gọn của những người anh em của mình, khi nó có đầy đủ tính năng của một chiếc console với hỗ trợ kết nối nhiều người chơi, cảm ứng chuyển động và cả cảm biến độ rung nữa.
Tất cả những game của Nintendo Pokemon Mini đều lấy cảm hứng từ Pokemon, nó sử dụng một loại băng từ bé tí cho riêng mình, chiếc máy console này có khoảng 10 game và tất cả đều là Pokemon như Pokemon Tetris, Pokemon Puzzle Collection hay Togepi’s Great Adventure… Thậm chí cả màu sắc trang trí của của nó cũng là dựa theo làn da của các Pokemon, nhưng đến cuối cùng Nintendo Pokemon Mini lại đúng nghĩa là mất tích hoàn toàn theo thời gian.
Vấn đề đầu tiên là Nintendo không muốn phát hành chiếc máy này là một hệ console mới, mà họ nhắm tới đối tượng trẻ hơn khi biến nó thành… một dạng đồ chơi cầm tay. Nintendo Pokemon Mini không xuất hiện ở những cửa hàng game mà lại nằm trên kệ của những trung tâm đồ chơi, điều này khiến nó bị bỏ vào một đối tượng không phù hợp, hơn nữa mọi người đều đang phát rồ với Gameboy Advance nên dễ hiểu chẳng ai quan tâm tới Nintendo Pokemon Mini cả.
Super Lady Cassette Vision
Vào năm 1984, hãng sản xuất đồ chơi và video game Epoch tại Nhật đã tung ra một hệ máy console là Super Cassette Vision để cạnh tranh lại chiếc NES của Nintendo lúc đó. Nhưng theo sự phát triển ngày càng lớn mạnh của NES, Epoch lo sợ rằng thị phần của mình sẽ bị thu hẹp lại và họ cần phải làm cái gì đó để mình không bị bỏ lại trong cuộc đua này.
Ý tưởng thần thánh của Epoch lúc đó là cho ra đời Super Lady Cassette Vision – một phiên bản gốc của chiếc console gốc nhưng có màu hường phấn rất chi là nữ tính. Logic của Epoch lúc đó khá thú vị là họ sẽ đi đường ngách để hướng tới cộng đồng game thủ nữ, mà nữ giới thì chắc hẳn phải thích màu hồng thôi đúng không nào. Nhưng đáng tiếc là việc này đã sai bét ngay từ đầu, vì chẳng có ai rảnh rỗi đi mua một phiên bản màu hường hết, kể cả với các game thủ nữ đi chăng nữa thì nó cũng hoàn toàn là vớ vẩn.
Vấn đề chính của dòng Cassette Vision là nó không có những tựa game độc đáo như NES, thành ra bất chấp việc nó có độc đáo tới đâu đều là vô nghĩa. Trong suốt vòng đời của mình thì S Cassette Vision chỉ bán được vẻn vẹn 400 ngàn máy (chỉ tính tại Nhật), quá ít ỏi khi so sánh với hơn 60 triệu chiếc console của NES.
Coleco Telstar Arcade
Kể từ các máy chơi game ra đời, các nhà phát hành luôn thích gắn thêm các phụ kiện để tăng tính trải nghiệm cho game thủ. Có lẽ một vài người đã cảm thấy mệt mỏi khi phải mua thêm lúc thì một khẩu Zap-gun, lúc thì một bộ bánh lái cho game đua xe hoặc vài cái kính thực tế ảo… thấu hiểu điều đó Coleco Telstar Arcade đã gom hết mọi thứ trong một, bộ máy console này có đầy đủ thứ bạn gần với một cái bánh lái, một cần chuyển và cả một khẩu Colt 45, tất cả được nhét gọn gàng trong thiết kế màu vân gỗ đẹp mắt.
Ra đời từ những năm 1977, Coleco Telstar Arcade có thể không phải là một máy console thành công cho lắm khi bộ sưu tập game của nó khá là ít ỏi, hơn nữa vào thời điểm đó ý tưởng tích hợp quá nhiều phụ kiện có vẻ không phải là ý tưởng hay ho cho lắm. Trên thực tế thì Coleco Telstar Arcade chỉ tồn tại được trong vòng 2 năm, mặc dù tung ra rất nhiều mẫu cải tiến về sau nhưng nó vẫn không thể thay đổi thực tại là… chúng ta chẳng có game gì để chơi với mớ phụ kiện kia cả.
Tiger R-Zone
Bắt chước nhau trong bất kỳ vấn đề nào cũng không phải là ý tưởng hay, đặc biệt khi bạn chọn một sản phẩm thất bại để nhái theo. Tiger R-Zone là trường hợp như vậy khi nó phỏng theo Virtual Boy của Nintendo – thứ đã bị chửi nát nước cách đó không lâu, thiết kế của chiếc máy console này cực kỳ quái thai khi nó quấn màn hình quanh đầu người chơi, sau đó phản chiếu hình ảnh của game ở tầm nhìn cực gần giữa hai mắt của họ.
Chỉ riêng cái thiết kế ngu si này đã là thảm họa rồi, khi mà bạn sẽ phải thường xuyên nheo mắt lại để nhìn vào cái màn hình nằm giữa hai chân mày của mình. Chưa hết tất cả những gì mà người chơi thấy trên Tiger R-Zone chỉ là một màu đỏ lòm chói mắt, kết hợp với cái dây đeo tổ bố quanh đầu khiến chơi nó như một cuộc tra tấn thực sự.
Bất chấp việc Tiger R-Zone có những game khá ra hồn như Mortal Kombat 3, Road Rash 3 hay Virtua Fighter, thì cái thiết kế thảm họa của nó đã phá nát tất cả. Người ta gọi đây là phiên bản nhái chó lợn nhất từ Virtual Boy, trong khi bản thân cái Virtual Boy đã đủ tệ lắm rồi. Không lạ khi chẳng ai biết tới Tiger R-Zone, khi mà chính công ty làm ra nó cũng bị mua lại chỉ vài năm sau khi cho ra mắt cái máy console kinh dị này.
Apple Bandai Pippin
Chắc chắn rất ít người biết “nhà táo” đã từng có thời gian bước chân vào lãnh địa console, cũng như sự tồn tại của chiếc máy Apple Bandai Pippin là thứ mà Apple muốn quên đi nhất. Ra đời vào năm 1996, Apple Bandai Pippin còn có tên gọi khác là Bandai @WORLD khi xuất hiện ở thị trường Mỹ. Không những chỉ là một chiếc máy chơi game đơn thuần, Apple còn muốn biến sản phẩm của mình thành phương tiện đa dụng với chức năng như một trạm làm việc với hầu hết tính năng trên máy tính lúc đó.
Đáng tiếc là Apple Bandai Pippin đã thất bại ngay từ khi mở đầu, khi mà nó được bán ra với mức giá điên rồ gần 600 USD, một con số mà quá sức không tưởng cho một chiếc console vào thời đó. Kết quả là mặc dù được Apple đích thân nhúng tay vào phát hành, thì Apple Bandai Pippin chỉ bán được 42 ngàn trong số 100 ngàn máy sản xuất đợt đầu, biến nó thành một trong những sản phẩm có doanh số tệ nhất lịch sử.
Thực tế thì bỏ qua vấn đề giá cả, phần thiết kế của Apple Bandai Pippin rất độc đáo khi nó sử dụng cảm ứng chuyển động với cần điều khiển vòng cung hoàn toàn độc đáo. Kho game của Apple Bandai Pippin được thiết kế bởi đội ngũ thiết kế hình ảnh cho DragonBall Z, tuy được đầu tư nhiều như vậy nhưng việc nhồi nhét quá nhiều thứ vào một chiếc máy console cộng thêm cái mức giá như vậy thì không có gì lạ khi Apple Bandai Pippin bị lãng quên nhanh chóng.
(còn tiếp…)