Đối với các nhà phát triển game thì "địa ngục" mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy theo nhân vật đó là ai. Nó có thể là một nơi khổ ải đầy những thứ kinh tởm đối với kẻ ác, hoặc là một nơi lưng chừng dành cho những linh hồn còn đang vất vưởng. Chính vì thế nên "địa ngục" trong game cực kỳ đa dạng: Nó có thể là nơi mà bạn bắt đầu một cuộc hành trình đầy thú vị, hoặc là nơi mà bạn không bao giờ muốn bước chân đến lần thứ 2. Để minh họa rõ hơn cho điều này thì sau đây, mời các bạn cùng xem qua top 10 tựa game hay nhất cho bạn phiêu lưu đến "địa ngục" nhé.
Carly And The Reaperman – Thế giới ngầm (The Underworld)
Carly And The Reaperman là một trong những viên ngọc ít được game thủ biết đến, một phần vì đây là tựa game dành cho kính thực tế ảo VR. Bạn sẽ được tham gia vào hành trình của nhân vật chính Carly vừa mới qua đời. Điều khiến Carly And The Reaperman trở nên thu hút và nổi bật hơn hẳn là mối quan hệ của Carly với cái chết.
Như những game khác, Carly cố gắng trốn thoát khỏi "địa ngục" Underworld, nhưng Carly And The Reaperman đã thay đổi công thức rập khuôn bằng cách cho phép thêm người chơi thứ 2 điều khiển tử thần "Reaperman" và thay đổi môi trường xung quanh để tương tác với Carly. "Địa ngục" trong tựa game indie này hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại, cho nên muốn so sánh nó cũng khá là khó.
Spiritfarer – Dòng sông Styx (The River Styx)
Spiritfarer ẩn chứa rất nhiều điều mới mẻ cho game thủ khám phá. Chủ đề về cái chết và đi đến "địa ngục" đã được các game khác khai thác gần như là triệt để luôn rồi, thế nên Spiritfarer đã quyết định là sẽ biến tấu chủ đề này và lái nó theo một hướng khác, không còn tập trung vào việc chạy trốn khỏi cái chết nữa.
Nhân vật chính Stella sẽ chấp nhận số phận của mình, trở thành người lái đò trên dòng sông Styx. Toàn bộ game đều diễn ra trên dòng sông này và tập trung vào kiếp sau của Stella, cũng như là cách mà cô ta giúp đỡ những linh hồn khác được siêu thoát. Spiritfarer đặc biệt cả về bối cảnh lẫn chủ đề mà nó khai thác, vì thế nên nếu có dịp thì bạn nên chơi thử tựa game này nhé.
Super Paper Mario – Underwhere
Không phải địa ngục nào cũng ghê rợn và chết chóc, tựa game Super Paper Mario là một ngoại lệ điển hình. Nhìn chung thì nó khá là yên bình so với định nghĩa "địa ngục" trong tâm trí nhiều người, mặc dù nơi đây không chào đón người phàm cho lắm.
Có vẻ như phần lớn cư dân dưới đây sống rất vui vẻ, chỉ là họ đều đã chết nên hóa thành hồn ma thôi. Trong vũ trụ Mario, đây chỉ đơn giản là một nơi để về, sau khi kết thúc cuộc sống ở trần gian chứ không phải là chỗ để trừng phạt những linh hồn tội lỗi.
Doom – The Dark Realm
Bất kỳ fan ruột dòng game Doom nào cũng đều biết trước The Dark Realm sẽ được nhắc đến trong danh sách game có địa ngục này. Cốt truyện của Doom xoay quanh việc mấy con quỷ đi phá phách trên thế giới loài người. Thế nên việc Doom Guy (nhân vật chính) thường xuyên ghé thăm nhà của chúng cũng là chuyện dễ hiểu.
The Dark Realm là kiểu địa ngục điển hình luôn. Nó nóng, nhuốm màu đỏ cam, đầy xác chết và những ngọn tháp cao chót vót. Mà cái địa ngục này cũng rất thú vị và rất có chiều sâu, nó cứ như một thế giới hoàn chỉnh vậy. Bạn sẽ có thể đi lòng vòng để khám phá và tương tác với những cư dân ở đây. Vì thế nên tuy giống kiểu địa ngục truyền thống, nó lại có nhiều cái để khám phá hơn thế.
Agony – Địa ngục (Hell)
Tựa game Agony tuy vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng riêng cái địa ngục của nó thì phải gọi là cực kỳ ấn tượng. Chưa bao giờ trong văn hóa đại chúng lại có một tác phẩm mang đến cái nhìn sâu sắc về địa ngục đến thế. Mà cũng phải thôi, vì không như những tựa game khác, Agony lấy hẳn chủ đề địa ngục luôn.
Nó là một thế giới méo mó, điêu tàn, đẫm máu, tội lỗi và… bệnh hoạn. Cái cách mà đội ngũ làm game xây dựng địa ngục sẽ dẫn đưa bạn hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Càng hiểu nhiều về thế giới này, bạn sẽ càng sợ hãi nó hơn. Đã vậy đồ họa lại chân thực nữa chứ. Nếu hứng thú với việc khám phá địa ngục thì chắc hẳn đây là tựa game mà bạn không nên bỏ qua.
Nguồn The Gamer biên dịch GVN360