Chỉ vài ngày trước thôi, bom tấn hành động kinh dị của Capcom, Resident Evil 2 Remake, đã công phá mọi bảng xếp hạng game trên thế giới bằng “bảng điểm” toàn 9 với 10 của mình, qu a đó tự mình khẳng định lại vị thế vốn có của dòng game đình đám có tuổi đời hơn 20 năm này. Có vẻ như, Capcom đã tìm lại được công thức “chiến thắng” cho đứa con cưng của mình từ phiên bản Resident Evil 7: Biohazard ra mắt vào đầu năm 2017. Thành công là vậy, thế nhưng ít ai biết được rằng Sê-ri đình đám này của Capcom lại có những “đứa con rơi” tệ hại tới mức đáng quên, mà thực chất thì cũng hầu như chẳng có ai biết tới chúng bởi, bản thân những tựa game Resident Evil này đã tệ rồi, chúng lại còn được phát hành trên những cỗ máy chơi game “giời ơi đất hỡi” nữa.
1. Resident Evil 2 trên hệ máy Tiger Game.Com năm 1998
Vâng, bạn không nghe nhầm đâu, có hẳn một hệ máy với cái tên “hoành tráng” là Tiger Game.Com đấy. Sự thật là vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Tiger Electronics là một hãng sản xuất đồ chơi và cả máy chơi game của Mỹ. Điều đáng nói ở đây là, Tiger Electronics chuyên sử dụng các thương hiệu và hình tượng game nổi tiếng để biến chúng thành các sản phẩm rẻ tiền và đưa vào những chiếc máy chơi game cầm tay của mình. Vào năm 1997, khi mà những chiếc máy game cầm tay rẻ tiền của Tiger Electronics đang bị chèn ép hoàn toàn bởi chiếc Game Boy huyền thoại của Nintendo, khiến cho Tiger Electronics đứng trước nguy cơ phá sản, thì trong một nỗ lực cuối cùng của mình, công ty này đã tung ra thế hệ máy chơi game có lẽ là cuối cùng của mình, chiếc Tiger Game.Com. Chiếc máy có cái tên cực “dị” này sở hữu một kho game cực kỳ hạn hẹp và hầu như chẳng có “ma” nào thèm ngó ngàng tới nó. Thế nhưng, không hiểu sao Tiger Electronics lại dành được quyền phát hành Resident Evil 2 ngay trước mũi của Nintendo, và thế là một tựa game siêu tệ đã được ra đời trên một hệ máy cũng “dở hơi” không kém.
2. Resident Evil 4 trên hệ máy Zeebo năm 2009
Có lẽ đây là lần đầu tiên mà bạn nghe thấy cái tên Zeebo. Không sao đâu, bởi ngoài bạn ra thì còn có hàng triệu game thủ khác cũng “mờ tịt” về cái tên này giống như bạn đó. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi máy chơi game Zeebo được ra mắt chính thức vào năm 2009, thế nhưng nó cũng chỉ tồn tại trên thị trường có đúng 2 năm trước khi bị ngừng sản xuất vào năm 2011. Thật lòng mà nói, Zeebo là một cỗ máy thất bại hoàn toàn, bởi những khuyết điểm của nó là quá lớn và dường như nhà sản xuất của Zeebo chỉ muốn “câu” tiền của mấy tay game thủ cả tin. Với mức giá lúc mới phát hành là 500 đô la Mỹ, cùng với đó là một thư viện game nghèo nàn và mức độ gia công ở mức “qua loa”, không khó hiểu khi Zeebo biến mất khỏi thị trường game một cách chóng vánh. Điều khó hiểu ở đây là, tại sao Resident Evil 4, một trong những phần hay nhất của Sê-ri lâu đời này, lại có thể xuất hiện trên cỗ máy chơi game “giời ơi đất hỡi” này được ?
3. Resident Evil Gaiden trên hệ máy Game Boy Color vào năm 2001
Chắc hẳn tuổi thơ của nhiều game thủ đã từng gắn liền với những chiếc Game Boy “thần thánh” của Nintendo. Và thành công của những chiếc máy chơi game cầm tay này là điều mà chúng ta không cần phải bàn cãi. Thế nhưng, không phải cứ tựa game nào ra mắt trên hệ máy này đều là game hay, đều là game chất lượng. Điển hình như Resident Evil Gaiden, một tựa game độc quyền giành cho hệ máy Game Boy Color và cũng là một thành viên của đại gia đình Resident Evil. Thế nhưng, tất cả đều là không đủ để có thể cứu vãn một tựa game mà đáng lẽ ra không nên được phát hành như Resident Evil Gaiden. Thật khó hiểu với quyết định của Capcom khi đưa Sê-ri kinh dị của mình lên một dòng máy chơi game cầm tay với sức mạnh phần cứng chỉ có thể vỏn vẹn hiện thị nền đồ họa 16 bit.