Ngày xưa Tào Tháo từng nói “Thà ta phụ thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta”. Bây giờ các pháp sư Trung Hoa quyết tâm thực hiện triệt để châm ngôn đó khi tuyên bố “Thà ta đạo nhái thiên hạ, dù ta có khả năng sản xuất đồ chính hãng đàng hoàng”. Chính vì vậy đến giờ nhiều người đến giờ vẫn tin tưởng rằng made in China là cụm từ đại diện cho cái gì đó kém chất lượng, rẻ tiền và dễ hư hỏng.
Thực tế thì những thứ made in China kém chất lượng ấy là do người Việt Nam đặt hàng theo yêu cầu sau đó nhập về bán cho người Việt Nam dùng. Chứ nói thật thì đồ nội địa giá tốt của xứ tỷ dân nó hơi bị ngon chứ không có bèo đâu. Chúng ta nên trở lại thôi trước khi video này biến thành nơi bàn tán về politics. Có lẽ do thường xuyên phải sản xuất theo đơn đặt hàng với đủ loại giá cả, các pháp sư Trung Hoa tỏ ra rất xuất chúng trong khoảng copy đồ của người khác.
Không chỉ hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử, máy móc công nghiệp… đến món giải trí là game cũng không được mấy anh gấu trúc buông tha. Rất dễ thấy, những game nổi tiếng của xứ gấu trúc chưa chắc có cơ hội xuất hiện ở thị trường nước ngoài, nhưng game nổi tiếng ở nước ngoài chắc chắn sẽ xuất hiện ở thị trường Trung Quốc. Có điều nó sẽ được trình diện với nhiều thay đổi khác lạ, khiến cha đẻ của game có tức thì cũng lên mạng chửi thôi chứ làm gì được.
Ngày nay vật đổi sao dời, các NSX Trung Quốc thừa sức làm ra các game rất xịn tuy nhiên tập tục đạo nhái kỳ quái này vẫn được duy trì hết sức nghiêm túc. Cái gì thì cũng có nguyên nhân, một phần bắt nguồn từ việc siết chặt kiểm duyệt của chính phủ khiến các game xịn từ Mỹ hay Nhật rất khó cập bến thị trường. Yêu quá hóa liều, khi bị ngăn cản người ta sẽ tìm cách khắc phục. Thế là vì không thể chơi được bản gốc thì ta sẽ làm ra bản nhái.
Đó cũng là cách các Pháp sư Trung Hoa hô biến ra những tựa game đạo nhái đậm chất pha kè, một số còn được thêm mắm dặm muối cho nó “khang khác” với bản gốc tránh kiện tụng và kiếm về lượng lợi nhuận khổng lồ cho kẻ gian. Hôm nay, hãy cùng tôi điểm mặt top 5 game đạo nhái vô cùng hot đến từ Trung Quốc để xem công nghệ xào nấu của họ thượng thừa đến mức nào.
Lưu ý: Một số tựa game không xuất hiện trong danh sách hôm nay là vì chúng ta đã quá quen mặt với nó rồi nên không cần nhắc đến nữa. Giờ thì, tôi là Kênh Tin Game, cảm ơn bạn đã đến đây!
Choo-Choo Charles – Quái vật xe lửa phiên bản lỗi
Choo-Choo Charles là tựa game chỉ mới được Two Star Games cho ra mắt vào đầu tháng 12, mà anh em biết cái gì nhanh hơn tốc độ sủi của tộc người cá trong Avatar 2: Dòng chảy ướt át không? Đúng thế, đó là tốc độ ra game nhái của các anh bạn xứ gấu trúc.
Chỉ 4 ngày sau khi Choo-Choo Charles chính thức ra mắt, chiếc video đầu tiên về bản pha kè của tựa game đã được công bố trên Bili, với tốc độ này thì Flash chỉ có thể gọi bằng cụ. Nhưng mà nhanh thì cũng có cái giá của nó, nếu tôi chấm Choo-Choo Charles là 5 điểm, thì con game fake này chắc chắn là 0.5 điểm. Mà có phải các anh em đất nước tỷ dân không chơi được Choo-Choo Charles đâu, tôi lướt vẫn thấy họ quẩy ầm ầm đấy chứ, chẳng qua đạo nhái vì đam mê thôi.
Từ đồ họa 3D đẹp rực rỡ và không khí u ám làm người chơi giật mình thon thót, bản fake của anh em gấu trúc đã chính thức biến Choo-Choo Charles thành một rạp xiếc trung ương đúng nghĩa. Chẳng hạn như dùng súng lục để bắn quái vật này, nhân vật ôm nhau kiểu công chúa này, quái vật đuổi theo như Michael Jackson tản bộ này.
Vì trò chơi này chỉ là bản mì ăn liền ăn theo trên điện thoại nên chắc chắn ta không thể trông đợi gì vào đồ họa cũng như những thao tác mượt mà lung linh như bản gốc được. Nhưng nếu các bạn đang cần một tựa game mang lại tiếng cười sau những giờ chạy deadline căng thẳng thì hãy đến với bản fake của Choo-Choo Charles, nơi mỗi lần con quái vật Charles xuất hiện là mỗi lần bạn cười đến lệch xương hàm vì mức độ tấu hài mà nó mang lại.
Moly: Huyền thoại tự nhiên trở thành hàng nhái
Nếu là những game thủ thuộc lứa từ năm 2000 trở về trước, từng ăn nằm và gắn bó với Zingme suốt cả tuổi thanh xuân. Chắc chắn anh em sẽ không tài nào quên được tựa game “Moly: Vương quốc chuột chũi” từng làm mưa làm gió một thời. Vào thời điểm phiên bản Việt ra mắt, nó được gọi là tựa game dành cho mọi lứa tuổi bởi già trẻ lớn bé, ai cũng chơi Moly.
Thậm chí hồi đó tôi còn lén nhịn ăn sáng để có tiền nạp mua Đậu Đậu siêu cấp, sau đó mang đi lòe thiên hạ. Rồi nào là thách đấu nhảy Audition ở khu vui chơi hoặc đi thu thập thẻ bài. Nói không ngoa chứ Moly là một phần tuổi thơ đẹp đẽ của tôi. Đó là cho đến khi tựa game đình đám này bị ông hoàng hút máu nào đó chính thức cho ra đảo vào năm 2012.
Đến thời điểm hiện tại, tôi và một nhóm anh em vẫn đang mong ngóng sẽ được nhìn thấy tựa game hồi sinh trở lại. Có điều chắc mọi người sẽ ngã ngửa khi biết tựa game đình đám một thời thanh xuân của chúng ta lại là sản phẩm ăn theo một game khác. Theo nhiều người nhận định, Moly được sao chép và cải tiến từ người anh em cùng cha khác ông nội là Club Penguin của nhà New Horizon Interactive.
Trong Club Penguin, ta có thể nhận ra rất nhiều cơ chế tương tự với Moly. Thậm chí hình ảnh của các Đậu Đậu cũng gần như sao y xì bản chính hình ảnh nhóm thú cưng bên Club Penguin, chỉ khác mỗi cái giao diện màu mè hơn. Không chỉ thế, nhiều trang phục trong Moly cũng được sao chép và học hỏi từ những nhân vật nổi tiếng như anh thợ sửa ống nước Mario, hay thậm chí là Saber trong Fate Grand Order.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Moly có chôm chỉa gì đó từ Club Penguin hay không đã chẳng còn quan trọng nữa vì CLB chim cánh cụt đã bị khai tử vào năm 2017. Về phần Moly, bản Trung Quốc của nó cũng dần rơi vào quên lãng khi lượt tương tác trên Weibo càng ngày càng ít. Các sự kiện ingame không còn được cập nhật nhiều như trước. Có lẽ sớm thôi, hai từ Moly sẽ thật sự trôi vào dĩ vãng ngay tại quốc gia khai sinh ra nó.
Warm Village – Nuôi cá và trồng thêm rau cũng bị copy
Với những người nông dân chân chính chỉ thích chăn rau nuôi gà, thăm ngàn kẹp ngần thì chắc chắn không thể không biết đến Stardew Valley. Tựa game một người làm nổi tiếng, ông hoàng nông trại, chúa tể các thể loại làm vườn. Mà như tôi nói rồi đấy, game nổi ở Trung Quốc thì chưa chắc xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng game nổi ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ có một slot ở xứ gấu trúc, nhưng với một giao diện khác.
Và Warm Village chắc chắn là ứng cử viên tiêu biểu cho vị trí những tựa game đạo nhái Stardew Valley. Khoan, dừng khoảng 2 giây, tôi biết đến đây sẽ có nhiều anh em nói rằng tôi đang võ đoán và áp đặt quan điểm. Cứ game nông trại là nhái Stardew Valley ư? Không nhé, bởi vì có nhiều game cũng theo hướng giả lập cuộc sống giống Stardew Valley nhưng tôi có nêu tên đâu? Ấy là vì những game đó đều có nét đặc trưng riêng, nhìn phát biết ngay.
Còn bây giờ bạn nhìn hai cái hình này đi, rồi thấy điểm nào khác nhau chưa? Khác nhau đủ nhiều chưa? Bây giờ tôi nói cái ảnh bên phải là Stardew Valley khéo có bạn tin là thật ấy chứ. Về cơ bản thì sau khi chơi thử, tôi rút ra kết luận là ngoại trừ đồ họa được chỉnh sửa một chút, thay đổi giao diện một chút, Warm Village gần như không có gì khác biệt với Stardew Valley. Nói là sao y bản chính cũng không oan chút nào.
Không chỉ tôi mà nhiều người chơi còn đánh giá thẳng thừng trên Steam là thay vì tải Warm Village thì chẳng thà chơi Stardew Valley cho rồi. Bởi vì ngoại trừ cái tên thì hai game này có khác nhau chỗ nào đâu, mà bản nhái thì đời nào hay được như bản gốc? Ấy thế mà khi người hâm mộ Stardew Valley lên tiếng chỉ trích, một bộ phận không nhỏ game thủ xứ gấu trúc vẫn bảo vệ quan điểm rằng Stardew Valley cũng đạo nhái Harvest Moon đấy thôi.
Đúng kiểu nó chôm được thì mình chôm được, hai thằng đều đi ăn cắp còn bày đặt phân biệt ăn cắp chính chủ hay không làm quái gì. Ừ thì, tôi cũng cạn lời với phát ngôn này rồi, đúng là chỉ có những con người thượng đẳng với bộ óc thiên tài mới có thể đưa ra những phát ngôn đỉnh cao của lòng đất như thế. Tại hạ xin bái phục.
Mini World: Creata – Học tập và thành công rực rỡ
Nhắc đến Minecraft, chắc chắn khối anh em sẽ nghĩ ngay đến những công trình đồ sộ như trường phép thuật Hogwarts được xây đúng tỉ lệ thật, mô hình chùa một cột của nước ta, hay thậm chí là những kiến trúc giả tưởng mà ta khó có thể hiện thực hóa trong cuộc sống. Phải nói rằng điều tôi thích nhất trong Minecraft chính là nó tạo ra một không gian tự do, nơi tuyệt vời để người chơi tha hồ phát huy trí tưởng tượng.
Nhưng Minecraft hàng chính chủ có giá 29,99 đô la và một bộ phận game thủ Trung Quốc cho rằng cái giá đó hơi đắt. Có cung ắt có cầu, các pháp sư rất biết cách chiều lòng đồng bào của họ nên một đống Minecraft nhái đã ra đời. Nổi bật và thành công nhất trong số đó chính là Mini World: Creata của Miniwan Technology.
Khác với Minecraft, Mini World là trò chơi được xây dựng theo lối game online, cho phép người chơi dễ dàng kết nối với nhau và đánh đúng tâm lý thích hàng free nên nó không hề thu một đồng phí nào của người chơi. Đến đây chắc bạn sẽ bảo tôi xạo ke, không thu tiền thì nhà phát hành và nhà sản xuất ăn gì? Nhưng bạn tôi ơi, cách để game online kiếm tiền thì vô hạn, chỉ có bạn không nghĩ ra chứ người ta đã tính hết rồi.
Cách đầu tiên và dễ nhất để thiên hạ xì tiền ra một cách tự nguyện chứ không hề miễn cưỡng chính là những trang phục đẹp bao đẹp. Mini World đã sử dụng biện pháp đó để bào tiền từ game thủ một cách khoa học. Đáng ngại hơn một game hút máu là gì? Là một game hút máu với các bộ trang phục chất lượng tuyệt hảo. Thú thật tôi là dân chơi hệ méo cà thẻ nhưng nhìn lướt qua kho skin của game này cũng thấy hơi xao xuyến vì nhìn nó hấp dẫn lắm chứ không phải kiểu làm qua loa đâu.
Không đi theo lối mòn như những tựa game đạo nhái khác, Mini World sau khi học tập xong gameplay cốt lõi của Minecraft đã tự bổ sung thêm chất riêng cho mình. Ví dụ như cơ chế tổ đội với bạn bè, thám hiểm đại dương, thay đổi thời trang cho nhân vật, đấu trường chiến thuật hay thậm chí cho phép người chơi kiếm tiền tươi thóc thật từ chính tác phẩm của họ trong game. Đến thời điểm hiện tại cộng đồng game thủ Mini World vẫn còn khá nhộn nhịp, chứng tỏ sức hút của nó.
Tabikaeru – Game nuôi thú đáng yêu cũng không thoát
Tabikaeru là game về một chú ếch cực kì đáng yêu, nhân vật từng làm khuynh đảo cộng đồng mạng một thời gian. Dù cơ chế game không quá phức tạp nhưng Tabikaeru lại thu hút người chơi vì sự kute cả về cốt truyện lẫn đồ họa của nó. Trong trò chơi, bạn sẽ chăm sóc một chú ếch xanh và chuẩn bị gói ghém hành lý cho những chuyến đi phượt của bé ếch nhà mình.
Mỗi lần về, bé ếch sẽ mang cho người chơi những món quà, những bức ảnh hoặc các dòng nhật ký từ nơi xa. Việc chờ đợi để nhận những món quà bất ngờ này chính là điểm mà người chơi cực kỳ yêu thích. Tabikaeru nổi tiếng đến mức những món đồ chơi được làm phỏng theo bé ếch đã bán rất chạy vào thời điểm ấy. Mà các bạn biết rồi đó, có đồ ngon dễ gì thiếu anh bạn hai mắt thâm quầng như lỗ đen vũ trụ?
Thế là một loạt các tựa game ăn theo tiếng tăm của Tabikaeru ra đời như nấm sau mưa. Với đủ kiểu đồ họa nhìn cứ đang chơi đồ. Mà vì tựa game Tabikaeru không bị cấm cửa ở thị trường Trung Quốc, vậy nên chẳng ai thèm ngó ngàng đến những tựa game ăn theo kém chất lượng kia. Thấy không thể làm ăn được theo con đường này, người anh em xứ gấu trúc quyết định chơi một trò khác nham hiểm hơn.
Đó là tạo ra nhiều tựa game tương tự với Tabikaeru, khác mỗi việc nhân vật không phải chú ếch xanh mà là một con sóc nâu, thỏ trắng hay cáo xám gì đấy. Vậy là từ Tabikaeru hay Ếch du lịch, người ta có Chuyến hành trình của sóc, Cuộc đi bay của thỏ hay Cáo cơ trưởng thích chơi đồ. Rất xuất sắc, rất tuyệt vời, nhìn chẳng ai nghĩ là đạo nhái luôn, khác nhau thế mà, một con sóc một con ếch thì đạo thế nào được nhỉ?
Chỉ trùng hợp là mấy con game nhái kia đều có cơ chế thám hiểm, mang quà về cho mẹ, mang ảnh về cho mẹ, mang cả drama về cho mẹ thôi. Sự trùng hợp này chắc chắn không phải là đạo nhái, đó là học tập, là học tập nha mấy bạn. Ngoại trừ 5 game kể trên thì người bạn kế bên chúng ta còn có nhiều quả đạo nhái khác cười ra nước mắt. Chẳng hạn như Poppy Playtime, Among Us, Angry Bird, hay đỉnh hơn là đạo hẳn Pokemon Go mà lượt tải chỉ xếp sau mỗi bản gốc.
Nói gì thì nói, có nhiều game anh bạn gấu trúc copy cũng bài bản phết. Đặc biệt bản đạo nhái lúc nào cũng tăng tính hài hước, giảm độ đáng sợ của trò chơi cho dù bản gốc là game kinh dị bị rượt chạy sút quần. Thôi thì đến đây cũng khịa hơi nhiều rồi nên tôi sẽ tạm dừng tại đây, không biết có anh em có suy nghĩ thế nào về những tựa game trên nhỉ? Hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt tôi biết nhé, giờ thì tôi là Kênh Tin Game, xin chào và hẹn gặp lại anh em ở những video sau, bye~
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những video hay về game nhé