Vào tháng 3 năm 2000, Sony đã ra mắt PlayStation 2 tại Nhật Bản. Có lẽ chính họ cũng không ngờ rằng đó là hệ máy thành công nhất của Sony nói riêng và của cả lịch sử ngành game nói chung. Ngay cả tới PlayStation 4 ở thời điểm hiện tại, một hệ máy thể hiện được vị trí độc tôn của Sony trên thị trường console, cũng không thể tiệm cận được doanh số bán của PS2, dù ở thời điểm ra mắt hệ máy này Sony phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ mạnh.
Vậy là đã tròn 20 năm kể từ ngày PS2 ra mắt. Cho tới giờ, đây vẫn là một hệ máy để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất trong lòng game thủ. PlayStation 4 hay thậm chí cả PlayStation 5 sắp ra mắt có thể rất tuyệt vời, có thể có nhiều sự cải tiến hay bước nhảy vọt trong công nghệ, nhưng huyền thoại về PlayStation 2 vẫn sẽ không bao giờ kết thúc.
Bạn còn nhớ gì về chiếc máy chơi game đỉnh nhất mọi thời đại này không? Hãy cùng Mọt tôi điểm lại những điều thú vị về PlayStation 2 nhé.
PS2 là máy chơi game bán chạy nhất mọi thời đại
Đây là điều mà toàn bộ ngành game không bao giờ có thể quên được. Tính tới thời điểm cuối năm 2019, PlayStation 4 đã vượt mặt thế hệ PlayStation đầu tiên và cán mốc 102 triệu máy bán ra. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn thua kém khá nhiều so với doanh số hơn 155 triệu máy bán ra của PS2. Nếu muốn nhìn thấy một hệ máy nào đó phá kỷ lục của PlayStation 2, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải chờ rất lâu nữa. Tôi hi vọng thế hệ PS5 sắp tới sẽ làm được việc này.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng kỷ lục mà PS2 tạo ra vào thời điểm lúc bấy giờ là thực sự ấn tượng. Ở thời điểm hiện tại, các hãng có thể dễ dàng quảng bá sản phẩm của mình thông qua nhiều phương tiện truyền thông, Nhưng vào năm 2002, tất cả mọi yếu tố từ quảng bá cho tới phạm vi khách hàng mà Sony hướng tới đều rất hạn chế. Rõ ràng thành công của PlayStation 2 là quá xứng đáng, khiến các hãng sản xuất khác phải nể phục và luôn lấy đó là mục tiêu hướng tới cho các thiết bị của mình.
PlayStation 2 có thể chuyển thành máy tính cá nhân
Với PS2, Sony đã từng hỗ trợ và phát hành hệ điều hành Linux, cho phép người dùng biến chiếc console thành một máy tính cá nhân. Hãng bán một gói hỗ trợ bao gồm cả một bộ chuyển đổi Ethernet, bàn phím, chuột, bộ chuyển đổi VGA và một ổ cứng dung lượng 40GB. Một điều đặc biệt là bộ thiết bị này cũng cho phép người chơi tạo ra những trò chơi của riêng họ thông qua mã nguồn mở, không khác gì một chiếc PC thông dụng.
Tuy nhiên đáng tiếc tính năng này lại không phổ biến bởi hầu hết người mua PS2 chỉ có nhu cầu chơi game. Việc biến một chiếc máy chơi game gia đình thành máy tính cá nhân dường như không phù hợp khi đại đa số game thủ đều đặt console ngoài phòng khách. Bên cạnh đó, sẽ chẳng có ai rảnh tới mức phải mua phụ kiện để biến PS2 thành máy tính khi đã có sẵn một case PC ở bên cạnh.
Thẻ nhớ 8MB – bằng chứng cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành game
Bạn có nhớ chiếc thẻ nhớ dung lượng 8MB mà chúng ta dùng để lưu save game trên PS2 không? Thật buồn cười khi nhìn vào những chiếc máy hiện tại với lưu trữ 500GB mà vẫn bị game thủ kêu trời quá ít. Đối với thế hệ game thủ hiện tại, dung lượng tính bằng Megabyte đã đi vào dĩ vãng từ lâu rồi.
Tuy 8MB rất nhỏ, nhưng chiếc thẻ nhớ này có thể chứa tất cả các tệp cũng như save game của chúng ta hồi đó. Và nó cũng là bằng chứng cho thấy ngành game đã đi một quãng đường xa tới như thế nào, đã phát triển vượt bậc ra sao chỉ trong 20 năm khi dung lượng lưu trữ giờ đây phải tính bằng Terabyte.
Netflix từng có trên PlayStation 2
Điều này thực sự gây chú ý, Netflix, một dịch vụ xem phim nổi tiếng nhất thế giới hiện tại, đã từng được hỗ trợ trên PlayStation 2 thông qua đĩa cài đặt. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ được độc quyền trong khu vực Brasil vào năm 2009. Tới năm 2012, Netflix trên PS2 ngừng hỗ trợ và gặp phải phản ứng dữ dội từ người dùng. Nhưng trên các diễn đàn, một số người chia sẻ rằng họ vẫn xem được phim khi thông báo hỗ trợ được đưa ra.
PlayStation 2 từng bị gắn liền tới khủng bố
Vào cuối những năm 2000, nhiều thông tin cho rằng Saddam Hussein đã tàng trữ tới 4000 chiếc PlayStation 2 với mục đích sử dụng CPU như một phần cứng của tên lửa điều khiển từ xa. Khi thông tin này lan truyền rộng rãi, nhiều quốc gia đã lo sợ và ban lệnh cấm nhập khẩu mẫu console nhà Sony. Tuy nhiên, thông tin này sớm bị bác bỏ và cho đó là tin đồn vô căn cứ, PlayStation 2 lấy lại phong độ và bán đắt như tôm tươi.
Thậm chí nguồn tin còn rộ lên rằng “Chỉ cần kết hợp 12 tới 15 chiếc PlayStation 2 là đủ khả năng tạo ra một máy tính điều khiển máy bay không người lái của Irag hay UAV”, hay như “một chiếc PlayStation cũng có thể hỗ trợ trong việc tính toán dữ liệu đạn đạo cho các tên lửa tầm xa”,… Các tin đồn này trở nên dần lố bịch tới mức, người ta tin rằng đây là chiêu trò marketing của Sony.
Sự việc tin đồn này cũng cho thấy khả năng xử lý các nguồn tin đồn vô căn cứ về PlayStation 2 rất tốt của Sony. Thậm chí họ còn chẳng cần Saddam Hussein lên tiếng phủ nhận nữa. Nhưng buồn cười ở chỗ, thế hệ PlayStation 3 về sau cũng bị dính phải tin đồn rằng có khả năng cung cấp phần cứng cho các phần tử khủng bố, giống như người đàn anh PS2.
Ý nghĩa của các tháp trắng
Hình ảnh kinh điển nhất của PlayStation 2 có lẽ là khi bắt đầu khởi động máy, người chơi sẽ nhìn thấy trên màn hình là những toàn tháp trắng. Hồi bé, tôi đã liên tưởng nó tới hình ảnh những tòa nhà chọc trời của một thành phố nhin từ trên cao xuống. Ban đầu, ai cũng cho rằng đó chỉ đơn giản là một cách khởi động thiết bị theo phong cách riêng của Sony mà thôi.
Phải một thời gian dài về sau, chúng ta mới biết mỗi tòa tháp biểu trưng cho một tệp trò chơi mà người dùng đã lưu trong thẻ nhớ. Và khi bạn tháo thẻ nhớ ra, màn hình khởi động sẽ chẳng còn tòa tháp nào cả. Đây thực sự là một cách mở màn khá hay và tinh tế của Sony. Tiếc rằng màn hình khởi động của PS3 và cả PS4 đã được Sony thay đổi sang phong cách tối giản hơn.