Đồng Pi được nhiều người ưa chuộng vì tham gia nó chẳng mất gì cả lại có cơ hội kiếm tiền, nhưng với game thủ thì bài học "không mất gì cả" của game free to play đã cho họ sự cảnh giác hơn rất nhiều. Hãy cùng điểm lại sự ảo diệu của "không mất gì cả" qua bài học game miễn phí giờ chơi (Free to Play hay F2P) nhé!
Cái giá của không mất gì chính là mất một số thứ
Có thể nói game F2P là một phát kiến tuyệt vời đối với nhà làm game. Nó đưa ra một cái giá không thể tuyệt vời hơn cho game thủ khi họ bước vào game: 0 đồng! Bạn chẳng mất gì khi tham gia chơi một game F2P, không ai thu tiền mua game như trước đây nữa, cũng chẳng có hợp đồng thuê bao theo tháng như các game online đời cũ. Chỉ cần tạo tài khoản rồi nhảy vào thôi.
Thời nay đi đâu cũng thấy cụm từ Free to Play
Nhưng đến một giai đoạn nào đó, game thủ giật mình tỉnh giấc và nhận ra mình mất rất nhiều, đôi khi là nhiều hơn so với cái giá chuẩn 60 USD (gần 1,4 triệu đồng) cho một game AAA. Đến lúc này sau hơn chục năm tồn tại, chắc hẳn ai cũng biết bộ mặt thật của F2P và thật sự cái "không mất gì" chỉ là tấm bình phong.
Các game F2P luôn được thiết kế để người chơi bị thôi thúc phải nạp tiền và càng bị cuốn hút thì càng nạp "gắt" hơn nữa. Từ những món lặt vặt chưa tới 10.000đ cho đến một món cực phẩm giá đến 1.000.000đ hay 600.000đ cho 10 lượt quay tướng. Người chơi một khi đã cay cú là trút hết túi ra để "khô máu" nhằm đạt được cái mình muốn.
Muốn mạnh hả? Nạp lần đầu đi
Có rất nhiều chỗ để đánh vào và khiến người chơi bị thôi thúc phải nạp tiền. Chạy đua sức mạnh là một khía cạnh khai thác phổ biến. Người chơi sẽ ngày càng yếu và hụt hơi nếu không nạp tiền, level càng cao quái càng mạnh và phải nhè ra chút gì đó để tăng trang bị cho nhân vật. Hầu hết các game mobile nhập vai đều ứng dụng điều này để kích người chơi móc hầu bao chạy đua vũ trang.
Gacha là một mỏ tiền mới được phát hiện sau này của F2P. Game sẽ được thiết kế cực đẹp, dàn nhân vật cực kỳ hào nhoáng hoặc là sản phẩm hợp tác với các thương hiệu lớn. Mục đích là để người chơi bỏ tiền ra sưu tập càng đầy đủ càng tốt dàn "waifu" hay "husbando" cho mình qua hình thức quay lootbox. Những cái tên huyền thoại có thể kể ra như Fate/Grand Order, Âm Dương Sư, Honkai Impact 3 và mới nhất là Genshin Impact.
Game Gacha luôn có những nhân vật cực kỳ hấp dẫn
Và còn một dạng đào tiền êm ái hơn nữa mà một số game mobile thực hiện, đó chính là chạy quảng cáo. Không ít game dạng casual giải trí trên các sàn như Google Play hay Apple Store cung cấp miễn phí cho người chơi một sản phẩm vừa đẹp vừa chất lượng. Nhưng bạn phải bỏ tiền ra mua kim cương để trang trải các mua sắm trong game hoặc nếu không có tiền bạn sẽ xem một đoạn quảng cáo để đánh đổi.
Phương pháp này lợi dụng ngay cả những game thủ nghèo nhất, bằng cách biến họ thành những cỗ máy cày view quảng cáo và thu tiền về cho nhà sản xuất. Các mạng quảng cáo như Google Ads sẽ chi trả thay cho người chơi chi phí chơi game. Dù sao thì nó cũng ít ảnh hưởng túi tiền của người chơi hơn những cách khác.
Pi sẽ là một game F2P mới?
Giờ chúng ta sẽ dự đoán xem Pi Network hay đồng tiền kỹ thuật số Pi đang trở thành trào lưu hiện nay sẽ trục lợi từ người dùng theo những cách nào nhé! Với một góc nhìn đặc biệt từ game thủ, và xem Pi như một game chúng ta sẽ thấy nhiều điều hay ho.
Lời chào khi tham gia Pi Network
Bắt đầu bằng cách thuyết phục người dùng chẳng mất gì, mỗi ngày chỉ mở điện thoại bấm nhận tiền mà mình tích lũy tự động. Bạn có thể liên tưởng nó với các game F2P dạng rảnh tay (Idle Game), nhưng tất nhiên Pi sẽ không dụ bạn nạp tiền như kiểu truyền thống. Bạn sẽ cung cấp cho nhà sản xuất những tài nguyên để làm ra tiền tương tự nhưng xem quảng cáo đổi lấy kim cương.
Đầu tiên là dữ liệu nhân khẩu học của bạn, Facebook đã mất nhiều công sức để bạn khai báo tên thật, quốc gia, số điện thoại… và dùng nó để tăng độ chính xác cho quảng cáo. Với bạn đó là "không mất gì" nhưng kho dữ liệu đó là cực kỳ đắt giá nếu sở hữu ở số lượng trăm ngàn đến triệu người. Vụ bê bối giữa Facebook và Cambridge Analytica đã cho thấy giá trị của những thông tin tưởng chừng "không mất gì" như vậy.
Người dùng được yêu cầu khai báo tên, Facebook và điện thoại thật để có thể rút Pi
Pi Network yêu cầu bạn khai báo tất cả những thứ trên kèm lời dọa nếu không bạn sẽ khó hoặc thậm chí không rút số Pi của mình ra được.
Nguồn thu thứ 2 chính là quảng cáo, các chuyên gia sau khi giải mã ngược mã nguồn của Pi đã cho biết có tồn tại các đoạn mã chạy quảng cáo. Điều này cho thấy Pi có khả năng sẽ đẩy mạnh việc hiện quảng cáo trong app và thu tiền, không chỉ giới hạn ở quảng cáo đơn giản khi mở app lên hàng ngày mà có thể sẽ có nhiều cách cày quảng cáo khác. Bạn sẽ không mất gì ngoài việc cung cấp 1 view cho quảng cáo và Pi sẽ nhận tiền đó từ nhà quảng cáo. Hoặc họ có thể tiến xa hơn nữa là trả Pi cho các mẫu quảng cáo bạn bấm vào xem.
Tất nhiên bạn không mất gì, chỉ mất ít thời gian làm zombie xem quảng cáo cho người khác thu lợi.
Sự ảo diệu của ý tưởng tỷ đô
Game F2P tưởng không mất gì đã có doanh thu đến hàng tỷ USD trong năm 2020. Trong bảng xếp hạng top 10 game F2P doanh thu toàn cầu khủng nhất năm 2020 thì Vương Giả Vinh Diệu xếp đầu với 2,45 tỷ USD. Bạn thì "không mất gì" nhưng nhà làm game bỏ túi tỷ đô, có bao giờ bạn tự hỏi tiền đó từ đâu ra?
Top 10 game F2P có doanh thu cao nhất năm 2020 (Nguồn: Super Data)
Bài viết này không phải để "vạch trần" đồng Pi cũng không khuyên bạn tham gia hay không. Thông qua bài viết này tôi chỉ muốn thông tin đến bạn một sự ảo diệu trong cách kiếm tiền từ game thủ của những nhà lập trình game (và cả Pi). Đôi khi bạn bị họ thuyết phục một cách khéo léo để trả tiền, đôi khi bạn được họ dùng như một lực lượng trung gian để "cày view" quảng cáo và họ vẫn thu tiền, bạn chỉ mất vài giây để xem một mẩu quáng cáo. Có thể xem như một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đó thực sự là một điều ảo diệu.