Bộ PC mà bạn đang xài hẳn sẽ được một cục nguồn bự (PSU) lấy điện từ ổ điện rồi chuyển nó thành dòng điện một chiều để cấp cho các linh kiện bên trong máy hoạt động. Vậy thì tại sao trên bo mạch chủ lại có thêm một cục pin cúc áo gắn trên đó? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Nguồn gốc của cục pin CMOSNgày trước, sở dĩ có cục pin nằm ở đó là để cấp điện cho một con chip gọi là CMOS (Complementary Metal-Oxide-Semiconductor). Cơ bản thì lúc đó, đây là con chip dùng để lưu các thiết lập BIOS (Basic Input/Output System) vào bên trong. BIOS chính là thứ đảm nhận vai trò điều khiển những thiết lập cấp thấp (low level) và khởi động các phần cứng khi bạn mở máy tính.
Tuy nhiên, con chip CMOS lưu những thiết lập này lại thuộc dạng bộ nhớ điện động (volatile), nghĩa là tất cả các thiết lập sẽ biến mất khi con chip không còn được cấp điện. Và vì không phải ai cũng để máy tính chạy 24/7 nên các hãng bo mạch chủ đã gắn thêm viên pin cúc áo lên trên mainboard để đảm bảo rằng các thiết lập vẫn được lưu lại khi mất điện từ PSU.
Tua nhanh đến thời điểm hiện tại thì các hãng bo mạch chủ không còn dùng CMOS để lưu các thiết lập BIOS vào trong đó nữa. Một phần là vì những con chip CMOS cũ này chỉ lưu được có 128 bytes mà thôi, trong khi hệ thống bây giờ cần lưu trữ rất nhiều dữ liệu BIOS. Thế nên thay vào đó, họ chọn cách sử dụng con chip có RAM điện tĩnh (non-volatile RAM). Chúng không chỉ có dung lượng cao hơn mà còn có thể lưu dữ liệu ngay cả khi bo mạch chủ mất điện.
Mục đích của pin CMOS ngày nayVậy thì mục đích của cục pin trên bo mạch chủ lúc này là gì? Cũng đơn giản thôi các bạn ạ, đó là vì trên bo mạch chủ vẫn còn… một con chip CMOS khác trên đó. Nhưng thay vì phải chứa dữ liệu của BIOS thì con chip này hầu như chỉ có 1 mục đích duy nhất là để chạy đồng hồ trong máy tính. Cũng giống như đồng hồ đeo tay, PC của bạn sẽ cần một nguồn điện để duy trì đồng hồ luôn chạy đúng giờ ngay cả khi bạn đã rút dây nguồn.
Có một điều thú vị là nhiều máy chủ có thể duy trì thời gian trên đồng hồ một cách chính xác mà không cần viên pin CMOS, ngay cả khi mất điện. Trong trường hợp này, thay vì dùng pin CMOS để lưu thời gian theo kiểu cục bộ thì máy chủ sẽ thường kết nối đến máy chủ NTP (Network Time Protocol) khi khởi động. NTP là một giao thức dùng để kết nối đến máy chủ khác thông qua Internet để lấy thông tin về thời gian một cách chính xác nhất.
Phương pháp này không mấy thông dụng đối với người dùng PC phổ thông nên viên pin CMOS trên bo mạch chủ của bạn vẫn đóng vai trò quan trọng. Thực chất, nếu bạn gỡ viên pin này ra khỏi bo mạch chủ thì khả năng cao là các thiết lập BIOS của bạn cũng sẽ bị xóa sổ luôn, y như ngày trước vậy. Lý do là vì chúng ta đã thói quen tháo pin CMOS để reset BIOS từ bao năm qua rồi, thế nên hầu hết hãng sản xuất PC vẫn giữ chức năng này lại để xóa các thiết lập trong BIOS cho tiện. Dù vậy, một số hãng bo mạch chủ vẫn trang bị thêm nút xóa thiết lập BIOS (Clear CMOS) hẳn hoi trên mainboard hoặc là ở mặt I/O phía sau, tạo sự tiện lợi cho người dùng.
Bạn cũng không nhất thiết phải quá bận tâm về viên pin này nhéTin vui là bạn cũng không cần phải quá quan tâm về cục pin CMOS này đâu. Chúng có thể chạy trong nhiều năm liền trước khi cần phải thay thế, và khi hết pin thì mua cục mới gắn vô cũng khá là dễ dàng. Nhưng cẩn tắc vô áy náy, bạn vẫn nên có một bản sao lưu thiết lập BIOS nằm ở một nơi khác, phòng trường hợp mất trắng thì vẫn còn phục hồi lại được nhé.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Nguồn Techquickie biên dịch GVN360