We Were Here: Hành trình ở xứ tuyết trắng P.1

We Were Here là một tựa game co-op giải đố với những hình ảnh ẩn dụ khó hiểu, kèm với đó là câu chuyện về một tòa lâu đài bị nguyền rủa.

Khi nhắc đến game co-op, ta sẽ nghĩ ngay về những cái tên đã quá quen thuộc như Human: Fall Flat, Don’t Starve Together, hay gần đây nhất là It Takes Two với lối chơi phối hợp đầy thú vị. Nhưng hôm nay tôi muốn giới thiệu đến các bạn một gương mặt đến từ Hà Lan cũng xuất sắc không kém mang tên We Were Here.

Bạn cứ yên tâm vì chất lượng của game đã được công nhận khi phần 4 với tên gọi We Were Here Forever ra mắt hồi tháng 5 đã nhận được vô số lời đánh giá tích cực trên Steam. Vậy We Were Here là tựa game như thế nào mà lại thành công đến thế? Anh em hãy cùng Mọt tôi tìm hiểu nhé, bắt đầu nào.

Lạc bước vào lâu đài tuyết trắng

Ra mắt ngày 3 tháng 2 năm 2017, phần đầu tiên của We Were Here nhanh chóng nhận được hơn 20 nghìn đánh giá tích cực trên Steam và đoạt luôn giải thưởng Best Indie Game Award tại Indigo showcase tổ chức ở Hà Lan. Những thành công đó đã mở đường cho một series hấp dẫn gồm bốn phần game khác lần lượt là We Were Here ra mắt năm 2017, We Were Here Too năm 2018, We Were Here Together vào năm 2019.

Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid, phần thứ tư We Were Here Forever cũng vừa được phát hành hồi tháng 5 năm 2022. Dù mỗi phần là một câu chuyện khác nhau nhưng nội dung của chúng lại có sự liên kết mật thiết với nhau, vì vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ hai phần game đầu tiên là We Were Here và We Were Here Too cho dễ hiểu nhé.

Mở đầu của We Were Here, bạn và những người khác đang thực hiện một chuyến thám hiểm trên ngọn núi tuyết không người sinh sống, nhưng do bão tuyết quá lớn nên nhóm của bạn đã mất dấu nhau, sau khi bắn pháo sáng phát tín hiệu cho những người khác, bạn và người đồng hành còn lại tìm thấy một tòa lâu đài giữa núi tuyết và quyết định vào đó trú ẩn.

Cả hai bị một người bí ẩn tấn công ngay khi vừa đặt chân vào bên trong lâu đài, khi tỉnh dậy bạn thấy mình đang ở một nơi nào đó bên trong lâu đài, còn bạn đồng hành của bạn thì không thấy đâu. Vì vậy bạn bắt đầu chuyến hành trình bên trong lâu đài bí ẩn để tìm ra người bạn đồng hành đã thất lạc.

Bạn đồng hành của bạn lúc này đang bị giam giữ trong thư viện của tòa lâu đài, cả hai có thể liên lạc thông qua chiếc bộ đàm nhặt được. Cả hai sẽ phải trao đổi thông tin với nhau để có thể mở được tất cả các cánh cửa bên trong lâu đài và gặp được nhau. 

Chuyến hành trình của bạn sẽ không hề suôn sẻ vì cả hai sẽ phải vượt qua những thử thách khó nhằn được thiết kế tinh vi bên trong lâu đài, nếu không thể vượt qua thử thách, bạn có thể sẽ chết bằng nhiều cách khác nhau như chết đuối hoặc chết cóng giữa trời tuyết. Sau khi trải qua hết những khó khăn trên, bạn sẽ xuống một căn hầm dẫn ra khỏi lâu đài, người bạn đồng hành của bạn cũng sẽ ở đó, và cả hai cùng nhau thoát khỏi tòa lâu đài bí ẩn.

Vì là phần game mở đầu nên có thể thấy We Were Here chỉ chú ý đến trải nghiệm của người chơi. Vì vậy trong quá trình trải nghiệm, bạn sẽ khó mà tìm thấy một câu thoại, hay thậm chí là một dòng tài liệu nào giải thích về việc lâu đài này là của ai,  tại sao nó lại nằm ở giữa núi tuyết, ai là người đã đánh ngất bạn và đồng đội khi cả hai vừa vào lâu đài. Có rất ít dữ kiện giải thích cho cốt truyện của game, ngoại trừ những quyển sách và những thông tin cực kỳ rời rạc.

Phải đến tận phần hai We Were Here Too, những câu hỏi trên mới dần được hé lộ một cách rõ ràng hơn. Trong We Were Here Too, bạn lại được vào vai một thành viên của nhóm thám hiểm núi tuyết, bị lạc nhóm trong cơn bão và tình cờ đặt chân đến tòa lâu đài kỳ lạ ở phần 1. Lúc này bên trong lâu đài có 3 cánh cửa, 2 trong số 3 cánh cửa đó đang mở. Trên sàn là một vệt tuyết dài kéo từ cửa lớn đến cánh cửa ở giữa.

Bạn và người đồng hành quyết định chia ra hành động, mỗi người sẽ bước vào một cánh cửa khác nhau và liên lạc thông qua chiếc bộ đàm như ở phần 1. Trong quá trình thoát ra khỏi nơi kỳ quái này, cả hai sẽ phải đối diện với những cạm bẫy được bố trí bên trong lâu đài. Sau khi đã giải mã hết toàn bộ những thử thách trên, bạn sẽ gặp lại chiến hữu và cùng nhau thoát khỏi toàn lâu đài kỳ lạ.

Câu chuyện thật sự của tòa lâu đài

Sau khi tổng hợp tất cả dữ kiện lẫn thông tin rời rạc tìm được trong trò chơi và tham khảo từ những anh em nước ngoài, ta sẽ được một cốt truyện tương đối hoàn chỉnh như sau. Tòa lâu này đã tồn tại từ thế kỷ 16, lúc đó khu vực này thuộc đất nước Amber Adelaide, dưới sự cai trị của nhà vua Bartholomeus. 

Dựa vào những họa tiết trang trí xuất hiện trên những lá cờ và quyển sách trong trò chơi, có thể thấy câu chuyện xoay quanh 4 người là đức vua Bartholomeus với hình ảnh tượng trưng là con sói. Hoàng hậu Leonora xuất hiện thông qua lá cờ hình con công, cận thần Jester là con gấu mèo và cuối cùng cai ngục Brutus với lá cờ hình con lợn rừng.

Ngoài bốn lá cờ trên, ta còn thấy bốn lá cờ sở hữu hình ảnh những con vật khác như hươu, đại bàng, chồn và con lửng xuất hiện trong trò chơi. Chúng sẽ đại diện cho những nhân vật khác đã từng tiến hành nghi lễ với nhà vua, còn nghi lễ đó là gì, tôi sẽ nói ở phần sau. Dựa vào vở kịch ở phần We Were Here và những quyển sách, ta biết rằng sau khi vua Bartholomeus kết hôn với hoàng hậu Leonora, cả hai đã có với nhau 5 người con.

Trong đó 3 người con gái lần lượt là Emilia, Katja và Charlotte, còn 2 hoàng tử là Jan và Phillip. Có giả thuyết họ còn một người con trai khác tên Valdemar nhưng điều đó không chính xác. Trong quyển nhật ký của nữ hoàng Leonora mà ta tìm được có dòng chữ “Sau cái chết của vị hôn phu Valdemar và đứa con yêu quý của ta, Emilia dần trở nên…”, điều này đồng nghĩa Valdemar thật ra là hôn phu của công chúa Emilia chứ không phải con của vua và hoàng hậu.

Trong 5 người con đó, nàng công chúa út Charlotte đã qua đời khi còn nhỏ vì bệnh tật, không lâu sau, nhị hoàng tử Philip cũng qua đời vì mắc căn bệnh “Quỷ lửa”. Dựa vào mô tả trong trò chơi, tôi nghĩ bệnh “Quỷ lửa” thật ra là bệnh sởi vì triệu chứng đặc trưng là những nốt phát ban màu đỏ. Cái chết của hai đứa con nhỏ nhất đã khiến hoàng hậu Leonora đau buồn đến mức tạo ra khoảng cách lớn giữa bà và vua Bartholomeus. 

Dù tuyệt vọng với tình cảnh hiện tại nhưng nhà vua không thể làm cách nào khác và tai họa vẫn không buông tha cho ông. Đến đây, nếu để ý thì ở phần 2 mang tên We Were Here Too, bạn sẽ nhận ra hai nhân vật mà mình điều khiển sẽ tượng trưng cho hai nhân vật là nhà vua và hoàng hậu, dựa vào ký hiệu nhỏ trên các cánh cửa ở ngay đầu trò chơi.

Trong màn chơi đánh trận, với vai trò người đóng vai nhà vua, bạn sẽ phải đánh bại một nhóm hiệp sĩ và cuối cùng là tấn công vào một tòa thành trông giống như lâu đài để hạ gục hai nhân vật đang canh giữ tòa tháp. Khi màn chơi kết thúc, bạn sẽ nghe thấy giọng của nhà vua nhắc đến tên hai người con trai và lời cảm thán ta đã làm gì thế này.

Trong quyển sách Amber Adelaide, ta sẽ thấy hai cái tên Jan và Valdemar nằm ở dòng cuối, kèm dòng chữ “Ta đã làm gì thế này”. Có giả thuyết cho rằng quyển sách này là của vua Bartholomeus, nhưng tôi lại nghĩ khả năng nó là của Brutus cao hơn. Cụ thể vì góc dưới của quyển sách có ký hiệu hình heo rừng tượng trưng cho Brutus, nên quyển sách này hẳn phải thuộc về cai ngục Brutus.

Ta có thể kết luận rằng sau cái chết của con trai thứ Phillip, người con trai cả Jan và hôn phu Valdemar của công chúa Emilia cũng lần lượt qua đời trong một trận chiến dữ dội do vua Bartholomeus khởi xướng. Bên cạnh đó cái chết của hai người đó rất có thể có liên quan đến cai ngục Brutus. Đau buồn trước sự ra đi của vị hôn phu, công chúa Emilia dần trở nên xa cách với cha mẹ và thường xuyên vào rừng săn bắn.

Nàng công chúa còn lại là Katja vì không có sự bảo vệ của các anh chị em nên dễ dàng bị lừa và bắt đầu tìm kiếm sự an ủi từ gã đàn ông xấu xa. Gia đình tan đàn xẻ nghé vì những vấn đề khác nhau, không có gì lạ khi hoàng hậu Leonora trở nên suy sụp và phản bội đức vua Bartholomeus khi bắt đầu tìm kiếm sự an ủi từ một tình yêu khác. 

Dựa vào lá thư tình có ký hiệu chữ L của hoàng hậu Leonora gửi một người đàn ông tên B, trong lá thư hoàng hậu có nói rằng “tình yêu này thật sai trái”. Dù B có thể là viết tắt của Bartholomeus nhưng nếu người nhận lá thư là nhà vua, vậy tại sao hoàng hậu lại viết thêm câu này vào? Giải thích hợp lý duy nhất trong trường hợp này thì chữ B đó không phải viết tắt của Bartholomeus mà là Brutus.

Về sau ta sẽ còn tìm thấy lá thư tình thứ hai do Brutus gửi cho Leonora, vậy nên hoàng hậu thật ra đang lén ngoại tình với gã cai ngục Brutus ở sau lưng nhà vua. Đến đây, ta hãy nhớ lại quyển sách với hai cái tên ở dòng cuối là Jan và Valdemar được cho là của Brutus. Có người chơi giả thuyết rằng nữ hoàng đã ngoại tình với Brutus trước khi mang thai và Jan thật ra là con trai của Brutus nên dòng chữ “Ta đã làm gì thế này” miêu tả sự hối hận của Brutus khi lỡ tay hạ sát con mình.

Nhưng khoan, nếu theo giả thuyết đó thì tôi không nghĩ Brutus có liên quan đến cái chết của Jan và Valdemar vì ông ta chẳng có lý do gì để làm điều đó. Cách giải thích duy nhất tôi nghĩ đến là, Valdemar thật ra là con trai của Brutus, ông ta vốn muốn hại chết Jan để không còn người thừa kế ngai vàng và đưa con trai mình lên nắm quyền, nhưng không ngờ lại hại chết cả chính con trai ruột của mình.

Không lâu sau đó, nhà vua phát hiện chuyện hoàng hậu tặng cho mình một cặp sừng rất dài và bắt đầu phát điên giết hết những người trong lâu đài. Bằng chứng cho điều này là trong phần We Were Here đầu tiên, ta sẽ nhìn thấy một vở kịch nhỏ với nội dung kể về một vị vua đã phát điên và làm gỏi hết tất cả mọi người. Nhưng khoan, nếu thế thì nghi lễ mà tôi nhắc đến ở trên xuất hiện ở đâu trong câu chuyện?

Dựa vào những quyển sách, ta biết rằng sau khi phát hiện hoàng hậu ngoại tình, nhà vua đã quyết định ăn chơi trác táng và làm đủ mọi cách để có thêm người thừa kế mới, chẳng hạn như ngủ với nhiều cô gái càng tốt. Nhưng việc này có vẻ không mấy tiến triển vì nhà vua như mắc một lời nguyền nào đó khiến những đứa con trai sau này của ông ta lần lượt chết đi.

Rơi vào tuyệt vọng, nhà vua bắt đầu đổ lỗi cho cả thời gian và xây dựng đấu trường sinh tử để tự mua vui cho bản thân. Đó là lúc nhà vua gặp được cận thần Jester. Trong phần 1 và phần 2, Jester không được nhắc nhiều trong trò chơi, nhưng bạn có thể bắt gặp gã ở một vài nơi trong lâu đài. Vì thông tin của hai phần này không rõ ràng nên có thể Jester hoặc một bên thứ ba đã xúi giục nhà vua thực hiện một nghi thức để trở nên bất tử, nhưng chắc chắn Jester có nhúng tay phần nào trong vụ này.

Trong trò chơi, ta sẽ biết rằng Jester thật ra đang bị ảnh hưởng bởi một lực lượng tà ác nào đó, vậy nên trước mắt đừng vội kết luận rằng liệu gã có phải là người đã xúi giục nhà vua hay không. Nhưng đến hiện tại, ta tạm thời kết luận được rằng sau khi nghi lễ kết thúc, những người trong lâu đài đã chết, còn nhà vua, Jester, và có lẽ là cả những nhân vật khác dính dáng đến nghi lễ như Brutus và linh mục cũng trở nên bất tử và họ còn đang trú ẩn trong lâu đài.

Ngoài ra, có một cô gái bí ẩn, ta sẽ tạm gọi là Cô gái chờ đợi, đã đem lòng yêu hoàng tử Jan và có mối quan hệ rất thân thiết với nữ hoàng Leonora. Nhưng giống với Jester, cô gái đó cũng không được nhắc nhiều ở 2 phần chơi này. Đến hiện tại ta vẫn không rõ tại sao nhân vật chính lại bị đưa đến nơi này, tại sao Jan và Valdemar lại chết, những nhân vật bí ẩn khác như linh mục là ai… Vậy nên nếu cảm thấy tò mò thì, hy vọng anh em có thể ủng hộ video này và ta sẽ hẹn gặp nhau ở cốt truyện những phần tiếp theo của We Were Here nhé! Tạm biệt!

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé!