Xuyên không bị lỗi hay câu chuyện về các nhân vật game đối kháng bất ngờ đi nhầm chỗ - PC/Console

Game đối kháng thường sở hữu các võ sĩ rất cân bằng về sức mạnh thế nhưng trong một vài trò chơi điển hình, điều này không thật sự chính xác cho lắm.

Game đối kháng. Chỉ nghe cái tên thôi người ta đã hiểu cách để thể loại trò chơi này vận hành. Vẫn hai (hoặc nhiều hơn) người chơi đối đầu với nhau, sử dụng những kiến thức của họ về đối kháng để tấn công, đỡ, phản đòn hay di chuyển nhảy nhót làm đối thủ sai lầm khi phán đoán. Những trò chơi kiểu đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cân bằng giữa các nhân vật cùng mechanic game có nhận được sự ủng hộ từ phía người chơi hay không.

Sự thật không phải ai cũng biết về Mortal Kombat
Sự thật không phải ai cũng biết về Mortal Kombat
Đằng sau Mortal Kombat – biểu tượng của ngành công nghiệp game là những câu chuyện rất thú vị mà không phải người hâm mộ nào cũng biết tới.

Tuy nhiên vẫn có những đấu sĩ ngược đời, thay vì hòa hợp cùng lối chơi tổng thể, bọn họ lại có cách chiến đấu hết sức độc đáo khiến toàn bộ tựa game bị ảnh hưởng. Dĩ nhiên chỉ có hai trường hợp xảy ra, nếu kẻ đó quá nổi tiếng cũng như khán giả thích cái cách mà hắn chiến đấu thì trò chơi sẽ phải thay đổi để chiều lòng các “thượng đế”. Còn ở hướng ngược lại thì đấu sĩ đó sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Hãy xem qua những dân chơi đã khiến một số game đối kháng trở nên mất cân bằng dưới đây!

Pháp sư cận chiến lại tái xuất giang hồ

Smash Bros. được biết đến với phong cách quen thuộc, đó là tập hợp một đống các nhân vật nổi tiếng từ những thương hiệu cũng rất nổi tiếng của Nintendo, sau đó cho bọn họ tâm sự về nhân sinh lẫn cuộc sống bằng tay chân, tức là đánh nhau ra trò ấy. Nhiều nhân vật đến từ nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó không thiếu các game nhập vai theo lượt. Tất nhiên chuyển thể một nhân vật vốn chỉ đánh nhau theo lượt sang trò chơi với những đoàn combo liên hoàn nghe có vẻ khó khăn nhưng thực tế  Smash Bros. đã rất nhiều lần thực hiện thành công với các nhân vật từ Pokémon, Fire Emblem, Persona và thậm chí cả Final Fantasy. Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi người anh hùng trong Dragon Quest 11 gia nhập và khiến mọi thứ lộn tùng phèo.

Nếu là dân từng chơi nhập vai theo lượt hẳn bạn biết đến thứ được gọi với cái tên tỉ lệ gây sát thương chí mạng sau một số đòn tấn công nhất định? Điều này không gây vấn đề gì cả cho đến khi người anh hùng từ Dragon Quest mang chúng vào một game đối kháng như Super Smash Bros. Ultimate. Nghĩ mà coi, khi vận khí bạo rạp tên anh hùng của Dấu Ấn Rồng Thiêng có thể kéo tụt của đối thủ hơn ¾ thanh máu chỉ sau vài phát tấn công gây ra sát thương chí mạng. Bên cạnh khả năng tấn công vật lý, thằng cha còn sở hữu cả một kho thần chú cực kỳ hữu dụng như cầu lửa để tấn công, đóng băng, ru ngủ hay tự phục hồi lượng HP mất đi. Không khác gì pháp sư cận chiến Gandalf bật hack trong Chúa Nhẫn và nó khiến game mất cân bằng nghiêm trọng. Ngạc nhiên thay khi NSX lại không có động thái nào để loại bỏ vị “anh hùng’ này và người chơi chỉ còn cách tự thỏa thuận cùng nhau trước là sẽ không chọn nhân vật quá bá đạo này mỗi khi đánh giải.

Luật sư biện hộ mới là võ sĩ mạnh nhất

Một công tố viên hắc ám có thể trở thành phản diện trong thế giới của DC Comic nhưng đây là Marvel và chẳng ai hiểu gã luật sư Phoenix Wright giữ vai trò gì khi tham gia góp mặt trong game Ultimate Marvel vs. Capcom 3 cả. Tất nhiên anh ta trông cũng quái lạ như bất cứ tay nhân viên văn phòng nào đi lạc vô võ đài của mấy gã siêu nhân cùng bọn người nhưng không giống người chút nào ở các tựa game đối kháng. Nhìn chung cách mà Phoenix Wright đấm đá cũng không tệ, ngoài quyền cước anh còn sử dụng các tập hồ sơ vụ án như ám khí để ném vào kẻ thù hay triệu cô thư ký Mayoi Ayasato để khiến chúng phân tâm trong chốc lát. Thậm chí một vài chiêu thức quái gở còn có phần mất vệ sinh hơn như ném cặp đựng tài liệu vào người đối thủ hay hắt xì vào mặt cũng được Wright tận dụng triệt để.

Nếu cuối cùng chỉ như vậy bất quá Phoenix Wright cũng như bất cứ cameo nào khác mà Capcom hay dùng trong cách game đối kháng cross-over của họ. Nhưng lần này Wright còn có tam đại tuyệt kỹ gồm investigation, courtroom và turnabout. Investigation, như tên gọi cho phép gã luật sư tạm thời gia tăng sát thương đồng thời trở nên trâu bò một cách phi lô-gic. Đáng ngại hơn sau mỗi lần dùng investigation Phoenix Wright có thể thu thập 3 manh mối để tiến hành thẩm vấn đối phương. Nếu tất cả các manh mối đều hữu hiệu, Phoenix Wright bắt đầu đưa đối phương vào trạng thái courtroom và turnabout. Lúc này hắn trở lại nghề nghiệp quen thuộc, còn kẻ địch cứ như một tên tội phạm nhỏ yếu không có sức kháng cự trước tòa án tối cao vậy. Sau vụ xử đối phương sẽ bị tuyên án có tội và phán K.O. ngay lập tức. Bằng tam đại tuyệt kỹ cực kỳ quái đản này, Wright gần như không có đối thủ trong game, kể cả đó là Hulk.

Chiều cao đàn ông tính từ đầu lên tới trời

Đó là câu nói nổi tiếng của hoàng đế Napoleon Bonaparte nhưng các game thủ Soulcalibur IV hẳn sẽ thấm thía sâu sắc ý nghĩa của phát biểu này mỗi khi chạm trán nhân vật Yoda. Tương tự Darth Vader và Starkille, Yoda cũng là một thành viên cameo đến từ thế giới Force Unleashed nhưng khác với hai kẻ đồng nhiệm trông cũng không khác biệt mấy với các đấu sĩ sẵn có (bất chấp chấp việc họ dùng kiếm laser) bậc thầy Jedi khiến đối thủ gặp khó khăn rất nhiều. Sự khó chịu không đến từ kiếm thuật siêu quần hay thần lực quái lạ đặc trưng mà vì chiều cao quá khó đỡ của ông ta.

Đầu tiên, mọi đòn vật ném (grab) đều không có tác dụng và mọi nỗ lực thi triển đều rơi vào khoảng không phía trên đầu của ông ta. Những đòn tấn công tầm trung và tầm cao cũng bị nhân vật này xem như không thấy, tất cả những việc mà Yoda cần làm để né đòn chính là ngồi sụp xuống. Nhìn chung người ta vẫn có thể dùng các đòn gạt chân hay quét kiếm để tấn công gã sư phụ Jedi thiếu thước tấc này nhưng xin lỗi một game đối kháng không được thiết lập để vận hành theo kiểu kỳ quái như vậy.

Khi kỹ năng thất truyền có thể bị đánh cắp

Cho phép nhân vật có kỹ năng chôm chỉa chiêu thức của đối thủ không phải là yếu tố quá xa lạ trong các game đối kháng. Từ năm 1992, Shang Tsung của Mortal Kombat đã khiến người ta trầm trồ bởi chiêu biến thân sau đó sử dụng thành thạo chính chiêu thức của đối phương để phản kích. Biến sức mạnh của kẻ thù trở thành một phần của bản thân luôn là một kỹ năng thú vị mà không phải nhân vật nào cũng được được NSX ưu ái trang bị. Thế nên khi Double của Skullgirl ra mắt mọi người chơi đều tò mò tự hỏi liệu quái vật có khả năng biến đổi hình dạng này có thể làm được những gì.

Trong phiên bản đầu tiên, tựa game đối kháng 2D do Reverge Labs sản xuất có tổng cộng 16 nhân vật và đáng ngạc nhiên vô cùng khi Double có thể biến hình để sử dụng bộ kỹ năng của 7 người trong số đó để chiến đấu. Dường như cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, Reverge Labs còn sáng tạo mạnh mẽ hơn khi cho phép tuyệt chiêu Nightmare Legion của Double lại có thể biến hóa thành 14 kỹ năng của các nhân vật khác, hơn phân nửa trong số đó là các NPC mà người chơi rất khao khát nhưng không bao giờ được sử dụng. Điều thú vị cuối cùng chính là các chiêu thức mà Double chôm của kẻ khác có khi vẫn được họ dùng trong bản game chính thức nhưng cũng có khi lại là các chiêu bị NSX loại bỏ trước khi trò chơi ra mắt, điều đó làm chúng trở nên vô cùng đặc biệt.

M-16 đã được sản xuất thành công từ thời Edo?

Trong các game đối kháng thường có một hệ quy chiếu bất thành văn về phong cách chiến đấu của từng võ sĩ. Ví dụ như Tekken ở thời hiện đại nhưng vì trò chơi mang tên Thiết Quyền thế nên tất cả đều đánh nhau bằng tay không ngoại trừ tên biến thái Yoshimitsu luôn ưa thích dùng đao chặt người khác. Ví dụ này có thể không chính xác trong mọi trường hợp nhưng ít nhất chúng ta đều biết rằng một game đối kháng thì không được dùng vũ khi (hoặc rất hạn chế) bởi nếu một võ sĩ nào đó cầm AK-47 lên sàn đấu thì chơi bời kiểu gì nữa. Tuy nhiên những người thiết kế ra Hukkyoku Tsubame lại không cho rằng điều đó là đúng nên họ quyết định cho cô ta cầm M-16 lên võ đài bất chấp trò chơi mang tên Bushido Blade 2 và các đối thủ chỉ xài vũ khí lạnh.

Tất nhiên nhân vật phá game này không thể nào xuất hiện ngay từ đầu nếu người ta không muốn trò chơi hoàn toàn bị phá hỏng. Hukkyoku Tsubame là phần thưởng nếu tay game thủ nào đó có thể phá đảo chế độ siêu khó Slash Mode trong thời gian 15 phút hoặc ít hơn. Theo tính toán của các NSX nếu có khả năng làm điều đó thì dân chơi này cũng phải rất chi là pro thế nên thưởng cho một nhân vật có thể dùng súng 1 phát KO tất cả đối thủ cũng không phải là chuyện gì tệ lắm. Họ đã tính đúng khi không bao nhiêu người có thể mở khóa Hukkyoku Tsubame nhưng chung quy vẫn có cảm giác gì đó rất sai trái khi một game thời Edo lại có một nhân vật cầm M-16.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e