KenhTinGame xin lấy nguyên văn bài viết của tác giả Thảo Thảo trên trang Cafebiz.vn
14 tuổi bỏ nhà đi vì bố cấm chơi game
Từ nhỏ Đinh Quốc Phương đã thích game, đã “theo chân các anh hàng xóm đi khắp các phố chơi game.” Nhưng gia đình anh, theo lời Phương, giống như nhiều bậc phụ huynh hồi ấy, “không nghĩ điện tử là một ngành, chỉ nghĩ là một trò chơi, đúng hơn là tệ nạn.”
Phương kể: “Gia đình mình lúc đó rất nghiêm khắc. Anh chị mình mải chơi làm bố mẹ buồn lòng, coi mình là niềm hy vọng cuối cùng, bảo: phải ăn học mới có tương lai.
Lúc đó (năm Phương 14 tuổi – PV), bố hỏi sau này thích làm gì. Mình bảo mình thích viết báo game. Rồi bố mẹ không cho tiền mình vì sợ mình sa đà vào tệ nạn điện tử theo cách nghĩ của họ. Không có tiền nhưng mê game, mình vẫn trốn ra quán đứng xem các anh lớn chơi thôi nhưng vẫn bị bố mẹ đánh đòn vì hiểu lầm mình trộm tiền chơi game.”
Năm đó Phương thường xuyên bị nhốt trong nhà. “Cảm giác đứng từ trên tầng nhìn xuống thấy những đứa trẻ khác chơi đá bóng này nọ, mình cảm thấy mất tự do. Cảm giác đó đã thôi thúc mình,” 9x nhớ lại.
Thế là Phương quyết bỏ nhà đi năm 14 tuổi – khi còn chưa học xong lớp 8, sau một lần cãi nhau với bố.
Mình không biết nơi đó là đâu, chỉ biết là phải chạy qua cái con đê đấy, phải vượt tường rất cao. Vượt qua bờ tường đấy thì gia đình sẽ không biết mình đi đâu…
Phương kể: “Lúc đó vốn mang tư tưởng của một đứa trẻ bị đánh mất tự do. Khi mình bước chân ra khỏi nhà, tâm trạng rất thoải mái. Mình “phi” một phát ra An Dương.”
Hồi đấy nhà Đinh Quốc Phương ở phố Phó Đức Chính, Ba Đình, Hà Nội. Từ Phó Đức Chính đi qua phố Yên Phụ là đến An Dương.
“An Dương là một cái đê. Sau này mới biết đó là An Dương, chứ lúc đó không biết nơi đó là đâu. Mình chỉ biết là mình phải chạy qua cái con đê đấy, phải vượt tường rất cao. Mình nghĩ vượt qua bờ tường đấy thì gia đình không biết mình đi đâu…”
Bắt đầu bươn chải
“Đến được An Dương thì mình làm việc cho một tiệm phở, ban đầu họ rất niềm nở, cho mình ăn, uống, ở ở đấy. Hằng ngày mình bắt đầu công việc nấu nước phở lúc 4 giờ sáng, rồi mình làm tất cả các công việc như giúp việc bây giờ vậy,” Phương kể.
Nhưng tầm một tháng thì nhớ nhà, Phương xin chủ tiệm về thăm nhà thì bị đánh và nhốt. Sau đấy có người biết được và giải thoát cho Phương: “Mình về ở với bác ấy một thời gian. Rồi mình không muốn về nhà nữa vì anh rể gặp mình bảo là bố không muốn nhìn mặt mình nữa.”
“Mình thấy tội lỗi, mà vẫn tự ái. Kiểu tự ái của một đứa trẻ,” Phương nhớ lại suy nghĩ lúc đó.
3 năm sau khi bỏ nhà đi Phương làm nhiều công việc và ở nhiều nơi khác nhau, chủ yếu là công việc bưng bê, tạp vụ.
Nhưng, “công việc yêu thích nhất của mình là trực quán net. Vào thời kỳ khi ấy, những game huyền thoại như MU Online, Gunbound nở rộ ở Việt Nam, do đó các quán net cũng nổi lên rất nhiều,” Phương kể.
“Làm ở quán net thì mình có một cái máy tính. Hồi đấy quán net chưa mở xuyên đêm nên buổi đêm mình có thể ngồi đến 3 – 4 giờ sáng để viết một bài review game đăng lên diễn đàn. Cảm giác viết bài review game, sáng hôm sau dậy thấy người ta đọc bình luận, sửa câu cú cho mình, rồi người ta khen hay, thấy rất hạnh phúc. Cảm giác như mình làm cái gì đấy rất có ý nghĩa,” chàng trai bồi hồi kể lại.
“Cảm giác viết bài review game, sáng hôm sau dậy thấy người ta đọc bình luận, sửa câu cú cho mình, rồi người ta khen hay, thấy rất hạnh phúc.”
Nhưng Phương không hề có ý định về nhà: “Càng ngày mình càng đi xa, mình còn tới cả Tô Hiệu. Từ lúc anh rể bảo bố không muốn gặp mình nữa thì mình gạt gia đình ra khỏi đầu. Mình nghĩ rằng chỉ có cuộc đời mình với mình thôi.”
3 năm sau khi rời nhà thì Phương mới trở về, và là khi nghe tin bố bệnh nặng…
Phương kể lại, “Mình ở nhà với bố khoảng một tháng thì bố mất.”
“Lúc mình về, nhà không phải là nhà nữa. Nhà mình cũng bắt đầu đi xuống. Xong tang bố, mình lại đi. Mẹ bảo: Thôi, mày ở nhà đi, có gì tao nuôi. Nhưng mình bảo: Mẹ không nuôi con được đâu.”
“Lúc đấy, mình nghĩ là mình trưởng thành rồi,” Phương nói.
“Mẹ không nuôi được con đâu, sau này con phải nuôi mẹ.” Đó là những gì Phương nói với mẹ năm 17 tuổi.
Và bước ngoặt cuộc đời
“Bắt đầu có một biến cố rất hay,” chàng trai kể.
Diễn đàn Phương viết bài hồi đó – Gamethu.net – đột ngột đóng cửa và mở một trang tin. Chị mod ở đấy liền nhận Phương làm Cộng tác viên viết cho trang.
“Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời mình,” Phương nói.
Từ đó Đinh Quốc Phương chỉnh cách viết của mình cho phù hợp với văn phong viết tin, đồng thời học được tư duy làm tin, điều mà anh cho rằng “rất quan trọng với mình sau này.”
Phương cho biết công việc từ trang tin là viết tin, đánh giá game. Nhưng Phương còn tự viết ra những câu chuyện, ban đầu là chuyện ngắn, chuyện tình cảm, rồi đi phỏng vấn game thủ. Từ đây chàng trai phát hiện ra mình rất thích kể chuyện và chia sẻ.
Nhưng rồi gamethu.net không nhận Cộng tác viên nữa. Phương được giới thiệu đến tòa soạn để phỏng vấn làm nhân viên chính thức, nhưng không được nhận vì không có bằng đại học.
“Anh ấy còn nói một câu là: cái thời đại này không có bằng đại học thì em sẽ không làm được cái gì cả,” Phương kể.
“Hồi ấy mình hơi buồn,” chàng trai nhớ lại, “Nhưng mình lên search các trang tin khác, thấy khá nhiều các trang tương tự thế, mình nghĩ tại sao không đi xin chỗ khác.”
Sau đó Phương xin nhiều chỗ và được trang game4v nhận. Gắn bó ở đó 2 năm thì năm 2014, Phương về làm bộ phận truyền thông social của SohaGame – một công ty sản xuất game. Hiện tại Phương là Trưởng phòng truyền thông Social với mức thu nhập gần 20 triệu/tháng.
Và Phương đã có thể chu cấp cho mẹ anh như lời hứa lúc trước.
Trở thành “người làm cộng đồng” với hơn 20k followers
Phương giải thích về công việc của mình tại công ty:
“3 năm đầu mình seeding cho các sản phẩm game. Ví dụ như công ty sản xuất ra một game mới, mình sẽ đi tìm kiếm những cộng đồng quan tâm đến sản phẩm này. Mình học được cách xác định, tiếp cận với đối tượng. Tiếp cận xong nghĩ ra các hoạt động để họ tham gia, để họ biết đến các sản phẩm bên mình và đón nhận nó theo kiểu thân thiện nhất, tự nhiên nhất.”
Nhưng hiện tại, mọi người biết đến Phương nhiều hơn thế. Niềm vui của Phương không chỉ đến từ game, mà còn đến từ việc “làm cộng đồng.”
Anh là người thành lập của nhiều cộng đồng game như “Cộng đồng yêu game offline,” “Game không hay xóa group.” Bên cạnh đó còn những group… không liên quan gì đến game như “Phim không hay xóa group,” “Hát không hay xóa group,” hay Crush Zones. Trong số đó có những cộng đồng của công ty và do công ty chi trả chi phí, nhưng cũng có những group của riêng Phương xây dựng và vận hành.
Mỗi group Phương lập ra có từ hàng chục ngàn thậm chí trăm ngàn thành viên, với những bài viết sôi nổi cập nhật mỗi tuần; một phần nhờ tài kể chuyện thú vị, duyên dáng, rất bắt “trend” của chàng trai này. Chính Phương cũng có hơn 20 nghìn followers trên Facebook.
Phương còn tham gia những dự án mang đến lợi ích nhất định đến cho cộng đồng ngoài xã hội thực như: Gaming Room miễn phí cho các bạn đam mê làm Stream Game hay học bổng “Học Không Giỏi, Xóa Group.”
Nói Phương “ăn rồi đi lập group Facebook” thì cũng không ngoa. Hầu như nghĩ ra ý tưởng gì, thấy mọi người có mối quan tâm gì là Phương liền tạo một group về mối quan tâm đó. 9x nêu ví dụ luôn: “Mình có một cộng đồng cho người béo, nơi người béo kể những câu chuyện mặc cảm bản thân.”
Phương kể thêm: “Mình còn làm group “Động lực sống” vì thấy trong thời gian gần đây có những trường hợp trẻ vị thành niên bị áp lực từ gia đình dẫn đến tự sát. Chỉ trong vòng 3 ngày thành lập, cộng đồng đã thu hút được hơn 50 nghìn thành viên tham gia, một đêm tầm 50 bài viết tâm tư được chia sẻ.”
Phương kể về bài tâm sự gần đây của một bạn học sinh đăng lên group – nói về việc bị áp lực từ bố mẹ – được động viên bởi các thành viên khác, rồi ngậm ngùi nói: “Có thể sẽ ít đứa trẻ phải bỏ nhà đi vì bố mẹ hơn…”
Về bí quyết xây dựng một cộng đồng thành công, Phương cho hay: thành thật với cộng đồng, minh bạch về tài chính và biết tạo trào lưu để thu hút thành viên.
“Quan trọng ở đây là cái ý tưởng của mình build cộng đồng như thế nào và nền văn hóa mình tạo ra cho các thành viên tham gia trong đó,” Phương nói.
Nhưng “làm cộng đồng” có thể là coi là một nghề mang lại thu nhập không? Phương cho hay vẫn tiếp nhận các order quảng cáo nếu cảm thấy phù hợp với cộng đồng của mình. Lợi nhuận kiếm được sẽ được công khai minh bạch tới những thành viên gắn bó cùng cộng đồng đó.
Về định hướng trong tương lai, chàng trai này chỉ nghĩ tới việc… tạo thêm nhiều cộng đồng hơn.
“Bây giờ mình phải lo nhiều lắm, cho gia đình, mẹ mình bị ốm, và chăm lo cho các cộng đồng. Đôi khi cũng không đủ thời gian để chơi những game mình thích nữa…” Phương nói.