Tất nhiên ông Chánh Tín không liên quan gì đến game, có điều đây là diễn viên mà bản thân Mọt rất yêu thích trong một bộ phim cũng đáng để mọi người yêu thích. Vậy thôi cứ quyết định đưa ông vào đầu bài viết tổng kết năm 2020 để xem như một lời tri ân tới cố diễn viên vậy!
Phụ lục
Năm 2020 chỉ toàn là bi kịch và scandal?
Thực tế nếu không có COVID thì nền công nghiệp game trong năm nay cũng đã bị bao phủ bởi bóng đen của nhiều sự kiện không lấy gì làm vui vẻ như văn hóa ép nhân viên làm việc tới kiệt sức, nạn quấy rối tình dục và phân biệt giới tính nơi công sở hay sự yêu ghét với một sản phẩm không được bày tỏ theo cách đúng mực.
Đầu tiên vẫn là chuyện muôn thuở khi đàn ông cho rằng phụ nữ thì biết gì về game. Nhân định này đến từ chính lãnh đạo cấp cao của Ubisoft là Giám đốc sáng tạo Serge Hascoet. Hãng game có trụ sở ở Pháp đã loạn thành một bầy khi nhận được các báo cáo nói về sự phân biệt giới tính tại văn phòng của mình.
Cụ thể hơn là những cáo buộc cho rằng quản lý cấp cao trong công ty có thái độ phân biệt giới tính đối với một trong những nhân vật chính của Assassin’s Creed: Odyssey, Kassandra. Được biết trong quá trình phát triển, Kassandra được dự định là nhân vật duy nhất mà người chơi có thể điều khiển được.
Thế nhưng tay Giám đốc sáng tạo Serge Hascoet khẳng định rằng “phụ nữ thì biết gì về game” và buộc nhóm phải phát triển theo một hướng khác và từ đó cốt truyện chọn Kassandra hoặc Alexios mới được đưa vào. Đây không phải lần đầu thương hiệu Assassin’s Creed cố tình làm giảm tầm ảnh hưởng của nhân vật nữ.
Hãy nhìn lại Aya của Origins và Evie Frye trong Syndicate, ta sẽ thấy cả hai đều thiếu đất diễn hơn vai trò mà họ xứng đáng. Trên thực tế, trước khi Origins ra mắt, Aya được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều trong cốt truyện chính nhưng vì sự can thiệp từ Serge Hascoet thế là câu chuyện trọng tâm được chuyển dời sang nhân vật nam Bayek.
Cũng trong năm 2020, chúng ta lại có dịp thấy sự xấu xí một bộ phận không nhỏ game thủ khi hùa nhau cyberbully (bắt nạt trên mạng) nữ diễn viên lồng tiếng Laura Bailey, người lồng tiếng cho nhân vật gây tranh cãi Abby trong The Last Of Us 2. Về cơ bản Bailey chẳng làm phật lòng ai, cũng chẳng gây hấn với ai trên mạng xã hội.
Lý do khiến cô bị bắt nạt chính là bởi nữ diễn viên đã lồng tiếng cho Abigail “Abby” Anderson và xui cho Bailey là Abby bị nhiều người ghét vì dám kết liễu nhân vật chính của phần một. Cảm thấy giận dữ với nhân vật trong game nhưng không gì được thế nên đám loser đã quay sang trút giận lên người vô can bằng cách gửi những lời đe dọa và tin nhắn bạo lực.
Cụ thể Bailey đã nhận được những lời xúc phạm và tin nhắn dọa giết từ những game thủ The Last Of Us 2 bất mãn. Tất nhiên vẫn có những người sáng suốt yêu mến và bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt với cô nhưng hành vi quấy rối nhắm vào bất kỳ ai, chứ đừng nói đến diễn viên lồng tiếng chỉ vì đang làm công việc của họ, là hành vi độc hại không thể chấp nhận được.
Nạn quấy rối tình dục và làm việc kiệt sức
Suốt hai năm qua, trong phong trào #MeToo khiến cho ngành công nghiệp game bị ảnh hưởng khá nặng nề, khi hàng trăm phụ nữ lên tiếng về những hành vi lôi kéo, thao túng và gạ gẫm mà họ phải chịu trong suốt thời gian làm việc trong ngành công nghiệp game. Dù không quá nổi tiếng như các trường hợp trong lĩnh vực giải trí khác nhưng năm 2020 chứng kiến một số vụ việc bị đưa ra ánh sáng.
Trong năm 2020, cộng Super Smash Bros. đã có nhiều sóng gió với nhiều cáo buộc tấn công tình dục của một số game thủ nổi tiếng. Lần lượt các game thủ quen mặt như như Nairoby “Nairo” Quezada, Cinnamon “Cinnpie” Dunson và Gonzalo “ZeRo” Barrios, cùng người sáng lập EVO – Joey Cuellar nằm trong số những người bị buộc tội hành vi sai trái. Nintendo sau đó đã đưa ra một tuyên bố đứng về phía những nạn nhân bị lạm dụng.
Vào giữa năm 2020, chúng ta tiếp tục chứng kiến hàng loạt câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên Twitter, nói về những người làm việc trong ngành game từ Ubisoft cho đến Riot Games. Họ bị thao túng, bị ép buộc phải tham gia vào những cuộc ăn nhậu hoặc gợi ý về việc quan hệ tình dục để đổi lấy cơ hội thăng tiến trong công ty. Nếu từ chối, họ sẽ bị cấp trên chèn ép hoặc bị đối xử cực kỳ bất công trong công việc.
Đáng báo động nhất, đó chính là có một số lượng lớn những đơn khiếu nại đến từ Ubisoft, đề cập rất nhiều về vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục và phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị phụ nữ. Điều này khiến một số người nắm giữ những vị trí cấp cao phải đâm đơn từ chức. Ngay sau đó, CEO của Ubisoft, Yves Guillemot phải khẩn cấp tuyên bố sẽ lấy lại sự công bằng cho người bị hại và cải tổ văn hoá công ty.
Ngoài quấy rối tình dục và kỳ thị giới tính, nạn vắt kiệt sức lao động của nhân viên cũng vấn đề đáng lưu tâm trong năm 2020. Việc “cày bừa” làm ngoài giờ không phải là chuyện mới đối với các công ty game nói chung, nhưng vấn đề trở nên nhức nhối trong ngành game những năm gần đây. Năm 2020 với tác động của đại dịch COVID-19 và áp lực thời gian về tiến độ ra mắt của các tựa game lớn như The Last of Us 2 và Cyberpunk 2077 khiến tình hình càng căng thẳng hơn.
Tất nhiều nhân viên tại CD Projekt Red đã bày tỏ sự thất vọng và nỗi lo của mình trong cuộc họp hội nghị gần đây. Nhiều người chia sẻ rằng, họ bị bắt chạy deadline ảo, hối thúc để cho ra sản phẩm càng nhanh càng tốt. Thậm chí còn đề cập đến vấn đề đội ngũ quản lý bóc lột sức lao động của nhân viên cấp dưới. Dù trước đó, ban giám đốc từng có phát biểu không hề cảm thấy có sự áp lực nào về việc bị hối thúc ra mắt càng sớm càng tốt.
Như vậy là cả năm 2020 toàn chuyện buồn?
Cũng không hẳn là thế bởi xuyên suốt năm 2020 ngoài kiện tụng, quấy rối, lạm dụng và ép làm việc kiệt sức thì vẫn có những điểm tích cực khiến người ta cảm thấy tin yêu vào cuộc sống này hơn. Có thể kể đến vài sự kiện nổi bật như Spider-Man: Miles Morales giúp game thủ lần đầu tiên được điều khiển một người nhện da màu.
Trong năm 2020, chúng ta từng rúng động với cái chết của George Floyd vào ngày 25/05/2020 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Cái chết của George Floyd và bạo loạn trở thành điểm nóng kéo dài qua tháng 06/2020, thậm chí có thời điểm còn nóng hơn cả Covid-19. Tất cả biến tháng 06/2020 thành chuyện về những cái chết, đụng độ người da đen-cảnh sát, những biểu ngữ phản đối cùng tuyên ngôn “Black Lives Matter”.
Từ trước đó chúng ta đã có comic về Captain America hay Nhện Nhọ với nhân vật chính là người da màu nhưng nỗ lực bình đẳng sắc tộc cũng chỉ mới dừng lại ở đó. Chính vì vậy nếu bỏ qua các yếu tố về truyền thông hay kinh doanh thì nỗ lực giúp game thủ được điều khiển một Spider Man da màu đầu tiên trong thế giới ảo của Insomniac Games thật đáng quý trọng.
Vẫn còn nhiều câu chuyện vui vẻ của ngành công nghiệp game dù nho nhỏ nhưng vẫn khiến chúng ta ấm lòng trong năm 2020 nhưng trong phạm vi một bài viết ngắn cuối năm khó mà liệt kê cho đủ được. Thôi thì ta hãy vui lên và vào Kênh Tin Game đọc thêm nhiều tin tức thú vị trong năm mới khi chúng tôi đã thay đổi một giao diện mới trực quan, đẹp đẽ và thân thiện với người dùng hơn.
Và bạn à, khi bạn đang đọc xong bài viết này của tôi. Bạn cần phải biết bản thân đã xuất sắc như thế nào khi sống sót qua một năm tồi tệ như thế. Khi bạn vẫn có sức khỏe lẫn sự minh mẫn (để ngồi đọc tin tức), vẫn có việc làm và đang ở những người yêu thương thì, hãy cùng mỉm cười nâng ly chúc mừng đi thôi. Vì bạn xứng đáng vì những điều đó. Còn kế hoạch với các tham vọng tương lai ư? Cứ đợi đến giữa năm sau rồi tính tiếp cũng không muộn đâu.
Cũng coi như đã sống sót qua 2020 chuẩn bị chúc mừng năm mới đi thôi!