Mới đây, cơ quan quản lý chống độc quyền của Nhật Bản cho biết, họ sẽ để ý hơn đối với kho ứng dụng App Store của Apple. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Apple đang bị nhà phát triển Epic Games kiện, trong khi nhiều nhà phát triển khác cũng bắt đầu lên tiếng.
Ở Nhật Bản, giới làm game đã không còn im lặng. Hironao Kunimitsu, người sáng lập và cũng là chủ tịch của hãng game di động Gumi, viết trên trang Facebook của mình: “Từ tận đáy lòng mình, tôi muốn Epic chiến thắng”.
App Store của Apple bị tố không nhất quán
iPhone là nguồn tạo doanh thu khổng lồ cho các nhà phát triển game ở Nhật Bản, bao gồm những tên tuổi lâu đời như Square Enix Holdings, công ty có 40% doanh thu từ game điện thoại. Tương tự, Bandai Namco Holdings, hay Sony cũng có nguồn lợi lớn từ nền tảng iOS.
Ngược lại với 702.000 nhà phát triển đã đăng ký tài khoản, Nhật Bản có một trong những cộng đồng sáng tạo lớn nhất đóng góp cho nền tảng iOS. Theo một nghiên cứu gần đây, ước tính hệ sinh thái App Store ở Nhật Bản đã tạo ra 37 tỷ USD doanh thu vào năm 2019.
Có thể bạn muốn xem: Nhật Bản khai trương quán bar chơi game đầu tiên trên thế giới
Trong tổng doanh thu đó, 11 tỷ USD đến từ hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số, 24 tỷ USD thông qua hàng hóa và dịch vụ ngoài đời thực, còn 2 tỷ USD từ quảng cáo trong ứng dụng. Tuy nhiên theo các nhà phát triển game Nhật Bản, App Store có vấn đề, nhất là nếu so với Play Store của Google.
Ở Play Store, quy trình phê duyệt có xu hướng trơn tru hơn và sự giao tiếp tốt hơn. Trong khi với App Store, thậm chí cần phải có một dịch vụ bên thứ ba mang tên iOS Reject Rescue, ra đời để giúp các nhà phát triển vượt qua quy trình phê duyệt không thể đoán biết trước của Apple.
Makoto Shoji, người sáng lập PrimeTheory, công ty cung cấp dịch vụ như trên chia sẻ: “Việc đánh giá ứng dụng của Apple thường mơ hồ, chủ quan và không hợp lý. Phản hồi của Apple dành cho các nhà phát triển thường cộc lốc và phiến diện”.
Ví dụ về chính sách không nhất quán, một nhà phát triển chia sẻ, họ đã được Apple phê duyệt game trong đó triển khai một hệ thống tích hợp, sau đó đoạn mã tương tự bị từ chối trong game kế tiếp.
“Apple giống như một vị cảnh sát trưởng, nhưng đôi khi diễn giải luật theo các cách khác nhau vì lợi ích của chính mình”, chuyên gia tư vấn mảng game Hisakazu Hirabayashi liên tưởng.
Giới game Nhật Bản chỉ trích cách làm việc của Apple
Các nhà phát triển cũng phàn nàn rằng, các tựa game có khi phải chờ nhiều tuần để được App Store xem xét đến. Một hãng game cho biết, họ từng phải hủy sự kiện tiềm năng mang lại doanh thu lớn, chỉ vì Apple không phản hồi yêu cầu cập nhật của họ trong hơn một tháng.
Shoji phán đoán: “Tôi nghĩ có những lúc họ chỉ đơn giản là bỏ sót danh sách chờ đánh giá, hoặc họ cố tình không đụng đến như một biện pháp trừng phạt đối với nhà phát triển có thái độ không đúng mực”.
Ngành công nghiệp game Nhật Bản đã quen với việc chia sẻ doanh thu 30%, mô hình giống như trên máy Nintendo vào những năm 1980. Vì thế, hầu hết các nhà phát triển ở Nhật Bản không bận tâm về khoản phí 30%, nhưng họ muốn thấy dịch vụ tốt hơn từ Apple.
Về phần mình, Apple cho biết họ luôn cố gắng hỗ trợ các nhà phát triển qua điện thoại hoặc email, với đội ngũ 1.400 tư vấn viên ở Nhật Bản. Apple cũng khẳng định đại diện thông thạo tiếng Nhật của họ sẵn sàng thảo luận về các ứng dụng cụ thể.