Bắt gamer xem quảng cáo nếu không tiết lộ dữ liệu cá nhân, game mobile bị ném đá dữ dội

Nếu không chịu cấp quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân, game thủ cứ ngồi đó mà xem … quảng cáo dài dài nhé.

Trong thời đại công nghệ, bảo mật thông tin chưa bao giờ bị đe dọa đến thế. Chỉ cần đăng nhập một trò chơi đơn giản trên điện thoại di động, dữ liệu cá nhân của chúng ta cũng có thể bị lấy cắp một cách dễ dàng. Puzzle Fuzzle - một tựa game giải đố khá phổ biến trên nền tảng Android là ví dụ điển hình. Sau khi tải về điện thoại, người chơi sẽ buộc phải xem nhiều quảng cáo hơn nếu từ chối yêu cầu cho phép game truy cập vào dữ liệu cá nhân. Hiển nhiên, việc này khiến game thủ vô cùng khó chịu, hầu hết đều không ngần ngại xóa game ngay sau khi nhận được thông báo này.

"Nếu bạn không cấp quyền cho chúng tôi sử dụng dữ liệu cá nhân, bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ tối đa của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thể phát hiện những lỗi mà bạn có thể gặp phải trong game, và thậm chí sẽ hiển thị nhiều quảng cáo hơn vì chúng tôi kiếm được tiền từ việc đó"

Phần lớn chúng ta vẫn còn rất mơ hồ về cách thức các trò chơi điện tử trên di động đang thu thập thông tin từ người dùng. Trong khi Puzzle Fuzzle công khai ý định lấy cắp dữ liệu cá nhân bằng cách đưa ra hẳn thông báo như vậy thì rất nhiều công ty khác còn “cao tay” hơn, họ ngấm ngầm chạy phần mềm hoặc mã độc để thu thập thông tin mà game thủ không hề hay biết. Hàng loạt các vụ rò rỉ thông tin cá nhân với quy mô lớn bị phanh phui mỗi năm là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Năm 2014, Yahoo tuyên bố một cuộc tấn công mạng đã lấy cắp tên thật, địa chỉ email, ngày sinh và số điện thoại của 500 triệu người dùng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng liên tục phải đối mặt với những cáo buộc liên quan đến rò rỉ thông tin cá nhân hay mới đây nhất là sự kiện E3 2019 của ngành game, hơn 2000 người tham gia đã bị lộ dữ liệu cá nhân. Nhiều người cho biết đời tư của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thường xuyên bị làm phiền từ những kẻ lạ mặt, thậm chí một số khác còn nói rằng họ đang bị đe dọa tới tính mạng.

Nhiều công ty game biện minh rằng, họ mất công mất sức để tạo ra những trò chơi miễn phí thì họ cũng cần thu lại lợi nhuận, nhưng rõ ràng việc bán dữ liệu người chơi là một hành vi vi phạm pháp luật. Cái kết đắng của Puzzle Fuzzle đã chứng minh, nếu các nhà phát triển không thể tạo ra trò chơi đủ hấp dẫn và cứ tiếp tục dựa vào việc bán thông tin người dùng để kiếm tiền thì sớm hay muộn, ngày tàn cũng không còn xa.