Ngành công nghiệp trò chơi điện tử luôn phát triển không ngừng dù cho cơn đại dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp. Bằng chứng cho thấy trong thời gian gần đây, bên cạnh những siêu phẩm đình đám đã, đang và sắp được ra mắt, điển hình như The Medium, Outriders và Resident Evil Village. Thì những tựa game dù không hay nếu chẳng muốn nói thẳng là rất tệ, vẫn giúp cho các studio làm ra chúng thu về cả đống tiền.
Nếu như không quá bận rộn với việc… rửa bát để chiều lòng chị em phụ nữ, hay… đếm tiền sau khi chia tài sản như ngài tỉ phú Bill Gate, thì hãy nán lại vài phút để cùng Kênh Tin Game tìm hiểu và “chém gió” thêm về chủ đề này nhé!
Phụ lục
Call of Duty: Ghosts
Ra mắt vào năm 2013, Call of Duty: Ghosts được kỳ vọng sẽ là tựa game mang đến cho fan hâm mộ những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn. Thế nhưng nó lại chỉ là một trò chơi vừa chạm ngưỡng số điểm trung bình khi xét về mọi mặt. Nói cách khác, đây là một game không hay cho lắm, nếu như không muốn nói là khá tệ.
Công bằng mà nói thì cốt truyện cũng không đến nỗi… quá tệ tuy nhiên, riêng phần chơi online cùng với những chế độ chơi mà Call of Duty: Ghosts đang sở hữu, lại chẳng có gì thú vị, thậm chí là… nhạt toẹt, không có sự đổi mới so với những tựa game tiền nhiệm. Thứ duy nhất được cộng đồng game thủ đánh giá “tạm hay” đó chính là gamemode bắn sinh vật ngoài hành tinh gọi là Extinction.
Mặc cho những lời chỉ trích lẫn chê bai, Call of Duty: Ghosts vẫn bán được hơn 19 triệu bản kể từ ngày đầu tiên ra mắt (05/11/2013).
No Man’s Sky
Nói về những game không hay, chúng ta không thể nào không nhắc đến quá khứ đáng thương của siêu phẩm game sinh tồn khoa học viễn tưởng No Man’s Sky. Tựa game này có thể được xem là định nghĩa của bài hát Hứa Thật Nhiều Thất Hứa Cũng Thật Nhiều, được biểu diễn bởi nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc.
Thật vậy, nhà phát triển Hello Games đã hứa hẹn rằng đây là một dự án độc nhất vô nhị và đầy triển vọng. Nhưng ngay sau khi ra mắt, No Man’s Sky chẳng khác gì một căn phòng trống rỗng, chưa có gì ngoài một số loại nội thất rẻ tiền và bốn bức tường trắng đơn điệu. Tuy nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ phía người chơi nhưng nó lại lọt Top 20 những game bán chạy nhất ngay tại thời điểm đó.
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, Hello Games bất ngờ “tái xuất giang hồ” và liên tục tung ra nhiều bản cập nhật “khủng”, với mục đích để “hồi sinh” đứa con tinh thần của mình, cũng như tạ lỗi và giữ vững lời hứa của họ đối với người hâm mộ. Thành công nối tiếp thành công, No Man’s Sky dần trở thành một trong những tựa game được ưa chuộng nhất của thế kỷ 21, đồng thời được mọi người đánh giá và ca ngợi là “Cú Comeback Ngoạn Mục Nhất Của Ngành Công Nghiệp Game.
Game of War: Fire Age
Game of War: Fire Age tuy chỉ là một tựa game xây thành, đánh trận kiểu đơn giản dành cho các thiết bị di động, không có gì hay hoặc thậm chí là chẳng có gì nổi bật nếu so với những trò chơi cùng thể loại.
Về lý thuyết, thứ duy nhất khiến cho nó thành công, đó chính là những chiến dịch quảng cáo, marketing cực khủng, cùng với sự góp mặt của người mẫu nổi tiếng vì vòng 1 siêu khủng – Kate Upton. Đó là Mọt tui chưa kể về vô số những lựa chọn “Nạp lần thứ N+1” trong game đấy nhé.
Theo ước tính, doanh thu trong một ngày của Game of War: Fire Age phải rơi vào khoảng 1,5 triệu USD. Và tất nhiên, đối với một con game dành cho các thiết bị di động thì đây là một con số tương đối ấn tượng bất chấp chấ lượng trò chơi chẳng ra sao.
Aliens: Colonial Marines
Aliens: Colonial Marines cũng là một trong những tựa game được mong đợi nhất vào năm 2013 tuy nhiên kể từ khi ra mắt, ối dzời ơi nó chẳng khác gì một cú lừa ngoạn mục. Gameplay quá nhàm chán, chất lượng đồ họa thì quá bình thường, đơn điệu.
Thậm chí trò chơi còn gặp quá nhiều lỗi, khiến cho cộng đồng game thủ cảm thấy như đây là hàng thử nghiệm. Rất nhiều game thủ, lẫn giới phê bình đã đánh giá Aliens: Colonial Marines là một trong những game tệ nhất từng được phát hành trong suốt hơn 10 năm qua.
Dù vậy ngay tại thời điểm đó đã có hơn 1 triệu bản game (chính xác hơn là 1,31 triệu bản) được bán ra. Đối với một con game không được hay cho lắm, nếu không muốn nói là dở tệ, thì đây nhất định là sự thành công không nhỏ.
Homefront
Công bằng mà nói, Homefront là một dự án sở hữu nhiều yếu tố đầy triển vọng để phát triển lâu dài. Từ những ý tưởng độc đáo để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn, có chiều sâu, cho đến việc tận dụng lối chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất một cách hiệu quả.
Kể từ khi được công bố, nhiều người đã hi vọng rằng trò chơi sẽ mang đến cho họ những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ nhưng chẳng ai ngờ rằng nó lại trở thành “bom xịt”. Tổng thời lượng các màn đi cảnh của Homefront kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ (khá ổn đối với một game bắn súng đi cảnh) tuy nhiên, lại không tạo được điểm nhấn riêng, hoặc thậm chí là chẳng mang lại bất cứ điều gì thú vị.
Tuy rằng Homefront được đánh giá là “nỗi thất vọng ê chề”, song với hơn 2,6 triệu bản game đã được bán ra ngay tại thời điểm lúc bấy giờ, nó xứng đáng có một vị trí trong bài tổng hợp những tựa game không hay nhưng vẫn kiếm được cả đống tiền.
Mario and Sonic at the Olympic Games
Mario and Sonic at the Olympic Games (gọi tắt là Mario & Sonic) là một trong những tựa game có tên dài ngoằn. Trò chơi được phát triển và ra mắt cũng bởi chỉ bởi vì những “màn đấu khẩu nảy lửa” giữa các fan hâm mộ của cả hai nhân vật.
Tuy nhiên kể từ lần đầu tiên xuất hiện, Mario & Sonic đã khiến cho cộng đồng game thủ cảm thấy vô cùng thất vọng. Không chỉ bởi vì cơ chế điều khiển dành cho hệ máy Wii được thiết kế quá tệ, mà lối chơi của nó lại chẳng đủ hấp dẫn để làm cho nhiều người cảm thấy hứng thú. Ấy thế mà vẫn bán được 7 triệu bản mới đáng nể.
Lost Planet: Extreme Condition
Lost Planet: Extreme Condition cũng được xem là một trong những game có triển vọng tuy nhiên, có quá nhiều yếu tố đã khiến cho nó trở thành một mớ hỗn độn. Khả năng dịch thuật quá tệ, cộng với kỹ năng lồng tiếng quá chán, đã làm cho những cuộc hội thoại và cả cốt truyện trở nên vô hồn một cách… kỳ cục.
Thực sự mà nói thì Lost Planet: Extreme Condition là một trong những game không hay, nói thẳng ra là khá tệ, nhưng với hơn 2,8 triệu bản game đã được bán ra, nó đã mang về cho nhà phát triển Capcom rất nhiều thành công về mặt lợi nhuận.
Kinect Adventures
Bộ cảm biến chuyển động Kinect là một trong những ý tưởng tuyệt vời mà Microsoft đã mang đến cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Tuy nhiên, công nghệ nhiều năm về trước vẫn chưa thực sự đủ tân tiến để biến thiết bị này trở thành “sự lựa chọn hoàn hảo” dành cho game thủ.
Về phần Kinect Adventures, thực sự mà nói thì đây là một tựa game… không hay, nói thẳng ra là quá nhàm chán và… lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, với hơn 24 triệu bản game được bán ra, nhà phát triển Good Science Studio vẫn gặt hái được rất nhiều thành công về mặt lợi nhuận, bất chấp sự thất bại của hệ máy Kinect.
Sonic the Hedgehog (2006)
Đã là fan hâm mộ của Nhím xanh Sonic thì chắc chắn các bạn sẽ không quá lạ lẫm với “siêu phẩm” Sonic the Hedgehog mà SEGA đã cho ra mắt vào năm 2006. Bên cạnh các điều khiển được thiết kế tương đối tệ, trò chơi sở hữu rất nhiều lỗi gây khó chịu cho người chơi. Còn cốt truyện thì… chán chả buồn nói.
Trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi được ra mắt, với gần 1 triệu bản game đã được bán ra (chính xác hơn là khoảng 870 ngàn bản) trên thị trường Mỹ và các nước châu Âu, tựa game này đã mang lại cho hãng khá nhiều thành công về mặt lợi nhuận.
Enter The Matrix
Khác xa với loạt phim cùng tên, Enter the Matrix chẳng có gì nổi trội ngoài việc xứng đáng được nhắc đến trong bài tổng hợp những game không hay nhưng kiếm được rất nhiều tiền. Tuy rằng trò chơi được phát triển để “ăn theo” những thành công mà thương hiệu phim hành động khoa học viễn tưởng The Matrix đã đạt được. Nhưng lại chẳng thể nào khiến cho cộng đồng game thủ cảm thấy thích thú.
Có phải bởi vì chất lượng đồ họa trông… quá khủng khiếp? Các tính năng điều khiển chưa được chăm chút một cách tỉ mỉ? Gameplay vẫn còn quá nhiều “sạn”? Đoán hay đấy, nhưng thật ra là do tất cả những thứ nói trên. Dù vậy rất nhiều người, gồm cả giới phê bình, ai cũng cảm thấy vô cùng bất ngờ khi biết rằng hơn 5 triệu bản game đã được bán ra.
Ái chà, sau một hồi kể lể tự nhiên Mọt tui cảm thấy hơi nhớ nhớ về những tựa game ngày xưa, nhất là các trò chơi thuộc thể loại dàn trận chiến thuật, như Red Alert (Báo Động Đỏ), Starcraft, Warcraft, vân vân và mây mây. Tìm hiểu thêm về những siêu phẩm dàn trận chiến thuật từng làm mưa làm gió một thời tại đây.
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.