Hồi đầu tuần trước, Blizzard đã hủy tư cách tham dự giải Grandmasters của game thủ Hearthstone có nick “Blitzchung” sau một hành động gây tranh cãi, cấm anh thi đấu một năm và phạt hết số tiền thưởng mà game thủ này nhận được trong mùa 2 với lý do game thủ này vi phạm luật của giải đấu, đồng thời hai BLV có liên quan trong sự việc cũng bị đuổi việc. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, trước sức ép dữ dội từ cộng đồng, chủ tịch Blizzard là ông Allen Brack đã phải đưa ra một thông báo mới nói rằng Blizzard đã “phản ứng quá gấp gáp” và giảm một nửa án phạt cấm thi đấu của Blitzchung (từ 1 năm còn 6 tháng), đồng thời trả lại khoản tiền thưởng mà game thủ này giành được từ mùa 2. Ngoài ra, hai BLV có liên quan cũng chỉ bị phạt ngừng hợp đồng 6 tháng thay vì đuổi việc như quyết định ban đầu.
Vậy thì những áp lực nào đã khiến Blizzard thay đổi quyết định xử phạt của họ một cách nhanh chóng đến vậy?
Đầu tiên, đó là áp lực từ game thủ. Chỉ cần “lượn” lên những MXH như Facebook hay Twitter, Reddit hay các diễn đàn của game do Blizzard vận hành, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy rằng Blitzchung không đáng bị xử phạt, hay ít nhất là không nên bị phạt nặng như quyết định ban đầu. Điều này dẫn đến chiến dịch #boycottblizzard, khi hàng loạt game thủ xóa tài khoản Battle.net của mình, hủy các đơn đặt trước game của liên doanh Activision Blizzard trong đó có cả Call of Duty: Modern Warfare – và ngừng trả phí hàng tháng cho World of Warcraft… Điều này khiến giá cổ phiếu của hãng sụt giảm nhẹ (khoảng hơn 2%), nhưng vấn đề ở đây là sự kiện này diễn ra quá sát ngày ra mắt 15/10 của Overwatch trên Switch, điều có thể ảnh hưởng rất xấu đến doanh số của trò chơi.
Họa vô đơn chí, việc game thủ thi nhau xóa tài khoản Blizzard và đòi những dữ liệu cá nhân mà Blizzard đã lưu giữ như lịch sử mua sắm, thời gian online, game sở hữu… còn dẫn đến một hậu quả nữa: số lượng yêu cầu tăng cao đột biến có vẻ như khiến server Battle.net của Blizzard không đáp ứng nổi và trả về dòng lỗi “Too many attempt” (thử quá nhiều lần), khiến game thủ nghĩ rằng Blizzard đã vô hiệu hóa cả bốn phương pháp xác nhận chủ quyền trước khi xóa tài khoản nhằm ngăn game thủ xóa tài khoản của mình. Đây là một vấn đề nghiêm trọng có thể khiến Blizzard bị phạt nặng theo luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu. Đội ngũ chăm sóc khách hàng của Blizzard đã phải nhanh chóng xuất hiện để đính chính rằng đó chỉ là một vấn đề của hệ thống.
Trong khi đó, Hearthstone liên tục bị bom review trên cả AppStore và Google Play, tuy nhiên Google liên tục xóa các review xấu về tựa game này. Trên AppStore, điểm số của Hearthstone hiện tại là 3,5/5, trong khi tất cả các review có liên quan đến vụ việc của Blitzchung trên Google Play đều đã biến mất. Game thủ còn dự định biến Mei, một nhân vật trong Overwatch thành biểu tượng ủng hộ cho Blitzchung bằng đủ thứ meme, comic và fanart được đăng tải rộng rãi trên các diễn đàn. Để đối phó với những hoạt động này, các mod của những subreddit liên quan đến Blizzard đã phải tạm đóng cửa kiểm duyệt mạnh tay nội dung mà người dùng đăng tải hoặc gom tất cả vào một “megathread” tổng hợp để tránh vụ việc của Blitzchung chiếm lấy toàn bộ mặt bằng của subreddit. Trên các diễn đàn của Blizzard, nhiều game thủ nhận án phạt khóa tài khoản… 1000 năm nếu bàn luận các vấn đề liên quan đến Blitzchung, và thậm chí là chỉ hỏi cách xóa tài khoản cũng bị phạt.
Phong trào #boycottblizzard không chỉ dừng lại ở việc hô hào ngừng chơi / mua / đặt trước sản phẩm của Activision Blizzard hay tuyên truyền trên internet, mà còn có nguy cơ lan ra đời thực với phiên bản #boycottblizzcon. Một nhóm hoạt động phi lợi nhuận có tên Fight for the Future đã đứng ra kêu gọi game thủ tập hợp chống Blizzard tại triển lãm BlizzCon 2019 dự tính sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 1/11 đến 3/11/2019. Evan Greer, một nhân vật lãnh đạo Fight for the Future nói rằng Blizzard “không biết mình đã khuấy nên thứ gì” và “chúng tôi sẽ biến họ thành tấm gương cho các công ty khác.” Đây có thể không phải là một lời dọa suông, bởi Fight for the Future từng tổ chức nhiều sự kiện tương tự ở Mỹ trong quá khứ.
Các công ty khác trong ngành game không bỏ qua cơ hội này để dùng Blizzard như bàn đạp. God’s Unchained, một tựa game đấu bài lập tức tung cành olive mời Blitzchung tham gia giải đấu có tổng giải thưởng 500.000 USD của mình, và hứa sẽ trả cho Blitzchung khoản tiền thưởng mùa 2 mà Blizzard đã rút lại. Epic cũng nhảy vào kiếm ít danh tiếng bằng cách thông báo “chúng tôi sẽ không cấm hay trừng phạt một game thủ Fortnite hay người tạo nội dung vì nói đến những chủ đề đó.” Một số đội tuyển Hearthstone Mỹ, streamer nổi tiếng Kripparrian, BLV Kibler cũng có những hành động phản đối quyết định xử phạt của Blizzard dành cho Blitzchung.
Trong nội bộ Blizzard, các nhân viên của hãng cũng tỏ ra bất bình. Bức tượng Orc bằng đồng ở giữa quảng trường chính của trụ sở Blizzard đã bị che bớt những dòng chữ “Think Globally” (suy nghĩ tầm toàn cầu) và “Every Voice Matters” (mọi tiếng nói đều quan trọng). Một nhóm nhỏ nhân viên Blizzard cũng bỏ ra về vào chiều ngày thứ 3 để bày tỏ sự phản đối của mình với quyết định của công ty. “Tôi rất thất vọng,” một nhân viên Blizzard nói khi được hỏi về quan điểm của mình, nhưng yêu cầu giấu tên bởi lo ngại bị trừng phạt.
Không chỉ giới game thủ và những người trong làng game, mà ngay cả báo chí chính thống hoặc các trang tin chẳng mấy liên quan đến ngành game cũng chú ý đến vụ việc. Những tờ báo như ESPN, CNN, National Public Radio, The Verge, BusinessInsider… đều có đăng bài về sự kiện này bởi sức ảnh hưởng của nó có vẻ đang lan ra ngoài khuôn khổ ngành công nghiệp game.
Sau khi Blizzard công bố việc trả lại tiền thưởng cho Blitzchung và giảm án phạt cho cả ba người, những tưởng sự kiện Blitzchung sẽ tạm thời lắng xuống, nhưng không. Gần như không một ai bày tỏ sự hài lòng với lời lẽ mà ông Allen Brack sử dụng trong thông báo. Một số còn kết luận rằng nó không phải do Blizzard viết vì nhiều lỗi ngữ pháp và sự thiếu vắng của dạng số nhiều trong lời lẽ của thông báo này. Hãy cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra tại BlizzCon 2019 năm nay.