Chủ tịch Olympic quyết không đưa PUBG vào thi đấu tại Thế vận hội Quốc tế

Việc eSports được đưa vào làm một trong các nội dung thi đấu tại Olympic luôn là niềm mơ ước của các game thủ. Tuy nhiên, không phải bất cứ tựa game nào cũng có cơ hội nhận được tấm vé này.

Gần đây, trong một buổi trả lời phỏng vấn với báo chí, chủ tịch của Ủy ban Olympic Quốc tế - Thomas Bach đã chia sẻ: "Chúng tôi muốn đề cao việc không phân biệt đối xử, không sử dụng bạo lực và mọi người chung sống hòa bình với nhau. Nhưng những điều này lại trái ngược hoàn toàn với tiêu chí của các game online bạo lực, bắn phá, giết hại mà mọi người thường chơi". Vì thế, phía Olympic muốn vạch rõ giới hạn với những loại hình thể thao điện tử này, những trò chơi mang đậm tính "bạo lực" như PUBG e rằng khó có thể đặt chân vào thế vận hội Olympic.

Có thể trong tương lai không xa nữa, thể thao điện tử (eSports) sẽ được đưa vào làm một hạng mục thi đấu tranh tài tại Olympic, nhưng Thomas Bach vẫn tỏ thái độ tương đối thận trọng với quyết định này. Ông cho biết, Olympic Quốc tế có thể sẽ cân nhắc việc chọn những game thể thao lành mạnh phản ánh hoạt động thực tế như bóng đá và bóng rổ. Nhưng trừ những game đó ra, rất nhiều game online khác lại là về những hành động bạo lực và giết chóc vô nghĩa. Nhất là những game hot được đông đảo mọi người yêu thích như: PUBG, Dota 2, Liên minh huyền thoại, Overwatch, CS:GO, Call of Duty hay Street Fighter(SF) 5... đều không thể nào có cơ hội bước chân vào Olympic được.

Về việc, eSports liệu có được đưa vào thi đấu chính thức trong thế vận hội hay không, Thomas Bach nói rằng còn đang trong quá trình xem xét tình hình phát triển của toàn bộ loại hình này. "Để đưa ra quyết định cuối cùng tại thời điểm này chắc có lẽ vẫn hơi sớm, bởi vì sự phát triển của ngành công nghiệp eSports vẫn đang trong quá trình tự thân vận động để phát triển. Đây là một ngành công nghiệp thành công nhưng lại chưa đủ tính tổ chức một cách chuyên nghiệp".

Theo ý kiến của Thomas Bach, trước mắt eSports vẫn chưa có được tính kỷ luật trong việc tổ chức. Ví dụ như không có người giám sát cơ cấu, để đảm bảo tất cả các tuyển thủ tham gia thi đấu tuân thủ tất cả các quy định của trận đấu theo quy chuẩn được đặt ra từ trước. "Dù sao tôi thấy vẫn cần có người đảm bảo rằng các vận động viên thi eSports sẽ không sử dụng các chất kích thích, tuân thủ những quy định liên quan và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tuyển thủ. Có như vậy thì cuộc đấu mới có thể diễn ra một cách công bằng và lành mạnh được".