Mặc dù phải di chuyển bằng gậy tìm đường nhưng cô gái này vẫn có thể lái máy bay vòng quanh nước Mỹ trước sự ngưỡng mộ của nhiều người.
TIN LIÊN QUAN
Bước xuống từ máy bay sau khi hạ cánh thành công, Kaiya Armstrong nhận được sự tán thưởng, reo hò từ đám đông:
“Tuyệt vời quá Kaiya!”. Họ chúc mừng cô gái khiếm thị đã hoàn thành thử thách lái máy bay xuyên nước Mỹ của mình.
Kaiya đã lái chiếc Cessna – phi cơ hạng nhẹ trong hành trình 5 ngày liên tục bay từ Arizona ở tây nam Mỹ đến New Mexico, băng qua miền trung tây Mỹ. Cô đã bay từ bang Kentucky ở đông nam Mỹ College Park, bang Maryland, thủ đô Washington ngày 12/10. Tổng hành trình Kaiya di chuyển là hơn 3.200km.
Chiếc máy bay Kaiya dùng trong suốt hành trình là Cessna 172 Skyhawk 4 chỗ ngồi và chỉ có một động cơ. Bạn đồng hành kiêm phi công phụ của Kaiya sẽ trợ giúp những việc cô không thể tự làm được như cập nhật thông tin thời tiết, điều chỉnh số liệu phức tạp,…
Cơ quan Phòng chống Mù lòa Quốc tế (IAPB) cho biết, Kaiya thông báo với họ rằng cô sẽ khởi hành sớm hơn một chút do dự báo thời tiết xấu. Ban đầu Kaiya dự định khởi hành vào 13/10, ngày Thị giác Thế giới.
Marc Ashton, giám đốc tại IAPB cho biết, Kaiya đã phối hợp cùng Tổ chức vì Trẻ em Khiếm thị và xin được nguồn tài trợ từ họ, đồng thời Kaiya muốn thông qua thử thách này của mình để truyền cảm hứng cho những người bị khuyết tật như cô.
“Một người mù có thể bay khắp đất nước, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, hãy cố gắng hơn nữa”.
Tổ chức này đã có hơn 70 điều hành các hoạt động dành cho người khuyết tật. Họ đang giáo dục cho hơn 2000 trẻ em mắc bệnh về thị giác cách sinh hoạt bình thường. Nhiều người từ Tổ chức đã đến tận sân bay College Park, nơi Kaiya kết thúc hành trình của mình để cổ vũ cho cô.
Những người này sẽ theo dõi toàn bộ hành trình của Kaiya thông qua một thiết bị GPS gắn trên máy bay và truyền tin về mặt đất, sau đó phát lại dưới dạng radio.
Giám đốc Marc Ashton nói:
“Chuyến bay quá tuyệt vời, nó đã mang đến cho lũ trẻ có mặt ở đó sự hưng phấn và vui mừng, đồng thời truyền cảm hứng cho các em”.
Một học sinh bị khiếm thị khác chia sẻ:
“Sự kiện này thật tuyệt vời, em không bỏ lỡ một giây phút nào trong suốt hành trình”. Marilin Huinac, 16 tuổi nói:
“Chị ấy làm việc cùng bọn em, hy vọng một ngày nào đó em cũng sẽ làm được giống như thế”.
Kaiya bị mù từ năm 14 tuổi, thị lực của cô ngày càng giảm mà không rõ nguyên nhân vì sao. Tuy đã được phẫu thuật nhiều lần nhưng tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Một thời gian dài sau các bác sĩ mới phát hiện ra đó là do bẩm sinh.
Trong khoảng thời gian thị lực bị suy giảm, Kaiya đã phải sinh hoạt mà không có hỗ trợ về y tế hay gì. Cô chưa làm quen được với việc bị mù, thường xuyên ngã và va phải đồ đạc. Kaiya đã phải sắm một chiếc gậy tìm đường và tự học cách dùng trên mạng.
Trong quá trình thích nghi với bóng tối, Kaiya trở nên gần gũi với gia đình hơn, nhất là mẹ cô. Bà trở thành đôi mắt thay thế cho Kaiya, bà luôn nói những điều tích cực nhất dành cho cô.
Năm 19 tuổi, Kaiya lần đầu biết đến Tổ chức vì Trẻ em Khiếm thị. Tai đây, cô đã được học về chữ nổi và thậm chí được tạo điều kiện để vào đại học. Kaiya đã theo học ngành Luật.
Tuy nhiên, đam mê thực sự của Kaiya là ngồi trong buồng lái máy bay và trở thành một người phi công. Để làm được điều này, Kaiya phải tham gia nhiều khóa học phức tạp trong thời gian dài nhưng rất may là cô nhận được sự trợ giúp từ nhiều người bạn.
Tyler Sinclair, giáo viên hướng dẫn đồng thời là phi công phụ trợ giúp cho Kaiya trong suốt hành trình chia sẻ:
“Cô ấy học rất nhanh, cả lúc lên máy bay và cầm lái cũng vậy, tôi không phải trợ giúp gì nhiều. Công việc chính của tôi lúc đó là điều hướng và trò chuyện giúp Kaiya bớt căng thẳng hơn”.
Kaiya hy vọng hành trình của mình sẽ là một dấu mốc lớn, tạo động lực cho những người có hoàn cảnh tương tự:
“Khoảng khắc này đối với tôi là không thể quên được, xin cảm ơn gia đình và cộng đồng đã luôn ủng hộ tôi”.